5 danh thắng ở Hải Phòng thuộc quần thể di sản văn hóa thế giới
Trong Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, riêng tại TP Hải Phòng có 5 điểm di tích, gồm chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương đều là những di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu, bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc.
Tại kỳ họp lần thứ 47 diễn ra ngày 12/7 tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản Thế giới đã gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.
Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là di sản liên tỉnh thứ 2, sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp bạc trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, gồm 12 cụm, điểm di tích.
Trong đó, tại Hải Phòng có 5 điểm, gồm chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, đều là những di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu, đang bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn mang giá trị nổi bật toàn cầu.
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn (phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Phòng) được khởi dựng từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X-XI). Thời Trần, chùa là một trong ba trung tâm nổi tiếng nhất của Phật giáo Trúc Lâm, cả ba vị Tam Tổ Trúc Lâm đều đã từng tu hành, thuyết pháp tại đây.
Chùa được Đệ Nhị Tổ Pháp Loa tôn tạo, mở rộng năm 1329 với nhiều hạng mục công trình từ chân lên đến đỉnh núi Côn Sơn. Chùa cũng là nơi trụ trì lúc cuối đời của Đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả.

Toàn cảnh khu di tích Côn Sơn.
Chùa Côn Sơn còn lưu giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc các thế kỷ XIV, XVII-XIX cùng nhiều cổ vật như Đăng Minh bảo tháp, bia đá, tượng thờ, văn bia thế kỷ XIV-XVIII, với 16 tấm bia đá ghi lại đầy đủ quá trình lịch sử của chùa.
Các bia “Thanh Hư Động” - bút tích của vua Trần Nghệ Tông, tạo tác năm 1372-1377, bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” tạo tác năm 1607 và bộ tượng Tam Thế Phật (thế kỷ XVII) đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Kết quả khai quật khảo cổ học các năm 1979, 2000, 2005, 2012, 2014 cho thấy cả một hệ thống di vật từ thời Trần đến thời Nguyễn tại chùa Côn Sơn. Dấu tích thời Trần được bảo lưu tại nhiều hạng mục như thượng điện, vườn tháp, tổ đường, nền móng “cửu phẩm liên hoa” được Đệ Tam Tổ Huyền Quang kiến tạo.

Tòa "cửu phẩm liên hoa" trong chùa Côn Sơn.
Các thời Lê sơ, Mạc tiếp theo dấu tích chủ yếu là di vật sinh hoạt hàng ngày hoặc gạch ngói tu bổ, nhưng cho đến thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn thì mặt bằng di tích vẫn tiếp nối thời Trần, bởi ngay trên nền di tích “cửu phẩm liên hoa” thời Trần là dấu tích “cửu phẩm liên hoa” của các thời kỳ sau này, cùng hai cụm kiến trúc nổi bật là chùa chính và tổ đường.
Chùa Côn Sơn còn một số đền thờ các danh nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, cùng với Bàn Cờ Tiên, suối Côn Sơn, Ngũ Nhạc linh từ... hợp thành một quần thể di tích, danh thắng nổi tiếng.
Lễ hội chùa Côn Sơn, được tổ chức trong các ngày 16-23 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân để tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Huyền Quang tôn giả. Năm 2012, Lễ hội chùa Côn Sơn đã được Bộ VHTT&DL ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


2 bảo vật quốc gia bia "Thanh Hư Động" và "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" trong chùa Côn Sơn.
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc cũng nằm trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300), anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, một trong những danh nhân lịch sử được người Việt tôn làm “Thánh”.
Sau cuộc kháng chiến chống đế chế Mông Cổ lần thứ nhất (1258), Hưng Đạo Đại Vương đã chọn Vạn Kiếp lập đại bản doanh, xây dựng phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc.
Tại đây, Ngài đã viết những tác phẩm bất hủ như Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Hịch tướng sĩ văn... hoạch định chiến lược, sách lược quân sự. Ngày 20/8/1300, Hưng Đạo Đại Vương qua đời tại tư dinh. Vua Trần sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ, nay là đền Kiếp Bạc.


Nghi môn Đền Kiếp Bạc năm 1985 (ảnh trái) và nghi môn Đền Kiếp Bạc ngày nay.
Đền Kiếp Bạc được xây cất ở nơi vốn là phủ đệ, thái ấp, nơi Hưng Đạo Đại Vương huấn luyện quân sĩ. Đền là đại diện tiêu biểu của Đạo giáo Đại Việt, đồng thời cũng thể hiện sự đồng hành với Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa thời bấy giờ.
Ngôi đền tọa lạc ở vị trí đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu, tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng... là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa, có tầm quan trọng an ninh, quốc phòng bậc nhất của Đại Việt.
Hệ thống các công trình kiến trúc ở đền Kiếp Bạc đã được tu bổ nhiều lần qua các thời Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng. Thời Nguyễn, việc trùng tu diễn ra liên tục và đều được văn bia tại đền ghi lại, phần lớn còn nguyên gốc, được xây dựng tuân thủ nguyên tắc âm dương, ngũ hành.
Toàn bộ các kiến trúc của đền Kiếp Bạc hiện nay nằm chồng lên nhiều lớp văn hóa của các kiến trúc thuộc ngôi đền xưa. Các dấu tích khảo cổ học minh chứng lịch sử ngôi đền bắt đầu từ thời Trần, qua thời Lê đến đầu thời Nguyễn.
Ngày nay, nhân dân trong vùng vẫn giữ gìn nguyên vẹn ngày giỗ và mở lễ hội với nhiều hoạt động tôn vinh Đức Thánh Trần như: Lễ khai hội, Lễ tưởng niệm, diễn xướng hầu Thánh, Lễ khai ấn, Lễ rước bộ và hội quân trên sông Lục Đầu, Lễ cầu an và hội hoa đăng. Năm 2012, Lễ hội đền Kiếp Bạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai ở phường Trần Nhân Tông, được khởi dựng dưới thời Trần trên núi Phật Tích, sau được Thiền sư Pháp Loa mở rộng vào khoảng năm 1329, từ đó trở thành một đại danh lam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Ngài cũng như vị Đệ Tam Tổ kế tiếp là Thiền sư Huyền Quang.
Chùa còn giữ được nhiều cổ vật nguyên gốc như mộ tháp, bia đá, tiêu biểu có 8 tháp đá thời Hậu Lê, 10 văn bia niên đại thời Trần đến Hậu Lê...

Toàn cảnh chùa Thanh Mai.
Phía sau chùa Thanh Mai hiện nay có đường mòn dẫn lên đỉnh núi Phật Tích, trên có dấu tích của một số di tích cổ khác, được gọi là Thanh Mai 2, 3, 4.
Bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, ghi chép lại toàn bộ lịch sử Phật giáo Trúc Lâm, được Đệ tam Tổ Huyền Quang hiệu đính, khắc năm 1362 cho biết Thiền sư Pháp Loa là người xây dựng, trụ trì, mở mang phong cảnh, đúc tượng Quan Âm, đào tạo tăng đồ. Trên bia khắc bài thơ “Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự” của vua Trần Minh Tông.
Chùa Nhẫm Dương
Chùa Nhẫm Dương tại phường Nhị Chiểu (Hải Phòng), được khởi dựng thời Trần với tên gọi Thánh Quang tự, thuộc Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa Nhẫm Dương gồm có phật điện, nhà tổ, các hang Tĩnh Niệm và Thánh Hóa, hai ngôi mộ tháp của Đệ Nhất Tổ Thủy Nguyệt thiền sư (Viên Quang Bảo Tháp, 1704) và Đệ Nhị Tổ Tông Diễn thiền sư (Diệu Quang Bảo Tháp, 1709).

Chùa Nhẫm Dương.
Nổi bật nhất trong số các hang động ở chùa Nhẫm Dương là động Thánh Hóa. Đây cũng là nơi có tầng văn hóa cổ sinh - khảo cổ học dày tới 4 m. Trong đó, đã tìm thấy xương răng của nhiều giống loài động vật cổ sinh như tê giác, voi châu Á, nai, lợn rừng, nhím, gấu... đặc biệt là đười ươi (Pongo) có niên đại 3-5 vạn năm cách ngày nay, rất nhiều di vật khảo cổ nhiều thời kỳ từ Đông Sơn, Đông Hán đến Đinh - Tiền Lê, Lý - Trần, Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng - Hậu Lê, Nguyễn...
Bộ sưu tập các di vật khảo cổ ở chùa Nhẫm Dương góp phần khẳng định truyền thống định cư, sinh hoạt, giao thương... liên tục của người tiền sử xưa và người Việt trong lịch sử cận và hiện đại ở khu vực chùa Nhẫm Dương nói riêng, vùng cửa sông Bạch Đằng và rộng hơn nữa là dãy núi Yên Tử và vùng phụ cận.
Động Kính Chủ
Động Kính Chủ nằm trên núi Dương Nham, thuộc thôn Dương Nham, phường Phạm Sư Mạnh (Hải Phòng). Động Kính Chủ là một trong nhiều hang động tự nhiên hình thành trong lòng khối đá vôi Dương Nham, đã được con người sử dụng từ xa xưa. Vua Lý Thần Tông (1116-1138) khi đến thăm động đã ban tặng hai chữ “Kính Chủ”, từ đó mà thành tên. Động được người xưa xưng tụng là “Nam Thiên đệ lục động”.
Cửa động Kính Chủ rộng hàng trăm mét vuông, nền động cao khoảng 20 m, trong động có chùa cổ Dương Nham các ban thờ vua Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và tín ngưỡng bản địa.


Toàn cảnh động Kính Chủ nhìn từ trên cao và cửa động (ảnh phải).
Đặc biệt, trên các vách đá và trần hang còn có một hệ thống trên 50 bia ma nhai của các danh nhân văn hóa lớn của Việt Nam các thời kỳ, ca ngợi cảnh trí thiên nhiên của núi Dương Nham, động Kính Chủ.
Trong đó có 2 tấm bia thời Trần gồm bia khắc bài thơ Hành dịch đăng gia sơn và bia khắc 4 chữ lớn: “Vân Thạch Thư thất” của Phạm Sư Mạnh (1300-1384) - một vị quan và nhà thơ thời Trần, quê ở Kính Chủ đã được khắc lên vách núi năm 1368, mô tả quang cảnh hào hùng tại đại bản doanh của hai vua Trần và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo ở động Kính Chủ khi chuẩn bị cho chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.