13 bài thuốc chữa bệnh từ cây sống đời
Cây sống đời không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường thọ mà còn là một dược liệu quý có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Cây sống đời tên gọi khác là cây bỏng, diệp sinh căn, trường sinh; có vị nhạt, hơi chua, tính mát, không độc; có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đau cầm máu…
Cây sống đời dạng thân thảo, phân nhánh, chiều cao tối đa 1m, thân trên nhẵn màu tím tía. Lá cây sống đời màu xanh dày, mọng nước, chứa cả chất nhớt, lá mọc đối, cuống ngắn, phát triển từ thân hoặc cánh. Hoa nở vào mùa xuân, mọc thành từng cụm màu đỏ, vàng cam, trắng. Toàn cây sống đời dùng làm thuốc, nhất là các lá giữa.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây sống đời
- Điều trị đau mỏi xương khớp, đau lưng: Dùng vài lá sống đời loại to đem hơ trên bếp cho nóng, đắp vào nơi đau, sau vài phút lá hết nóng, nướng lại rồi chườm trong khoảng 15 phút.
- Điều trị bệnh kiết lỵ, bệnh trĩ: Kết hợp 20g lá cây sống đời, 20g cây mã xỉ hiện (rau sam), cả hai đem sắc uống, chia 3 lần sáng, trưa, chiều.
- Chữa rối loạn giấc ngủ, mất ngủ: Dùng 8 lá sống đời nhai tươi, nuốt cả bã lẫn nước, ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Chữa chàm da, nổi mày đay, mụn trứng cá: Lấy lá cây giã nát đắp vào vùng da tổn thương ngày 2 lần.
- Giải rượu cho những trường hợp say rượu: Hái 10 lá sống đời cho người say rượu ăn, sau 10 phút có thể tỉnh táo hơn.
- Chữa hôi nách: Hái 3-4 lá sống đời tươi rửa sạch, giã nát chắt lấy nước để uống, bã để riêng xoa vào nách 10 phút. Sau đó rửa sạch. Áp dụng bài thuốc này 1 lần/ngày khi vừa tắm xong.
- Điều trị chảy máu cam, viêm mũi xoang: Hái lá sống đời, già, nước cốt (giã nát lọc lấy nước) thấm vào bông gòn, nhét lần lượt vào 2 bên lỗ mũi. Áp dụng 4-5 lần/ngày, tác dụng cầm máu, sát khuẩn, làm mau lành tổn thương mũi xoang.
- Hạ huyết áp, chữa đau đầu: Lấy lá sống đời tươi sắc uống ngày 2 lần, mỗi lần 60ml.
- Điều trị ho viêm họng, sưng đau cổ: Mỗi buổi sáng và chiều lấy lá cây sống đời rửa sạch, nhai kỹ nuốt nước từ từ cho trôi xuống cổ họng, bệnh thuyên giảm.
- Điều trị ra mồ hôi trộm vào ban đêm ở trẻ em: Giã lá sống đời lấy nước cốt cho trẻ uống 2 lần/ngày, mỗi lần 40-60ml.
- Làm vết thương nhanh lành sẹo: Giã nát lá sống đời tươi đắp vào vết thương ngày 2 lần để chống nhiễm trùng, kích thích da non phát triển.
- Chữa viêm lợi: Dùng 4 lá buổi sáng, 4 lá buổi chiều, 2 lá buổi tối. Nhai xong ngậm 15 phút, sau đó nuốt cả bã. Thực hiện 3-5 ngày.
- Làm dịu vùng da bị cháy nắng: Giã nát lá sống đời đắp lên khu vực da bị ảnh hưởng có tác dụng xoa dịu tình trạng nóng rát.
Lưu ý khi dùng đường đắp ngoài cần đảm bảo lá sống đời phải được rửa sạch sẽ, tránh hiện tượng bội nhiễm do vi khuẩn gây ra.
Phải sử dụng lá đã già, tươi, không dùng lá khô héo để đảm bảo chất lượng của dược liệu.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/13-bai-thuoc-chua-benh-tu-cay-song-doi-169240820110451409.htm