3 'mũi tên' giúp các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tự chủ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào FDI
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho rằng để từng bước nội địa hóa, tự chủ sản xuất các sản phẩm điện tử, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các 'mũi tên' đầu tư với 3 hạng mục chính.
Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick thông báo điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác cùng chất bán dẫn sẽ chịu mức thuế đối ứng riêng và mức thuế này có thể được áp dụng trong khoảng một tháng nữa.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.
Trước những thông tin mới về mức thuế đối ứng áp dụng đối với các mặt hàng điện tử, phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam.
- Tình hình xuất khẩu các mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong thời gian qua đạt kết quả như thế nào, thưa bà? Thị trường Mỹ đang giữ vai trò, vị trí ra sao đối với việc xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam?
- Trong những năm gần đây như năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 77,1 tỷ USD; năm 2021 đạt 96,3 tỷ USD; năm 2022 đạt 109,4 tỷ USD; năm 2023 đạt 97 tỷ USD và năm 2024 đạt 119,5 tỷ USD; 3 tháng đầu năm 2025 đạt 31,4 tỷ USD.
Đối với mặt hàng điện tử, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của điện tử Việt Nam. Điện tử cũng là mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ. Năm 2024, giá trị xuất khẩu sang Mỹ của hàng điện tử đạt 41,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 35% tổng giá trị hàng hóa xuất đi Mỹ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Chúng tôi đánh giá, Mỹ là một thị trường lớn, đóng vai trò quan trọng đối với thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của ngành điện tử nói riêng.
- Trong giá trị xuất khẩu của ngành điện tử nói chung sang Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam của chúng ta chiếm được tỷ lệ bao nhiêu, thưa bà?
- Tỷ trọng của ngành hàng điện tử xuất đi Mỹ năm 2024 chiếm khoảng 35% trên tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng điện tử, FDI chiếm trên 85% giá trị xuất khẩu đó. Điều đó cho thấy giá trị xuất khẩu mặt hàng điện tử của Việt Nam đạt như vậy nhưng trong đó giá trị xuất khẩu thực của Việt Nam không phải là quá lớn. Và trong các FDI đó thì có không ít FDI có nguồn gốc từ Mỹ.
Thực tế, nếu như tính đúng, tính đủ, thặng dư thương mại xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ không như phía Mỹ công bố. Thống kê này chỉ về giá trị hàng hóa tiêu dùng xuất qua biên giới, mà chưa kể đến thặng dư thương mại của Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu phần mềm, dịch vụ giáo dục, giải trí, tài chính và kinh doanh, nhưng điều này thì không được tính đầy đủ.
Việc sử dụng các hàng hóa thương mại dịch vụ trên trực tuyến là chúng ta đóng góp đáng kể đối với thương mại Mỹ. Rất nhiều hộ gia đình mua Netflix (nền tảng cung cấp dịch vụ phát trực tuyến) hằng tháng, nhiều cá nhân mua dung lượng icloud trả tiền, ngoài ra còn nhiều dịch vụ khác như mua sắm trực tuyến thông qua các kênh của Mỹ như amazon,…
Bên cạnh đó, người Việt Nam tiêu dùng hàng hóa của Mỹ bằng cách đưa con cháu đi du học, cũng tiêu tiền rất lớn, rồi du lịch,…Do đó, có rất nhiều hạng mục nếu như tính đúng tính đủ thì thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không thâm hụt lớn đến như vậy.
- Thưa bà, vừa qua, Mỹ thông báo điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tửkhác cùng chất bán dẫn sẽ chịu mức thuế đối ứng riêng và mức thuế này có thể được áp dụng trong khoảng một tháng nữa và hiện cũng chưa rõ mức thuế cụ thể sẽ áp dụng. Vậy doanh nghiệp điện tử có phản ứng như thế nào trước thông tin này?
- Từ khi Mỹ thông báo áp thuế đối ứng 46%, tính đến thời điểm 11/4/2025, đã có một số doanh nghiệp bị đối tác thông báo hủy đơn hàng. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp đang chuẩn bị mở rộng sản xuất cũng đã dừng lại việc đầu tư. Nhiều doanh nghiệp FDI đang chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam, đang chuẩn bị đầu tư thì họ cũng đã dừng. Và một số các dự án đầu tư xây dựng cũng đã tạm thời dừng lại.
Với các doanh nghiệp FDI, có một số doanh nghiệp “khỏe”, họ đã tiên lượng trước được sự biến động về thuế, họ đã gom hàng và đã xuất đi trước đó, lưu kho tại ngoại quan tại Mỹ từ sau Tết đến bây giờ.
Tâm trạng chung của các doanh nghiệp tuy là lo lắng, nhưng đều theo dõi sát diễn biến chung, cũng như những giải pháp khẩn trương mà Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành đang triển khai, đồng thời Hiệp hội đã có hướng dẫn và thông tin tới doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không chỉ chờ đợi những thông tin mới, mà các doanh nghiệp cũng có những phản ứng tích cực. Một mặt, doanh nghiệp khẩn trương tìm kiếm thị trường thay thế.
Thứ nữa là tái cơ cấu lại sản xuất của mình và đặc biệt là tối ưu hóa các chi phí cũng như tập trung nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp bằng cách chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, áp dụng những quản trị xanh, quản trị thông minh và lưu ý cơ cấu lại hạng mục đầu tư tín dụng của doanh nghiệp. Đó là những việc trước mắt mà doanh nghiệp phải làm trong bối cảnh hiện nay.
Thực tế, những phản ứng nhanh, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, của các Bộ ngành, cũng như hướng dẫn từ Hiệp hội, các doanh nghiệp tin tưởng, chờ đợi vào các quyết sách và bước đi đúng đắn của nước ta.
Đặc biệt, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm cộng đồng doanh nghiệp trở nên bình tĩnh và càng tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của đất nước. Các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp đang là đối tác của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, họ cũng tin tưởng vào chính sách, đường lối đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Việt Nam.
-Với việc thị trường Mỹ đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, chúng ta có đang “bỏ trứng vào một giỏ”? Quan điểm của bà như thế nào về ý kiến này, nhất là đối với các mặt hàng điện tử của chúng ta?
- Thực ra việc bán hàng không như đầu tư. Ở nơi nào có người mua thì mình sẽ bán và họ có nhu cầu mua thì mình bán.
Rõ ràng, không thể phủ nhận thị trường Mỹ là một thị trường tiêu dùng rất lớn của cả thế giới. Và cả thế giới bán hàng cho Mỹ. Điều đó cho thấy, không có nghĩa là chúng ta “bỏ trứng vào một giỏ”. Khi ở những thị trường mà chúng ta có lợi ích thì chúng ta bán hàng ở những thị trường đó.
Tuy nhiên, đây cũng là bài học cho cả nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp, nghĩa là luôn luôn phải có những phương án dự phòng và có quản trị rủi ro một cách tốt nhất.
- Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các giải pháp khẩn trương và trong tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ. Vậy các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử sẽ triển khai các giải pháp như thế nào về lâu dài để ứng phó với những trường hợp tương tự về thuế quan có thể xảy ra trong tương lai, thưa bà?
- Đây là thời điểm then chốt để doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nhìn nhận, xem xét lại việc chúng ta quá dựa vào nguồn vốn nước ngoài, thì chúng ta sẽ mất tự chủ. Cho nên chúng ta phải quay lại tự chủ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng năng lực sản xuất nội địa, tăng chất lượng cũng như quản trị sản xuất, quản trị doanh nghiệp để tối ưu hóa các chi phí, để đảm bảo cho hàng hóa Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên bất cứ thị trường nào. Điều đó mới giúp chúng ta đứng vững. Nếu chúng ta quá dựa vào nguồn lực bên ngoài, thì trong bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào, chúng ta cũng rơi vào thế rủi ro.
Những nghị quyết mới nhất của Trung ương ban hành mới đây, tôi cho rằng, hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại.
Một là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết góp phần làm cho doanh nghiệp gia tăng giá trị nội địa một cách thực chất nhất.
Thứ hai là Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết ra đời hỗ trợ chúng ta trong việc đa dạng hóa các thị trường khác nhau mà không lệ thuộc quá vào một thị trường.
Một điểm nữa mà Chính phủ cũng đang xúc tiến đó là đẩy mạnh phát triển khối kinh tế tư nhân, được xem là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới. Điều này sẽ hỗ trợ cho việc bứt phá và đảm bảo nguồn lực nội tại của chúng ta.
Chúng tôi đánh giá những quyết sách của Chính phủ đã đi từ rất sớm và có những tiên lượng đáng kể, và cộng đồng doanh nghiệp một lòng tin tưởng vào sự điều hành khẩn trương, quyết liệt và vững tay chèo của Chính phủ để chúng ta vượt qua “cơn bão” này.
- Làm thế nào để các doanh nghiệp điện tử của chúng ta từng bước nội địa hóa, tự chủ sản xuất được các sản phẩm, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI?
- Tôi cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện điều này thông qua việc dựa trên đổi mới sáng tạo. Các “mũi tên” mà doanh nghiệp cần phải tập trung là đầu tư vào 3 hạng mục chính.
Thứ nhất là vào công nghệ.
Thứ hai là vào nguồn nhân lực, phải đầu tư vào con người và nâng cao nguồn nhân lực của chính doanh nghiệp, để đảm bảo được việc làm chủ các công nghệ tốt.
Thứ ba là về mặt tài chính, doanh nghiệp cũng phải tự chủ hơn, cơ cấu lại nguồn lực tài chính của mình, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần những hỗ trợ về tài chính, được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi hơn. Đặc biệt là tiết giảm các chi phí hành chính công, như việc tinh gọn bộ máy hiện nay cũng đang là một hướng đi đúng hướng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí.
- Trong tình hình hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có những kiến nghị, đề xuất gì?
- Dựa trên vai trò của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đưa ra các kiến nghị và đề xuất sau đây để Chính phủ Việt Nam sử dụng trong quá trình đàm phán với Mỹ, nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan và bảo vệ lợi ích của ngành điện tử.
Về cam kết minh bạch chuỗi cung ứng và chống chuyển tải bất hợp pháp:
- Chứng minh nguồn gốc xuất xứ: Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có thể phối hợp với Chính phủ cung cấp dữ liệu minh bạch về chuỗi cung ứng ngành điện tử, chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không phải là hàng chuyển tải từ nước thứ ba – một trong những mối quan ngại lớn của Mỹ.
- Tăng cường kiểm soát: Đề xuất Chính phủ siết chặt quản lý xuất xứ, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và hợp tác với hải quan Mỹ để loại bỏ nghi ngờ về gian lận thương mại.
Về tăng nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại:
- Mua linh kiện và công nghệ Mỹ: Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam kiến nghị Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp điện tử tăng nhập khẩu linh kiện, thiết bị công nghệ cao, hoặc máy móc từ Mỹ. Ví dụ, cam kết nhập khẩu thêm 1-2 tỷ USD linh kiện bán dẫn hoặc thiết bị sản xuất mỗi năm.
- Hợp tác chiến lược: Đề xuất các dự án hợp tác sản xuất bán dẫn hoặc công nghệ cao với các công ty Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương.
Về hỗ trợ doanh nghiệp trong nước:
- Chính sách tài chính: Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đề xuất Chính phủ triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc giãn nợ cho các doanh nghiệp điện tử bị ảnh hưởng bởi thuế quan, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Đẩy mạnh nội địa hóa: Khuyến khích Chính phủ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó củng cố vị thế đàm phán với Mỹ.
Về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu:
- Tận dụng các FTA và xúc tiến thương mại: Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp điện tử khai thác các thị trường mới, đồng thời kiến nghị tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác mới…
- Xin cảm ơn bà!