15 ca nghi mắc sởi trong tháng 3
Trong tháng 3-2025, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 15 trường hợp nghi mắc sởi, 5 trường hợp mắc tay chân miệng và 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bảo vệ cơ thể khỏi virus sởi.
So với tháng 2, số ca mắc sởi tăng 9 ca, tay chân miệng tăng 5 ca, sốt xuất huyết giảm 1 ca. Như vậy, lũy kế 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 27 ca nghi mắc sởi/rubella (nhiều hơn cả năm 2024 là 16 ca sởi); 11 ca sốt xuất huyết (cùng thời điểm năm 2024, ghi nhận 8 ca); 5 ca bệnh tay chân miệng (cùng thời điểm năm 2024, ghi nhận 5 ca).
Cuối tháng 3 vừa qua, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Thái Nguyên đã hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1-10 tuổi.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi tiêm vắc-xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi chỉ có khoảng 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Số còn lại không có đáp ứng miễn dịch do nhiều yếu tố khác nhau, như: tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc-xin...
Vì thế, việc tiêm vắc-xin sởi mũi 2 theo khuyến cáo rất quan trọng, là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch ở mũi tiêm thứ nhất, hoặc chưa được tiêm vắc-xin sởi. Qua đó giúp tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên đến 95%.

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng dễ mắc sởi.
Sau khi tiêm vắc-xin, thường cần từ 2-3 tuần để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ. Trong khoảng thời gian này, trẻ chưa có miễn dịch bảo vệ nên nguy cơ mắc bệnh vẫn rất cao, cần tránh xa các yếu tố có nguy cơ.
Các bệnh truyền nhiễm khác không có diễn biến bất thường trong thời điểm này. Tuy nhiên, số ca mắc cúm A đang phải điều trị tại một số bệnh viện vẫn còn khá nhiều, mặc dù so với tháng 2 đã giảm đáng kể. Vì thế, mọi người không nên chủ quan khi tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị cúm.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202504/15-ca-nghi-mac-soi-trong-thang-3-4b12adb/