23 chủ đầu tư tại Thanh Hóa 'cán đích' giải ngân vốn đầu tư công

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 52 chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh, trong đó có 23 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch...

Huyện ủy Vĩnh Lộc nằm trong danh sách 23 chủ đầu tư tại Thanh Hóa “cán đích” giải ngân vốn đầu tư công

Huyện ủy Vĩnh Lộc nằm trong danh sách 23 chủ đầu tư tại Thanh Hóa “cán đích” giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là hơn 13.530 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là hơn 13.045 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch.

43 DỰ ÁN ĐÃ GIẢI NGÂN ĐẠT 100% KẾ HOẠCH

Trong 5 tháng qua, với những giải pháp quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư công tại Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả tích cực, tính đến ngày 29/5 giá trị giải ngân là 3.706 tỷ đồng bằng 28,4% kế hoạch giao chi tiết, cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước. Trong đó một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch như: đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 70,4%, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 41,6%...

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có có 52 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh, trong đó có 23 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Cụ thể, 23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch gồm: Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân nhân tỉnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc; Chi cục Kiểm lâm; Huyện ủy Vĩnh Lộc; xã Tam Chung (Mường Lát); các xã Thiên Phủ, Trung Thành, Thành Sơn và xã Hồi Xuân (nay là thị trấn Hồi Xuân), huyện Quan Hóa; các xã Thạch Long, Thạch Quảng (Thạch Thành); các xã Hưng Lộc, Cầu Lộc (Hậu Lộc); các xã Khuyến Nông, Tiến Nông, Hợp Lý, Triệu Thành, Thọ Tân và Thọ Sơn (Triệu Sơn); xã Thăng Thọ (Nông Cống); các xã Vĩnh Khang (nay là xã Ninh Khang), Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) và xã Tùng Lâm (thị xã Nghi Sơn).

Cùng với 23 chủ đầu tư, toàn tỉnh có 43 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, với số vốn là gần 285 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn, mới giải ngân được 11,7%, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của cả tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 29 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất, 4 dự án khó khăn vì giá vật liệu tăng cao, 1 dự án khó khăn trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, 18 dự án khó khăn, vướng mắc khác, 4 dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đến nay Thanh Hóa còn 61 dự án chưa được quyết định đầu tư. Một số dự án sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khi tiến hành thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án lại phát sinh một số nội dung không phù hợp, phải tiếp tục trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

NHỮNG RÀO CẢN LÀM CHẬM TIẾN ĐỘ

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến giao ban toàn tỉnh Thanh Hóa, các đại biểu đã thảo luận về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân khách quan được xác định là việc thiếu hụt nguồn cung đất đắp, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với quy trình, thủ tục mới (không phải phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện theo các hướng dẫn mới của Trung ương, các dự án chủ yếu có quy mô nhỏ, nhiều nội dung chưa có hoặc chậm được hướng dẫn). Mặc dù là năm thứ hai thực hiện các chương trình, nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện các dự án khởi công mới, nên nhiều chủ đầu tư, địa phương có lúc, có việc vẫn còn lúng túng.

Nguyên nhân chủ quan được xác định đó là năng lực triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan chưa đảm bảo, có mặt còn hạn chế; chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu đôn đốc, kiểm tra. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...

Tại hội nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã yêu cầu các ngành, đơn vị có liên quan nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để sớm giao vốn đối với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư. Khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.

Các sở, ngành đặc biệt là các sở Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… thực hiện tốt công tác hướng dẫn cho các đơn vị, các địa phương để hồ sơ đảm bảo chất lượng, rút ngắt thời gian thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường… trên cơ sở pháp luật quy định.

Liên quan đến vấn đề giá nguyên vật liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường chỉ đạo công tác niêm yết thông tin giá bán; mở rộng việc cấp phép khai thác mỏ để tăng cường thêm các nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án sắp tới.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/23-chu-dau-tu-tai-thanh-hoa-can-dich-giai-ngan-von-dau-tu-cong.htm