4 thói quen tưởng vô hại nhưng đang âm thầm 'kéo lùi' tuổi trẻ của bạn

Bạn có từng cảm thấy mình đang rất bận rộn, nhưng chẳng thực sự đi đến đâu? Có những ngày cuốn theo guồng quay công việc, học tập, mạng xã hội… nhưng đến tối lại trống rỗng và hoang mang không rõ mình đang sống vì điều gì?

Rất có thể, bạn đang bị kìm hãm không phải bởi hoàn cảnh hay năng lực, mà chính từ những thói quen thầm lặng tưởng chừng vô hại. Điều nguy hiểm là chúng không gây ra cú sốc nào, chỉ nhẹ nhàng… khiến bạn chững lại, mất phương hướng và xa rời phiên bản tốt hơn của chính mình.

Dưới đây là 4 thói quen như thế, nếu bạn kịp nhận ra, tương lai của bạn sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

1. Ổn định sớm hay đang mắc kẹt trong vùng an toàn?

“Công việc này cũng được”, “Cuộc sống hiện tại ổn rồi”, “Không cần thay đổi gì cả”,... Những câu nói này nghe có vẻ trưởng thành. Nhưng sự thật là, rất nhiều người trẻ đang lặng lẽ mắc kẹt trong một cái “vỏ kén” an toàn. Không dám thử mới, không muốn học thêm, không sẵn sàng chấp nhận rủi ro,… những điều đó cũng đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội phát triển của bản thân.

 Sách Đào thoát khỏi mê cung.

Sách Đào thoát khỏi mê cung.

Trong cuốn sách Đào thoát khỏi mê cung, Spencer Johnson gọi đây là những niềm tin giới hạn, thứ tạo nên mê cung vô hình giam cầm mỗi chúng ta. Để vượt ra khỏi mê cung đó, bạn cần bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi: “Điều tôi đang làm hôm nay có đưa tôi đến nơi tôi muốn không?”. Chỉ cần một thay đổi nhỏ như: học một kỹ năng mới, nói “có” với cơ hội khác… đôi khi lại là đòn bẩy lớn nhất để thoát khỏi sự trì trệ.

2. Không có mục tiêu rõ ràng

Nhiều người trẻ luôn bận rộn, nhưng lại cảm thấy cuộc sống chẳng đi đến đâu. Vấn đề không nằm ở sự lười biếng, mà ở việc thiếu một đích đến rõ ràng. Trong cuốn sách Biến tiềm năng thành tài năng, Adam Grant gọi đó là sự thiếu hụt của nỗ lực có mục đích.

Với lập luận sắc bén cùng nhiều dẫn chứng thực tiễn, khoa học, Adam Grant đã khai mở cho chúng ta cách để trở thành một phiên bản tốt hơn. Cuốn sách không chỉ truyền cảm hứng mà còn mang đến một cái nhìn toàn diện về cách chúng ta có thể khai phá tiềm năng của bản thân và những người xung quanh.

 Sách Biến tiềm năng thành tài năng.

Sách Biến tiềm năng thành tài năng.

Thay vì để cuộc sống trôi qua một cách bản năng, hãy dành thời gian trả lời câu hỏi: “Điều gì thực sự quan trọng với mình?” Viết ra những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, phân loại và lên kế hoạch hành động. Hành trình phát triển sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn hiểu mình đang đi đâu và vì điều gì.

3. Sống vì ánh nhìn người khác và đánh mất chính mình

Bạn có đang sống để được “like”? Có đang mặc chiếc áo người khác chọn, chạy theo tiêu chuẩn thành công mà mạng xã hội vẽ ra? Thực tế, càng cố gắng “trông có vẻ thành công”, nhiều người trẻ càng xa rời điều khiến họ hạnh phúc thật sự. Họ học ngành bố mẹ thích, làm công việc có danh tiếng, sống một cuộc đời “được chấp nhận” nhưng luôn cảm thấy trống rỗng.

 Sách Con đường chính trực.

Sách Con đường chính trực.

Trong Con đường chính trực, Martha Beck cho rằng: sống đúng với bản thân không phải là ích kỷ, mà là can đảm. Can đảm để không cần được đồng tình. Can đảm để nói “không” với thứ không phù hợp. Và can đảm để đi một con đường mà bạn thấy thật sự đáng sống, kể cả khi nó không giống ai.

4 “Để mai tính” - Câu nói giết chết nhiều ước mơ nhất

“Để mai tính” nghe có vẻ vô hại, thậm chí hài hước. Nhưng thực tế, đó là chiếc bẫy ngọt ngào mà rất nhiều người trẻ mắc phải và rồi đánh mất cơ hội, ước mơ, và chính bản thân mình.

Theo tác giả Napoleon Hill trong Chiến thắng con quỷ bên trong, sự trì hoãn chính là “công cụ yêu thích của Con Quỷ” - biểu tượng cho nỗi sợ, sự lười biếng và tâm lý an phận đang âm thầm điều khiển con người. “Con Quỷ” không cần khiến bạn làm điều sai trái. Nó chỉ cần khiến bạn không làm gì cả.

 Sách Chiến thắng con quỷ bên trong.

Sách Chiến thắng con quỷ bên trong.

Sự nguy hiểm của trì hoãn nằm ở chỗ: nó không tạo ra khủng hoảng ngay lập tức. Mỗi lần bạn nói “để sau”, bạn vẫn còn cảm giác kiểm soát. Nhưng khi ngoảnh lại, bạn đã đánh mất thời gian, cơ hội và sự sắc bén trong chính mình. Thành công không đợi người tài giỏi nhất, mà đến với người dám bắt đầu sớm nhất. Đừng để “Để mai tính” trở thành câu nói gắn liền với thất bại của bạn.

Tuổi trẻ không kéo dài mãi. Bạn có thể vấp ngã, đi sai đường, chọn sai người và điều đó không đáng sợ bằng việc không dám thay đổi. Bốn thói quen trên không phải kẻ thù ghê gớm, nhưng chính vì chúng âm thầm nên càng nguy hiểm. May mắn là bạn có thể bắt đầu thay đổi với từng hành động nhỏ như: đọc một cuốn sách khác, viết ra điều mình muốn, từ chối một điều không còn phù hợp. Bởi tương lai bạn mong ước không nằm ở ngày mai mà bắt đầu từ hành động của bạn hôm nay.

Việt Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/4-thoi-quen-tuong-vo-hai-nhung-dang-am-tham-keo-lui-tuoi-tre-cua-ban-post1569927.html