12 dự án ngành Công Thương chuyển biến tích cực nhưng vẫn ôm nợ nghìn tỷ
Dù nhiều giải pháp đã được triển khai ở các bộ, ngành và các đối tác mới, nhưng nhiều dự án trong số 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn báo lỗ nặng. Tổng dư nợ đến thời điểm 30/6/2019 là 22.423 tỷ đồng.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa thừa ủy quyền Chính phủ gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình 12 dự án yếu kém, thua lỗ sau hơn một năm xử lý.
Bộ này cho biết, kể từ sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV tới nay, 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ ngành Công Thương dù được nhận định có chuyển biến tích cực hơn. Nhưng nhìn vào tình hình tài chính của các doanh nghiệp này vẫn rất báo động.
Cụ thể, đến năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã có 2 Nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, đạt lợi nhuận sau thuế đạt 7,299 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế đạt 270,730 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2018. Đối với 4 dự án còn đang thua lỗ đang từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ nhưng do tình hình thị trường diễn biến khó khăn nên kết quả chưa bền vững.
8 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 138,928 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 94,258 tỷ đồng.
Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay có 01 dự án đã vận hành trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ hiện nay Nhà máy chỉ vận hành 7 dây chuyền sản xuất. Khó khăn PVTex vấp phải vẫn là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường đầu ra khó. Lũy kế đến hết tháng 8, PVTex lỗ hơn 5.100 tỷ đồng, tổng nợ phải trả khoảng 7.806 tỷ.
Đối tác của PVTex là Tập đoàn An Phát không gia hạn hợp đồng nên Dự án đang phải tìm kiếm đối tác mới vận hành lại toàn bộ nhà máy.
2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất.
Cụ thể, Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa, sẵn sàng khởi động lại, tuy nhiên do diễn biến thị trường không thuận lợi nên các bên quyết định chưa vận hành lại nhà máy.
Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu Sinh học Quảng Ngãi đã tiến hành sản xuất theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 sản xuất ra 2.000 m3 ethanol đạt chất lượng. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá sắn cao (5.500 đồng/kg-5.700 đồng/kg) nên đối tác đã không thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2019 và đã dừng hợp tác. Hiện nay BSR-BF đang triển khai tìm kiếm các đối tác khác.
Điểm mấu chốt được Bộ Công Thương nêu trong quá trình xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém này là đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.
Đối với 3 Dự án xây dựng dở dang, Bộ Công Thương cho biết, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã trình Bộ phương án để tiếp tục xử lý Dự án và tổ chức triển khai bán đấu giá Dự án lần thứ hai theo quy định.
Dự án Nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành chiếm 60,24%, không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai Dự án.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.
Theo báo cáo này, hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/2019 là 20.063 tỷ đồng (giảm 373 tỷ đồng so với thời điểm 31/03/2019) do một số ngân hàng, thu hồi nợ trung hạn đối với các khoản cho vay dự án nhà máy thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai.
Trong đó, dư nợ cấp tín dụng trung dài hạn là 16.413 tỷ đồng (chiếm 82%, giảm 402 tỷ đồng so với thời điểm 31/03/2019), còn lại 3.650 tỷ đồng là cấp tín dụng ngắn hạn (chiếm 18%, tăng 29 tỷ đồng so với thời điểm 31/03/2019).
Ngoài cấp tín dụng đối với 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả là 20.063 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại còn cấp tín dụng đối với các dự án khác của các Chủ đầu tư là 2.360 tỷ đồng. Vì vậy, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các Chủ đầu tư đến thời điểm 30/6/2019 là 22.423 tỷ đồng (giảm 320 tỷ đồng so với thời điểm 31/03/2019). Trong đó, dư nợ cấp tín dụng trung, dài hạn là 16.501 tỷ đồng, giảm 304 tỷ đồng; dư nợ tín dụng ngắn hạn là 5.922 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với thời điểm 31/03/2019.
Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ lỗ lũy kế 5.120,2 tỷ, tăng lỗ 12%. Tổng nợ phải trả 7.806,1 tỷ, tăng 1,56%.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 208,807 tỷ, tăng lỗ 94,258 tỷ so với cùng kỳ 2018.
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc lỗ 342 tỷ, tăng lỗ 138,928 tỷ.
Công ty TNHH một thành viên công nghiệp Tàu thủy Dung Quất lỗ lũy kế 3.841,31 tỷ, tăng lỗ 1,4%. Tổng nợ phải trả 6.918,53 tỷ, tăng 1%.
Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ lũy kế 1.396,64 tỷ, tăng lỗ 14,67%. Tổng nợ 1.842,97 tỷ, tăng 3,88%.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi lỗ lũy kế 983.70 tỷ, tăng lỗ 14,8%, tổng nợ 1.304,90 tỷ.
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tổng nợ phải trả đến 31/8/2019 lên đến hơn 3.000 tỷ.