30 năm quan hệ Việt – Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững

Ngày 11/7, Báo Tiền phong tổ chức Tọa đàm với chủ đề '30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững'. Nhiều chuyên gia đã 'hiến kế' để đưa kinh tế 2 nước vươn lên những tầm cao mới.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm (Ảnh: Như Ý)

Toàn cảnh cuộc tọa đàm (Ảnh: Như Ý)

Cơ hội đột phá để Việt Nam tăng cường nội lực

Trao đổi tại cuộc tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại. Việt Nam, với cải cách nội tại, đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Đây là cơ hội đột phá để Việt Nam tăng cường nội lực. Ngoài ra, doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Về vấn đề đàm phán, theo ông Lực, về cơ bản Việt Nam đang làm tốt và tin tưởng kết quả sẽ tích cực cho cả Việt Nam và Mỹ. “Tôi được tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp, thấy rất phấn khởi là doanh nghiệp Việt Nam thích ứng cực kỳ nhanh. Họ đã tìm kiếm một số thị trường và địa bàn khác để đa dạng hóa đầu vào và đầu ra chứ không ngồi chờ chính sách, chờ kết quả đàm phán. 30 năm quan hệ hai nước có khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua. Thời kỳ khó khăn nhất đã qua, thì không có lý do gì để chúng ta không tiếp tục phát huy”, ông Lực bày tỏ.

Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tiềm năng về lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước còn rất lớn. Các lĩnh vực về nông nghiệp được bổ trợ cho nhau, tạo nên sự bền vững, cân bằng trong lĩnh vực này. Ông Dương đánh giá tiềm năng giữa hai nước trong lĩnh vực này còn rất lớn, nhưng để hiện thực hóa điều này, cần có sự chia sẻ của nước bạn nhiều hơn.

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, 30 năm quan hệ Việt – Mỹ là hành trình tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin. Hành trình 30 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ không xuôi chiều, mát mái mà luôn phải vượt qua các khó khăn, thách thức để đạt được như ngày hôm nay. Và qua 30 năm hiện mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng đan xen lợi ích, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Đề cập đến mức thuế quan của Mỹ tại thời điểm hiện nay, ông Vinh nhìn nhận thực trạng mới có nhiều phức tạp, nhưng cũng có nhiều cơ hội và là động lực để phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nền kinh tế trong mối quan hệ với Mỹ.

Việt Nam có thể trở thành một “Singapore thứ 2”

Trong khi đó, TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và an ninh, Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ đánh giá, mối quan hệ Việt Nam – Mỹ đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 30 năm. Do đó, theo ông Hùng, không nên nhìn vấn đề thuế quan một cách đơn thuần trong quan hệ song phương, mà cần đặt trong tổng thể hệ thống thương mại toàn cầu.

Đặc biệt, bên cạnh những thách thức, ông Hùng nhìn nhận Việt Nam cũng có nhiều cơ hội. Đồng thời kỳ vọng vào hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn nguồn gen bản địa và phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực cảng biển cũng là một tiềm năng lớn, với kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành một “Singapore thứ 2”.

Bởi lẽ, theo phân tích của ông Hùng, việc đề cao vai trò của đầu tư chất lượng cao từ Mỹ không chỉ mang lại công nghệ mà còn hỗ trợ Việt Nam kiểm soát chuỗi giá trị xuất khẩu ngay từ bên trong lãnh thổ. “Quan hệ Việt - Mỹ hiện đang ở mức tốt đẹp nhất trong 30 năm qua và có triển vọng tiếp tục đi lên. Việc hai bên duy trì đối thoại, thiện chí và cùng nhau xử lý các thách thức sẽ mở ra cơ hội hợp tác bền vững và cân bằng trong tương lai”, ông Hùng nói.

TS. Vũ Hoàng Linh, Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ba thập kỷ sau bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau.

Đưa ra dẫn chứng, năm 2024 kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 150 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 136,6 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,1 tỷ USD – một mức thặng dư lớn nghiêng về phía Việt Nam. Cùng với đó, Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam, với tổng vốn FDI lũy kế khoảng 11,8 tỷ USD.

Ông Linh nói, Việt Nam hiện đang đứng trước một “cửa sổ cơ hội chiến lược” để gia nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bối cảnh địa - chính trị biến động, cùng với chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đang mở ra cơ hội chưa từng có cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Việt Nam đang được xem là một điểm đến thay thế lý tưởng trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google, Samsung, HP đã và đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam là một chỉ dấu rõ ràng cho xu thế này. Riêng trong năm 2024, xuất khẩu điện tử và máy móc của Việt Nam đã vượt 100 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, và phần lớn đi vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo ông Linh, việc Việt Nam đã ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP không chỉ giúp giảm rào cản thuế quan, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất kết nối Việt Nam vào các chuỗi cung ứng liên khu vực.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, ba thập kỷ không chỉ là chiều dài thời gian mà còn là độ sâu của niềm tin, của nỗ lực đối thoại và hợp tác không ngừng nghỉ giữa hai quốc gia từng đứng ở hai bên chiến tuyến.
Nhắc tới lời ông Pete Peterson, tù binh phi công trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam: “Tôi đến Việt Nam hai lần. Một lần để chiến đấu và một lần để hòa giải. Không có hành trình nào đáng giá hơn hành trình thứ hai”, ông Sưởng nhấn mạnh: Trong ba thập kỷ qua, hợp tác kinh tế không chỉ đưa hai quốc gia đến gần nhau hơn trên tinh thần cùng phát triển, cùng thịnh vượng mà còn trở thành nền tảng của sự tin cậy chiến lược. Tọa đàm với chủ đề “30 năm quan hệ Việt - Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững” được tổ chức với mong muốn trở thành một diễn đàn đối thoại cởi mở và thực chất, quy tụ ý kiến đa chiều từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả, tổ chức xúc tiến thương mại, cộng đồng doanh nghiệp - những người đang ở tuyến đầu của hợp tác Việt - Mỹ, những người đang trực tiếp góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương trên thực tế.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/30-nam-quan-he-viet-my-duy-tri-dong-luc-huong-toi-thuong-mai-can-bang-ben-vung-10310076.html