3 bí kíp để luôn vui, khỏe
Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm, là thời điểm họp mặt gia đình, người thân, bạn bè.
Cũng vì thế mà mọi người thường tiệc tùng, dễ buông thả bản thân trước những bữa tiệc, những cuộc hẹn... gây xáo trộn trong sinh hoạt, kéo theo các vấn đề về sức khỏe. Vậy làm thế nào để có một cái Tết vui, khỏe?
Đừng bỏ quên sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần hết sức quan trọng, một tinh thần tốt thì mới có những ngày Tết khỏe mạnh. Nếu thể chất tốt nhưng tinh thần không được thoải mái thì dễ gây ra buồn rầu, stress, trầm cảm; từ đó ảnh hưởng đến không khí chung của gia đình. Để sức khỏe tinh thần được tốt trong những ngày Tết, cần dành nhiều thời gian bên gia đình. Cuộc sống bận rộn khiến các thành viên trong gia đình hiếm khi có thời gian sum vầy, trò chuyện, cùng nhau ăn bữa cơm. Những ngày nghỉ Tết chính là dịp để mọi người trao tình cảm cho nhau như cùng dọn dẹp và trang trí nhà cửa, hay cùng nhau nấu ăn, cùng đi du lịch... Đó là nét đẹp văn hóa vô cùng quý báu cần được giữ gìn.
Bên cạnh đó, cần duy trì luyện tập thể dục. Kế hoạch đi chơi và tụ tập trong ngày Tết làm cho nhiều người không còn thời gian để luyện tập thể dục. Cố gắng duy trì tập luyện không cần quá lâu nhưng đều đặn là một phương pháp thanh lọc cơ thể hiệu quả, nhất là sau những chầu tiệc rượu bơ phờ, không cần tập quá sức, chỉ cần các bài vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đánh cầu lông sẽ giúp lượng muối thừa và các độc tố trong cơ thể được thanh lọc và loại bỏ qua tuyến đổ mồ hôi.
Tránh ngộ độc thực phẩm
Ngày Tết, các bà nội trợ thường mua sắm nhiều thực phẩm để “ăn dần”. Việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là rất quan trọng. Phòng tránh bằng cách:
Chọn thực phẩm đáng tin cậy: Nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là chọn các thực phẩm đã qua kiểm dịch của Bộ Y tế hoặc ban ngành liên quan.
Bảo quản đúng cách: Đối với thực phẩm tươi sống như thịt, cá,... nên chú ý bảo quản phù hợp tránh hư thối bằng cách phân loại và bọc kín bằng túi nilon rồi đặt vào ngăn đá. Cách bảo quản này có thể giữ thực phẩm được từ 2 - 5 ngày. Với rau, trái cây nên bỏ ngăn mát. Riêng củ nên để ở ngoài không khí, nơi thoáng mát, tránh môi trường ẩm ướt. Không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với thực phẩm tươi sống để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn.
Thức ăn đã để ra ngoài từ 4-6 giờ nên được đun sôi lại rồi mới sử dụng vì trong môi trường nóng ẩm như ở nước ta, vi khuẩn sinh sản và tiết độc tố rất nhanh. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và chế biến món ăn, mang găng tay nếu có thể. Ăn chín, uống sôi. Hạn chế tối đa việc ăn hàng quán ngoài đường. Nếu ăn ở ngoài thì nên chọn những hàng quán có uy tín, được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngừa dị vật đường thở
Vào những ngày Tết, các loại thức ăn nhiều màu sắc như: mứt, hạt dưa, hạt bí, đậu phộng... rất hấp dẫn trẻ, đây có thể là nguyên nhân gây tình trạng tắc nghẽn đường thở. Triệu chứng ban đầu là bé ho sặc, tím tái, giãy giụa, nghẹn thở thoáng qua, sau đó bắt đầu khó thở, khò khè và ho. Dị vật đường thở còn do trẻ đùa giỡn, cười to khi đang ngậm những vật nhỏ trong miệng lúc chơi hoặc khi đang ăn; trẻ đang ngồi hoặc đứng dưới thấp mà ngước cổ lên và há miệng ra hay nói chuyện trong khi đang có vật ngậm trong miệng... Để phòng ngừa tai nạn nguy hiểm này, phụ huynh cần cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại trái cây, dạy trẻ không nên ngậm đồ chơi vào miệng.
Hóc các loại xương như: xương cá, xương lợn, xương gà cũng thường gặp vào những ngày Tết. Nguyên nhân là do trẻ ăn vội vàng vì ham chơi, hoặc do người lớn chuẩn bị thức ăn cho trẻ không kỹ. Cần lưu ý, các bà mẹ hầm xương heo để nấu cháo, những mảnh xương vụn sẽ rơi ra khi nấu chín. Trong lúc vội vàng, bà mẹ chỉ vớt khúc xương lớn ra mà quên lọc những mảnh xương nhỏ. Trong trường hợp phải mua cháo nấu sẵn cho trẻ ăn cũng đừng quên lọc xương cẩn thận. Khi không may trẻ bị hóc dị vật, điều tránh tuyệt đối là không được dùng tay móc họng trẻ vì có thể làm trầy xước hoặc rách các cấu trúc trong họng, miệng hoặc làm dị vật đi sâu hơn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-bi-kip-de-luon-vui-khoe-n185864.html