30 năm tính chuyện làm ăn ở 'chợ toàn cầu'
Đầu tháng 3 vừa qua, tại Singapore, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã chính thức công bố việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Singapore lên Đối tác chiến lược toàn diện. Với sự kiện này, Việt Nam hiện có tổng cộng 12 quốc gia thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đây không chỉ là bước tiến ngoại giao quan trọng, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia, khẳng định vị thế hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng của nước ta.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đón tàu chở hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Ảnh: Hải Luận
Việt Nam đã "chịu" được tác động từ nền kinh tế thế giới
Năm nay đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. Chừng ấy thời gian, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã vượt qua những bước chập chững ban đầu trong “chợ toàn cầu” rộng lớn, vừa học hỏi, vừa làm, vừa điều chỉnh chính sách, từng bước xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn.
Năm 2005, tôi có dịp phỏng vấn trực tiếp nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan về câu chuyện hội nhập kinh tế. Ông chia sẻ: “Năm 1991, tôi dẫn đầu đoàn đàm phán sang Malaysia để bàn việc Việt Nam gia nhập khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Khi ấy, những thuật ngữ như "hội nhập kinh tế thế giới", "tự do hóa kinh tế" còn rất xa lạ. Anh em trong đoàn đàm phán cứ nhìn nhau bỡ ngỡ. Trở về nước, chúng tôi lao vào học tập, nghiên cứu sâu các "luật chơi" phức tạp của kinh tế toàn cầu. Đến tháng 7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tham gia AFTA từ ngày 1/1/1996”.
Theo ông Vũ Khoan, suốt thời gian dài trước đó, Việt Nam chủ yếu giao thương với các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô có chung cơ chế kinh tế kế hoạch hóa bao cấp nên khi bắt đầu tiếp cận nền kinh tế thị trường, chúng ta gặp không ít khó khăn. Sau khi đề ra đường lối đổi mới năm 1986, kinh tế đất nước dần khởi sắc. Đến Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp đổi mới cơ chế kinh tế đối ngoại, hội nhập khu vực và thế giới, trên cơ sở phát huy nội lực và thu hút đầu tư nước ngoài.
Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tiếp đó, Việt Nam bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ. “Khi đàm phán với nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số lãnh đạo lo ngại rằng, Việt Nam sẽ không "chịu nổi" sức ép từ kinh tế Mỹ nên đã có những ý kiến đề nghị dừng lại. Nhưng sau cùng, Bộ Chính trị và Chính phủ thống nhất quyết tâm theo đuổi đến cùng. Quá trình đàm phán rất phức tạp, căng thẳng, nhưng chúng ta kiên quyết giữ vững lợi ích quốc gia” - ông Vũ Khoan kể lại.
Ngày 13/7/2000, ông Vũ Khoan thay mặt Chính phủ Việt Nam cùng bà Barshefsky, đại diện Chính phủ Mỹ ký kết Hiệp định thương mại song phương. Kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 700 triệu USD năm 2000 đã tăng lên 7 tỷ USD vào năm 2005, vọt lên 50 tỷ USD năm 2017 và vượt 100 tỷ USD vào năm 2022.
Những con số ấy cho thấy, Việt Nam đã "chịu" được sức ép từ nền kinh tế Mỹ, đồng thời giúp nhiều doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ, tạo hàng triệu việc làm. Thành công này tạo đà để Việt Nam tự tin đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đàm phán với Mỹ, đặc biệt về vấn đề hạn ngạch dệt may, luôn rất căng thẳng. Ông Vũ Khoan nhớ lại: "Tôi chỉ đạo kiên quyết: Mỹ phải bỏ hạn ngạch quota cho Việt Nam ngay khi chúng ta gia nhập WTO, không được trì hoãn dù chỉ một ngày. Sau quá trình đấu tranh cam go, Mỹ chấp nhận, dù kèm theo một số điều kiện".
Sau hơn 11 năm đàm phán đầy thử thách, ngày 7/11/2006, WTO chính thức kết nạp Việt Nam. Từ ngày 11/1/2007, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO - một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hải Luận
Sức bật nội lực
Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, Việt Nam và ASEAN là điểm sáng về tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, đặc biệt là các cú sốc về đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát diện rộng.
"Việt Nam đã tăng cường khả năng chống chịu, duy trì đà tăng trưởng ổn định trong nhiều thập kỷ qua, nhờ có thể chế vững mạnh và chính sách vĩ mô ưu tiên tăng trưởng bền vững, bao trùm. Việt Nam có thể cùng IMF chia sẻ kinh nghiệm thành công với các nước, nhất là ở khu vực châu Phi" - bà Georgieva nhấn mạnh.
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã phát triển đồng bộ cả về tư duy lẫn hành động. Hàng loạt sân bay, bến cảng, tuyến giao thông huyết mạch, nhà máy sản xuất điện, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam... được xây dựng mới khắp đất nước, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ.
Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào nội lực để tạo sức bật. Ngay cả cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, kiểm soát tốt bội chi ngân sách, nợ công, lạm phát và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách, hội nhập. Năm 1999, cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân; đến năm 2024, con số này đã lên gần 1 triệu, trong đó, nhiều tập đoàn kinh doanh đa quốc gia đã hình thành.
Bất chấp cơn lạm phát gay gắt toàn cầu từ năm 2022-2024, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế, tăng trưởng nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại, mô hình quản trị thông minh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt 683 tỷ USD, đến năm 2024 vượt 786 tỷ USD - những con số ấn tượng cho thấy sức mạnh nội tại và khả năng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/30-nam-tinh-chuyen-lam-an-o-cho-toan-cau-post489791.html