1 luật sửa 5 luật: Điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực so với TAND cấp huyện hiện nay trong vụ việc dân sự.

Sáng 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (1 luật sửa 5 luật).

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật, trong đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND) các cấp trong giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên để thống nhất về tên gọi của Tòa án, thẩm quyền của các cơ quan có liên quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Media Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Media Quốc hội)

Ủy ban cơ bản nhất trí quy định về thẩm quyền của các TAND và Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Cụ thể, TAND khu vực sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản. Quy định này là điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực so với TAND cấp huyện hiện nay.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa Kinh tế thuộc TAND khu vực; Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Phá sản tại một số TAND khu vực để các Tòa chuyên trách này có cơ sở thực hiện. TAND cấp tỉnh phúc thẩm các bản án, quyết định dân sự , hành chính của TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định phá sản; giám đốc thẩm bản án, quyết định của TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị (tiếp nhận thẩm quyền này từ TAND cấp cao).

Hội đồng Thẩm phán TANDTC giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực bị kháng nghị (tiếp nhận thẩm quyền này từ TAND cấp cao). Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giao Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

"Việc phân định lại thẩm quyền nêu trên cơ bản phù hợp với mô hình TAND 3 cấp và chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong ngành TAND, bảo đảm tất cả các vụ việc dân sự , vụ án hành chính, yêu cầu phá sản đều được giải quyết từ cơ sở (TAND khu vực); TAND cấp tỉnh chủ yếu thực hiện vai trò là Tòa án cấp phúc thẩm xét xử các vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị. Quy định của dự thảo Luật về cơ bản bảo đảm tính khả thi", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nói.

Ông Tùng cũng cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi bổ sung của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng thời, đề nghị TANDTC phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát kỹ 2 luật này để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ủy ban cũng tán thành không quy định điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Luật này. Cụ thể, theo hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân nhân thì TANDTC đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để triển khai thi hành Luật sửa đổi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, các luật tố tụng và các luật khác có liên quan.

Dự thảo Nghị quyết đã bao quát các trường hợp cần chuyển tiếp Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đáp ứng được yêu cầu của luật này. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng theo phương án nêu trên, đồng thời đề nghị TANDTC tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ các nội dung cần chuyển tiếp, đảm bảo TAND, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan có liên quan hoạt động đồng bộ, thông suốt, không bị gián đoạn trong và sau quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 06 điều, trong đó có 05 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 05 Bộ luật, Luật gồm: (1) Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung 47 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 04 điều); (2) Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung 23 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 01 điều); (3) Luật Tư pháp người chưa thành niên (sửa đổi, bổ sung 18 điều); (4) Luật Phá sản (sửa đổi, bổ sung 07 điều); (5) Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sửa đổi, bổ sung 07 điều; bãi bỏ điểm, khoản của 01 điều) và 01 điều khoản thi hành.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trên cơ sở mô hình tổ chức Tòa án nhân dân 3 cấp, dự thảo 1 luật sửa 5 luật điều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực theo hướng Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 31 Luật Tố tụng hành chính); giải quyết phá sản (Điều 8 Luật Phá sản); tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính).

Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 Điều 331, khoản 2 Điều 354 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 260, khoản 2 Điều 283 Luật Tố tụng hành chính); bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 1 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính).

Tòa án nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị (khoản 2 Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 266 Luật Tố tụng hành chính).

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/1-luat-sua-5-luat-dieu-chinh-tang-tham-quyen-cua-tand-khu-vuc-post1198753.vov