14 sự thật bất ngờ về muối: Đắt như vàng, gây nghiện và có thể hủy hoại sức khỏe
Muối - thứ gia vị nhỏ bé nhưng chứa đựng lịch sử phong phú và phức tạp: từ biểu tượng tôn giáo, hàng hóa chiến lược cho tới nguyên nhân gây bệnh tim mạch và bạn sẽ bất ngờ với những sự thật khác nữa.

Muối - gia vị nhỏ bé chứa đựng lịch sử phong phú và thú vị. (Ảnh: iStock)
Muối có mặt ở khắp mọi nơi. Ngay cả khi bạn không thể nếm thấy vị của nó, rất có thể nó vẫn tồn tại trong mọi thứ - từ bột yến mạch ăn sáng đến món salad trưa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về loại khoáng chất này.
1. Muối có thể không mặn
Khi nghĩ đến muối, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị mặn. Nhưng thực tế, không phải tất cả các loại muối đều có vị mặn rõ rệt như nhau. Một số loại muối, chẳng hạn như muối Himalaya, có thể có vị nhẹ hơn nhờ chứa thêm các khoáng chất khác như kali, canxi và magie.
2. Có nhiều loại muối khác nhau, nhưng tương tự về dinh dưỡng
Từ muối ăn tinh luyện đến muối biển, muối hồng Himalaya hay muối Kosher - dù khác nhau về màu sắc, kết cấu và quy trình sản xuất,

Có nhiều loại muối trên thế giới, song chúng đều có hàm lượng natri tương đương nhau (khoảng 40%). (Ảnh: iStock)
Muối biển chứa một số khoáng vi lượng, nhưng không đáng kể đến mức tạo khác biệt dinh dưỡng lớn. Muối hồng Himalaya có thể trông đẹp mắt và “sang chảnh” hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng giá trị sức khỏe của nó không vượt trội như lời đồn.
3. Cơ thể chúng ta tiến hóa để “nghiện” muối
Tổ tiên loài người từng sống trong môi trường rất thiếu muối, nên não bộ và vị giác đã tiến hóa để khao khát vị mặn - như một cách sinh tồn. Ngày nay, khi muối có mặt khắp nơi, bản năng đó khiến chúng ta dễ tiêu thụ quá mức.
Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy vị mặn có thể kích hoạt trung tâm phần thưởng trong não tương tự như đường hoặc nicotine.
4. Muối làm nổi bật hương vị
Trong ẩm thực, vị mặn là yếu tố thứ năm trong 5 vị cơ bản bên cạnh đắng, ngọt, chua và vị umami. Muối giúp trung hòa vị đắng và làm nổi bật các vị khác. Dải "điểm ngọt" của muối rộng, tức là chỉ cần một lượng thích hợp, món ăn sẽ trở nên ngon miệng hơn rõ rệt.

Muối giúp làm nổi bật hương vị thức ăn. (Ảnh: iStock)
Từ 10.000 năm trước, con người đã sử dụng muối như một yếu tố then chốt để điều chỉnh hương vị thức ăn. Muối không chỉ cân bằng vị mà còn tạo cảm giác đậm đà hơn cho món ăn, đặc biệt là trong các món súp hay món hầm vào mùa lạnh.
5. Cơ thể chúng ta cần muối, nhưng không nhiều
Muối (natri clorua) rất cần thiết cho sự sống, giúp điều hòa huyết áp, truyền tín hiệu thần kinh và co cơ. Nhưng theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ khoảng 2.300 mg natri mỗi ngày - tương đương 1 thìa càphê muối.
Thực tế, người Mỹ trung bình đang tiêu thụ khoảng 3.400mg natri mỗi ngày - vượt khuyến nghị đến 1.000mg. Lượng muối dư thừa này có thể gây tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh thận.
6. Phần lớn muối đến từ thực phẩm chế biến sẵn
Nhiều người nghĩ rằng họ ăn mặn là do nêm nếm quá tay khi nấu nướng. Nhưng theo CDC Mỹ, hơn 70% lượng natri tiêu thụ hàng ngày thực ra đến từ các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh mỳ, pizza, phômai, thịt nguội, đồ hộp, nước chấm và snack.

Thịt nguội chứa khá nhiều muối. (Nguồn: Getty)
Nhiều món có vẻ “vô hại” lại chứa rất nhiều natri ẩn, chẳng hạn như bánh mỳ sandwich, nước sốt mì Ý hay thậm chí là ngũ cốc ăn sáng.
7. Giảm lượng muối không dễ như bạn nghĩ
Ngay cả khi bạn ngừng thêm muối vào món ăn, bạn vẫn có thể đang tiêu thụ quá nhiều natri từ các thực phẩm đóng gói, ăn sẵn hoặc ăn ngoài hàng.
Để cắt giảm lượng natri, cần đọc kỹ nhãn dinh dưỡng, chọn sản phẩm ghi "ít natri," "giảm muối," và ưu tiên thực phẩm tươi sống, nấu tại nhà với gia vị tự nhiên như chanh, tỏi, gừng, húng quế.
8. Trẻ em đang ăn quá nhiều muối
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy hơn 90% trẻ em Mỹ từ 6-18 tuổi tiêu thụ natri vượt mức khuyến nghị. Điều này đáng lo ngại vì ăn mặn từ nhỏ làm tăng nguy cơ cao huyết áp sớm, tạo thói quen ăn uống khó thay đổi khi trưởng thành.

Nhiều trẻ em hiện nay đang tiêu thụ lượng natri quá mức khuyến nghị. (Ảnh: iStock)
Thực phẩm phổ biến trong khẩu phần trẻ em - như pizza, khoai tây chiên, mỳ ăn liền, nước tương - thường chứa lượng muối “khổng lồ” so với nhu cầu của trẻ.
9. Thiếu muối cũng không tốt
Một số chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt loại bỏ muối hoàn toàn, nhưng điều đó có thể gây mất cân bằng điện giải, chuột rút cơ bắp, tụt huyết áp hoặc mệt mỏi.
Người ăn chay trường, vận động viên tập luyện cường độ cao hoặc người sống ở vùng khí hậu nóng có thể cần bổ sung muối nhiều hơn để bù đắp lượng natri mất qua mồ hôi.
10. Có thể “huấn luyện” khẩu vị để ăn nhạt dần
Tin vui là vị giác có thể thích nghi. Nếu bạn giảm lượng muối từ từ trong vài tuần - bằng cách nêm nhạt hơn, dùng thảo mộc và gia vị tự nhiên - bạn sẽ thấy món ăn dần đậm đà hơn ngay cả khi ít muối hơn trước.
Nhiều người áp dụng cách này đã thành công “cai” muối mà không cảm thấy thiệt thòi vị giác.
11. Muối từng là thứ xa xỉ và quý như vàng

Cánh đồng muối. (Ảnh: iStock)
Trong lịch sử, muối từng được xem là “vàng trắng.” Từ “salary” (tiền lương) trong tiếng Anh bắt nguồn từ “salarium” - khoản tiền lính La Mã được trả để mua muối.
Ở Trung Quốc cổ đại, muối từng là hàng hóa bị đánh thuế cao và được kiểm soát như một chiến lược quốc gia.
Các tuyến đường buôn bán muối từng định hình nên cả nền kinh tế, thậm chí gây ra chiến tranh.
12. Muối từng gây ra chiến tranh
Muối không chỉ là hàng hóa mà còn là nguyên nhân xung đột. Trong lịch sử, việc kiểm soát nguồn cung và thương mại muối từng là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh và nổi dậy.
Tại Trung Quốc, thuế muối là nguồn thu chính của nhiều triều đại phong kiến. Sự bất mãn vì thuế muối nặng nề từng góp phần châm ngòi các cuộc nổi dậy.
Ở Pháp, thuế muối (gabelle) là một trong những nguyên nhân khiến dân chúng bất mãn trước Cách mạng Pháp.
Tại Ấn Độ, Mahatma Gandhi từng lãnh đạo cuộc "Hành trình muối" (Salt March) năm 1930 để phản đối sự độc quyền khai thác và đánh thuế muối của thực dân Anh.
13. Muối đắt nhất thế giới đến từ Hàn Quốc
Muối tre Hàn Quốc - còn gọi là muối tre tím - có thể có giá trên 100 USD cho một cốc muối 240g, đắt gấp hơn 800 lần so với muối ăn thông thường.
Muối tre được sản xuất theo phương pháp thủ công bằng cách rang muối biển trong thân tre ở nhiệt độ gần 800 độ C, nung liên tục 9 lần trong vòng 30 ngày.

Sau 9 lần được nung nóng, muối tre sẽ tạo thành một khối cứng rắn. Người làm muối sẽ đập và nghiền nhỏ những khối muối này. (Ảnh: BI)
Muối tre Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng với mức giá đắt đỏ mà còn được xem là loại muối tinh khiết bậc nhất hành tinh, chứa nhiều canxi, sắt và kali hơn muối thường, giúp hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu viêm, tốt cho da và răng miệng.
Dù vẫn cần thêm nghiên cứu khoa học, quy trình sản xuất công phu đã giúp loại muối này trở thành sản phẩm cao cấp trên thị trường.
14. Muối trong văn hóa và mê tín
Muối từng được dùng để tẩy uế và trừ tà. Trong nhiều nền văn hóa, muối được xem là chất có khả năng thanh tẩy, xua đuổi tà ma.
Người Nhật Bản rắc muối ở lối vào nhà để xua đuổi năng lượng xấu. Người La Mã cổ đại dùng muối trong nghi lễ tôn giáo để làm sạch không gian linh thiêng. Ở một số nước châu Phi, muối được rắc quanh nhà để bảo vệ khỏi linh hồn xấu.
Trong văn hóa dân gian phương Tây, rắc muối qua vai trái được cho là cách hóa giải điềm xui nếu chẳng may làm đổ lọ muối. Quan niệm này có thể bắt nguồn từ thời Trung cổ, và một số nhà sử học cho rằng danh họa Leonardo da Vinci đã góp phần hình thành niềm tin này thông qua bức tranh "Bữa ăn tối cuối cùng.”
Trong bức tranh, Judas Iscariot - kẻ phản bội Chúa Jesus - được khắc họa đang vô tình làm đổ lọ muối trên bàn tiệc. Hình ảnh này được xem là biểu tượng cho sự bất hạnh và phản bội, từ đó góp phần lan truyền quan niệm rằng đổ muối là điềm gở./.