10 nỗi đau của Apple

Apple mất vị trí công ty giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới và đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi Steve Jobs qua đời.

 CEO Apple hiện 65 tuổi và việc chọn CEO kế nhiệm cũng là một vấn đề với Apple. Ảnh: Reuters.

CEO Apple hiện 65 tuổi và việc chọn CEO kế nhiệm cũng là một vấn đề với Apple. Ảnh: Reuters.

iPhone, sản phẩm chủ lực của Apple, đang sụt giảm về doanh thu, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Táo khuyết chưa bắt kịp các đối thủ trong lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và cũng chưa tìm ra "cú hit" tiếp theo sau iPhone sau khi các dự án ôtô, kính thực tế ảo đều không đạt được kỳ vọng.

Thêm vào đó là mối đe dọa từ thuế quan do chính quyền Trump đưa ra. Apple đã chuyển bớt sản xuất sang Ấn Độ để tránh thuế áp lên hàng sản xuất tại Trung Quốc, nhưng Tổng thống vẫn gây áp lực buộc Apple phải sản xuất iPhone tại Mỹ, điều mà giới lãnh đạo Apple cho là gần như bất khả thi do chi phí quá cao.

 Tăng trưởng doanh thu của Apple từ 2017 (tính theo %) chững lại, thậm chí có năm suy giảm, trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Bloomberg.

Tăng trưởng doanh thu của Apple từ 2017 (tính theo %) chững lại, thậm chí có năm suy giảm, trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Bloomberg.

Hàng loạt khó khăn đã ảnh hưởng đến cổ phiếu của Apple, khiến hãng tụt lại phía sau so với các đại gia công nghệ khác trong năm nay. Apple không còn là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, vị trí hiện do Nvidia và Microsoft nắm giữ.

Trí tuệ nhân tạo

Từ khi ChatGPT của OpenAI ra mắt vào năm 2022, các hãng công nghệ đã đua nhau tích hợp AI tạo sinh, công nghệ có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và video từ các câu lệnh đơn giản.

Apple lại khá im ắng trong làn sóng AI này, khiến giới quan sát lo ngại hãng đang tụt lại phía sau. Vào năm 2024, Apple mới công bố “Apple Intelligence” tích hợp trên thiết bị. Công nghệ này hỗ trợ tóm tắt văn bản, tạo hình ảnh gốc và truy xuất dữ liệu thông minh.

Tuy nhiên, phần mềm vẫn gặp nhiều lỗi trong khi các đối thủ Android tiếp tục cải thiện và tích hợp nhiều tính năng AI hơn. Apple đã hợp tác với OpenAI, nhưng các tính năng nổi bật như trợ lý giọng nói Siri phiên bản mới vẫn chưa sẵn sàng.

 Apple Intelligence ra mắt muộn và chưa tạo được điểm khác biệt lớn với các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Apple.

Apple Intelligence ra mắt muộn và chưa tạo được điểm khác biệt lớn với các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Apple.

Tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) tháng 6, Apple ít đề cập đến Siri và AI, mà chủ yếu giới thiệu thay đổi về thiết kế hệ điều hành. Các cập nhật AI chính chỉ gồm mở rộng cho nhà phát triển bên thứ ba và tính năng dịch thuật.

Cú hit tiếp theo sau iPhone?

Khi có thông tin Apple từ bỏ dự án ôtô vào tháng 2/2024, các nhà đầu tư đã thở phào vì hãng không còn đốt hàng tỷ đô vào một dự án rủi ro. Tuy nhiên, việc bỏ dự án xe hơi cũng để lại khoảng trống lớn. Mặc dù khó sản xuất, Apple có thể bán ôtô với giá lên tới 100.000 USD. Dù biên lợi nhuận có thể thấp, sản phẩm vẫn có thể tạo cú hích doanh số.

Việc từ bỏ dự án làm dấy lên lo ngại rằng Apple đang quá thận trọng. Không chỉ xe hơi, Apple cũng đã dừng phát triển một số dự án liên quan đến cải tiến Apple Watch và hoãn kế hoạch ra mắt kính AR kết nối với Mac.

 Doanh thu quý tài chính thứ hai năm nay của Apple cho thấy iPhone vẫn là sản phẩm chủ lực đóng góp một nửa doanh thu, tiếp theo là các dịch vụ. Ảnh: Bloomberg.

Doanh thu quý tài chính thứ hai năm nay của Apple cho thấy iPhone vẫn là sản phẩm chủ lực đóng góp một nửa doanh thu, tiếp theo là các dịch vụ. Ảnh: Bloomberg.

Rủi ro là một định dạng công nghệ mới có thể bất ngờ xuất hiện và khiến Apple bị tụt hậu. Cựu trưởng nhóm thiết kế Jony Ive đang hợp tác với OpenAI để phát triển phần cứng thế hệ mới, có thể đe dọa chính iPhone mà ông từng góp phần tạo ra.

Kính thực tế ảo không đạt kỳ vọng

Apple đã bước chân vào thị trường mới với kính Vision Pro, một thiết bị AR/VR cao cấp nhưng không rõ mục đích sử dụng cụ thể. Dù được đánh giá cao về mặt kỹ thuật, sản phẩm vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng và đã bị hạn chế sản xuất từ cuối 2024.

Kính khá nặng, pin rời lớn, và gây lóa khi xem phim trong môi trường tối. Vision Pro giống bản thử nghiệm hơn là sản phẩm hoàn thiện nhưng lại có giá cao so với các thiết bị tương tự.

 Vision Pro không tiếp cận được nhiều người dùng do giá cao, mục đích sử dụng chưa rõ ràng. Ảnh: Reuters.

Vision Pro không tiếp cận được nhiều người dùng do giá cao, mục đích sử dụng chưa rõ ràng. Ảnh: Reuters.

Ban đầu, CEO Tim Cook muốn tạo ra kính AR nhẹ có thể đeo cả ngày, nhưng công nghệ chưa sẵn sàng, nên Apple đành ra mắt kính kết hợp AR và VR.

Thách thức tiếp theo là làm cho thiết bị nhẹ và rẻ hơn, phù hợp với người tiêu dùng phổ thông. Một số nguồn tin cho biết Apple đang phát triển phiên bản rút gọn, phiên bản kết nối với máy tính cho doanh nghiệp và mẫu nâng cấp hiệu năng cao hơn.

Nguy cơ mất thỏa thuận với Google

Dù phần lớn doanh thu đến từ phần cứng, dịch vụ đang ngày càng quan trọng với Apple. Một trong số đó là khoản phí từ việc Apple ưu tiên sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định, mang về khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, một vụ kiện chống độc quyền với Google đang đe dọa thỏa thuận này. Chính phủ Mỹ cho rằng đây là hành vi độc quyền. Nếu thỏa thuận bị chấm dứt, Apple sẽ mất hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Mô hình App Store và mối quan hệ với các nhà phát triển

Tháng 4 vừa qua, một thẩm phán ở California đã buộc Apple phải cho phép các nhà phát triển điều hướng người dùng ra ngoài ứng dụng để thanh toán, có thể khiến Apple mất khoản phí mà hãng thu từ nhà phát triển khi người dùng đăng ký hoặc mua hàng trong ứng dụng.

Chính sách mới trước mắt áp dụng tại Mỹ, nhưng nhiều khả năng sẽ lan rộng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý toàn cầu.

 Nhiều vụ kiện ở Mỹ và châu Âu có thể làm ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh App Store. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều vụ kiện ở Mỹ và châu Âu có thể làm ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh App Store. Ảnh: Shutterstock.

Apple có thể phải giảm phí thu của nhà phát triển để cạnh tranh với nền tảng thanh toán bên ngoài, điều sẽ ảnh hưởng đến doanh thu App Store. Đồng thời, công ty cũng cần cải thiện quan hệ với cộng đồng lập trình viên, vốn đang bức xúc vì hệ sinh thái khép kín của Apple.

Nguy cơ pháp lý toàn cầu

Tháng 3/2024, Bộ Tư pháp Mỹ và 16 bang đã kiện Apple vì cho rằng các chính sách của hãng gây khó cho đối thủ và người tiêu dùng muốn chuyển đổi thiết bị. 5 lĩnh vực bị nêu tên gồm: siêu ứng dụng, game đám mây, nhắn tin, đồng hồ thông minh và ví kỹ thuật số. Công ty bác bỏ cáo buộc và cam kết đấu tranh đến cùng, nhưng vụ kiện dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm.

Tại châu Âu, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) có hiệu lực từ năm ngoái cũng gây ảnh hưởng lớn. Luật này buộc Apple phải cho phép cài ứng dụng từ ngoài App Store, dùng phương thức thanh toán thay thế và làm cho việc thay đổi trình duyệt mặc định trở nên dễ hơn.

Apple từ lâu phản đối các thay đổi này, cho rằng chúng gây hại cho trải nghiệm và bảo mật. Nguy cơ lớn nhất là mô hình sinh lời hàng chục tỷ USD của Apple bị phá vỡ.

Thuế và chuỗi cung ứng

Apple chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc, nên dễ bị tổn thương bởi các đòn thuế từ Trump. Tháng 4, chính quyền Mỹ công bố mức thuế lên tới 145%. Dù sau đó có nới lỏng, nhưng Apple đã đẩy nhanh việc chuyển sản xuất sang Ấn Độ.

 90% iPhone hiện được sản xuất tại Trung Quốc, theo Everscore ISI. Ảnh: Tuấn Anh.

90% iPhone hiện được sản xuất tại Trung Quốc, theo Everscore ISI. Ảnh: Tuấn Anh.

Dù vậy, Apple vẫn có thể buộc phải tăng giá khi ra mắt iPhone mới vào cuối năm nay. Hơn nữa, kế hoạch chuyển sang Ấn Độ không làm hài lòng Trump, vốn muốn Apple phải sản xuất ngay tại Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo Apple cho rằng điều này là cực kỳ tốn kém.

Kế nhiệm CEO

Tim Cook đã làm CEO từ năm 2011, sau khi Steve Jobs qua đời. Dưới sự lãnh đạo của ông, Apple mở rộng sang thiết bị đeo, nội dung số và iPhone cỡ lớn, trở thành công ty trị giá 3.000 tỷ USD.

Năm nay, Cook tròn 65 tuổi, làm dấy lên câu hỏi ai sẽ kế nhiệm. Vấn đề là nhiều lãnh đạo cấp cao của Táo khuyết cũng gần tuổi ông, khiến lựa chọn thay thế không nhiều. Dự kiến khi nghỉ, Cook sẽ giữ vai trò Chủ tịch điều hành để hỗ trợ chuyển giao. Ứng viên sáng giá nhất hiện là John Ternus – Giám đốc phần cứng, người trẻ nhất trong ban điều hành.

Suy giảm doanh số tại Trung Quốc

Apple đang trên đà suy thoái ở Trung Quốc trong vài năm qua và vấn đề này chưa có dấu hiệu biến mất. Doanh thu Apple tại Trung Quốc đã giảm hơn 2% trong quý tài chính thứ hai của năm nay, tệ hơn dự đoán của Phố Wall.

 Đóng góp của thị trường Trung Quốc vào doanh thu Apple (tính theo %). Ảnh: Bloomberg.

Đóng góp của thị trường Trung Quốc vào doanh thu Apple (tính theo %). Ảnh: Bloomberg.

Các thương hiệu Trung Quốc nội địa như Vivo đã giành được nhiều thị phần và chính phủ Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm công nghệ nước ngoài tại một số nơi làm việc. Khi căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung gia tăng, sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc, vừa như một thị trường vừa như trung tâm sản xuất, đang trở nên rủi ro hơn.

Thị trường smartphone bão hòa

Dòng iPhone 16 ra mắt vào tháng 9/2024 được Apple quảng bá mạnh với tính năng AI, hy vọng thúc đẩy người dùng nâng cấp. Tuy nhiên, doanh thu smartphone của công ty vẫn giảm 1% trong những tháng cuối năm 2024.

Tháng 2, Apple tung ra mẫu iPhone giá rẻ mới, iPhone 16e, thay thế iPhone SE 429 USD bằng một mẫu hiện đại hơn. Nhưng thiết bị lại có giá 599 USD, cao hơn nhiều đối thủ cùng phân khúc.

Vấn đề lớn hơn là người tiêu dùng vẫn chưa thấy lý do thuyết phục để nâng cấp điện thoại, đặc biệt trong bối cảnh giá của các thiết bị mới có thể sẽ tiếp tục tăng.

Hồng Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/10-noi-dau-cua-apple-post1565762.html