16 ngân hàng vốn điều lệ trên 1 tỷ USD, nhóm ngân hàng tư nhân bật tăng mạnh mẽ
Hầu hết ngân hàng đều tăng vốn điều lệ trong năm 2024, bất chấp những khó khăn chung của thị trường. Trong số 16 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD ghi nhận sự bứt phá mạnh của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Sự trỗi dậy của khối ngân hàng tư nhân
Tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước (bao gồm Agribank và 27 ngân hàng thương mại cổ phần) tính đến 31/12/2024 là 823.522 tỷ đồng (tương đương khoảng 33 tỷ USD), tăng 15,23% so với cuối năm 2023. Trong đó, có 16 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD (năm 2023 có 12 ngân hàng).
Có tới 20 trong tổng số 28 ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ trong năm 2024. Trong đó, hai ngân hàng NCB và Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất về vốn điều lệ so với năm 2023, lần lượt là 110% và 100%.
Cụ thể, vốn điều lệ của NCB đã tăng từ 5.600 tỷ đồng lên 11.780 tỷ đồng, trong khi Techcombank tăng mạnh từ 35.225 tỷ đồng lên 70.658 tỷ đồng.
Qua đó, NCB đã cải thiện vị trí, từ xếp thứ 23 năm 2023 lên Top 20 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất năm 2024. Techcombank cũng tiến một bước dài, từ vị trí thứ 11 lên Top 2 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
VPBank dù không tăng vốn điều lệ trong năm qua nhưng vẫn đứng vững vị trí Top 1 với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng. Trong đó, 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của nhà băng này.
Ngoài VPBank và Techcombank, Top 10 ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay còn có BIDV 68.975 tỷ đồng (tăng 21%); Vietcombank 55.891 tỷ đồng (không thay đổi); VietinBank 53.670 tỷ đồng (không thay đổi); MB 53.063 tỷ đồng (tăng 1,77%); Agribank 51.616 tỷ đồng (tăng 25%); ACB 44.666 tỷ đồng (tăng 15%); SHB 38.073 tỷ đồng (tăng 1,16%) và HDBank 35.101 tỷ đồng (tăng 20,72%).
Các ngân hàng còn lại đều có quy mô vốn điều lệ dưới 30.000 tỷ đồng.
Trong đó, 7 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng. Xếp theo thứ tự các ngân hàng quy mô vốn điều lệ nhỏ nhất lần lượt gồm: Saigonbank 3.388 tỷ đồng (tăng 10%); KienlongBank 3.653 tỷ đồng (không thay đổi); PGBank 4.200 tỷ đồng (tăng 40%); Viet A Bank 5.400 tỷ đồng (không thay đổi); BVBank 5.518 tỷ đồng (tăng 10%); VietBank 7.139 tỷ đồng (tăng 49,46%) và Bac A Bank 8.959 tỷ đồng (tăng 7,5%).
Đáng chú ý, Top 10 ngân hàng lớn nhất năm 2024 có sự bổ sung của hai cái tên Techcombank và Agribank.
LPBank năm vừa qua không tăng vốn điều lệ nên đã đánh mất vị trí trong Top 10 và lùi xuống vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng các ngân hàng quy mô vốn lớn nhất.
Nhóm các ngân hàng có tỷ lệ tăng cao nhất, ngoài NCB và Techcombank còn có: VietBank (tăng 49,46%); PGBank (tăng 40%); MSB (tăng 30%) và Nam A Bank (tăng 29,73%).
Đáng chú ý, PGBank sau khi có sự tham gia của nhóm cổ đông mới đã có sự bứt phá mạnh mẽ về vốn điều lệ.
Trong danh sách nhóm cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của PGBank có 16 cổ đông, gồm tổ chức và cá nhân. Trong đó, 3 cổ đông pháp nhân lớn nhất, lần lượt là: CTCP Quốc tế Cường Phát 13,541%; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức 13,36%; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, sở hữu 13,099%.

Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về vốn điều lệ. Ảnh: Nam Khánh
Ngân hàng quốc doanh sắp có sự bứt phá
Có 8 ngân hàng không thay đổi vốn điều lệ, trong đó có hai ngân hàng quốc doanh là VietinBank và Vietcombank. 6 ngân hàng còn lại gồm: LPBank, VPBank, Sacombank, ABBank, Viet A Bank và KienlongBank.
Tuy nhiên, vị trí của các nhà băng thuộc Top đầu sẽ có thay đổi lớn khi mới đây Vietcombank đã công bố kế hoạch phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu, với tỷ lệ phát hành 49,5% cho cổ đông có tên trong danh sách tại thời điểm chốt quyền. Tổng giá trị phát hành dự kiến 27.666 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 (27.702 tỷ đồng, tương đương 49,564% vốn điều lệ).
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến tăng thêm tối đa 27.666 tỷ đồng, từ 55.891 tỷ đồng lên khoảng 83.557 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietcombank còn dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư tổ chức (tương đương với 1,3 tỷ USD), dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025 nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Theo cơ cấu cổ đông hiện tại, cổ đông nhà nước nắm giữ 74,80% vốn điều lệ của Vietcombank. Cổ đông ngoại Mizuho Bank, Ltd nắm giữ 15%, cổ đông khác nắm giữ 10,20%.
Tại BIDV, vốn điều lệ hiện tại là 68.975 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 80,99% vốn điều lệ, phần vốn của cổ đông chiến lược KEB Hana chiếm 15%, phần vốn của nhà đầu tư bên ngoài thông qua phát hành cổ phiếu chiếm 4,01%.
Vốn điều lệ của VietinBank là 53.670 tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước nắm giữ 64,46%, đối tác nước ngoài MUFG nắm giữ 19,73%, các cổ đông khác nắm giữ 15,81%.
Trong năm 2024, Agribank đã được cấp bổ sung đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng.
Với định hướng tín dụng năm 2025 tăng khoảng 16%, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Agribank, nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có.
Tổng Giám đốc Agribank kiến nghị được cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.
