5 giải pháp gỡ khó cho hộ kinh doanh khi áp dụng hóa đơn điện tử

Cho rằng yêu cầu hộ kinh doanh chuyển sang hóa đơn điện tử kết nối trực tiếp với cơ quan thuế là cuộc cách mạng sau nhiều thập kỷ áp dụng hình thức thuế khoán, Thường trực Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ đã hiến kế loạt giải pháp nhằm gỡ bỏ rào cản, giúp chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và nhân văn.

Áp lực chuyển đổi

Từ ngày 1/6, theo Nghị định 70, các hộ kinh doanh (HKD) có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm thuộc một số ngành nghề (ăn uống, khách sạn, bán lẻ, vận tải hành khách, thẩm mỹ, vui chơi giải trí...) phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Đồng thời, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán với HKD vào 2026.

Khi Nghị định 70 có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua, có tình trạng một số HKD lúng túng, khi phải phải đầu tư trang thiết bị, phải học và thao tác trên các thiết bị công nghệ mới... Thậm chí đã xuất hiện tâm lý lo lắng và hiểu sai chính sách, khi không ít HKD lo sợ rằng việc kê khai doanh thu thực tế sẽ làm tăng đột biến số thuế phải nộp so với hình thức thuế khoán trước đây. Sự thiếu thông tin và những tin đồn thất thiệt đã dẫn đến các phản ứng tiêu cực như tạm đóng cửa, hạn chế nhận chuyển khoản hoặc cố tình ghi sai nội dung giao dịch để né tránh...

Đánh giá về Nghị định 70, ông Trần Quốc Khánh - Thường trực Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc bãi bỏ chế độ thuế khoán để chuyển sang thực hiện hóa đơn điện tử kết nối trực tiếp với cơ quan thuế là một chủ trương rất đúng đắn và cần thiết của Đảng và Chính phủ. Điều này mang lại ba lợi ích: tăng tính minh bạch của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số và tạo ra sự công bằng.

Ông Trần Quốc Khánh - Thường trực Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Quốc Khánh - Thường trực Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ.

Đây không chỉ là một cuộc cách mạng của cơ quan thuế, mà là của cả đất nước. Một thực thể kinh doanh, một phương pháp thu thuế đã tồn tại mấy chục năm qua sẽ được thay thế bằng hình thức hóa đơn điện tử.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, bởi vì đây là một cuộc cách mạng nên càng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các khía cạnh khác. Một cuộc cách mạng sẽ luôn gây ra những tác động lớn và đối tượng chịu tác động lần này chính là khối HKD – một khu vực vô cùng quan trọng. Việt Nam hiện có 5,6 triệu HKD, đóng góp từ 23-30% GDP và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động.

Quan trọng hơn, HKD mang lại sự linh hoạt và năng động cho nền kinh tế. Trong thời kỳ COVID-19, khi các cửa hàng lớn phải đóng cửa, chính họ là những người đầu tiên chuyển sang bán hàng online. Họ có thể mở một quán cà phê và nếu sau sáu tháng không có lãi, họ nhanh chóng chuyển sang bán bún ốc. Chính nhờ sự năng động này mà nền kinh tế Việt Nam giữ được sức sống, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động. Do đó, bằng mọi giá, chúng ta phải hỗ trợ khu vực này.

HKD không chỉ năng động, họ còn len lỏi đến những nơi mà doanh nghiệp lớn không vươn tới được, từ việc thu mua gỗ trên miền núi đến mua lúa tận ruộng cho nông dân. Họ cũng chính là những người bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, như việc duy trì món bún ốc ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Vì những vai trò sống còn đó, Hội đồng tư vấn chính sách đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Để chính sách đi vào cuộc sống

Với những phân tích trên, ông Khánh đề nghị việc triển khai chính sách này phải trên tinh thần giáo dục, hỗ trợ, cảm thông và kiến tạo.

"Chúng ta phải hiểu nỗi lo của họ. Họ đã kinh doanh theo hình thức thuế khoán suốt nhiều thập kỷ, nay phải thay đổi đột ngột. Họ lo lắng về việc xử lý hàng tồn kho không có hóa đơn, lo sợ bị phạt nặng khi doanh thu thực tế cao hơn mức ấn định trước đây của cơ quan thuế. Những lo lắng đó là có cơ sở và cần được lắng nghe, giải thích một cách thấu đáo, tránh gây hoang mang và hiểu sai về một chính sách đúng đắn", ông Khánh nói.

Việc chuyển đổi này là để tăng thu ngân sách Nhà nước trong tương lai. Vì vậy, vì lợi ích lâu dài, phải giúp người nộp thuế an tâm, cởi mở và tự nguyện tuân thủ. Nếu cách tiếp cận quá cứng nhắc, họ sẽ tìm cách lách luật.

Theo ông Khánh, cần đặt lợi ích chính đáng của các HKD làm trọng tâm trong triển khai chính sách.

Trên tinh thần đó, ông Khánh đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, đơn giản hóa tối đa quy trình nộp thuế. Khi HKD đã kết nối máy e-POS với cơ quan thuế, mọi giao dịch đã được ghi nhận. Cục thuế hoàn toàn có thể tự động tổng hợp doanh thu và gửi một thông báo thuế cho HKD vào cuối tháng, tương tự như cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân. HKD chỉ cần kiểm tra và bấm nút nộp tiền. Việc này sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí và công sức kê khai, tạo ra sự thuận tiện tối đa.

Thứ hai, hỗ trợ tài chính thiết thực. Chi phí máy e-POS: Một máy tính tiền có khả năng kết nối trực tiếp với cơ quan thuế có giá khoảng 10-11 triệu đồng, là một khoản đầu tư lớn với HKD nhỏ. Nhà nước nên xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí này, vì nguồn thu tăng thêm trong tương lai hoàn toàn có thể bù đắp được.

Thứ ba, về chi phí xuất hóa đơn, hiện tại, các nhà cung cấp máy đang thu khoảng 210 đồng cho mỗi hóa đơn điện tử. Con số này rất lớn đối với các mặt hàng giá trị thấp. Thủ tướng đã có chỉ đạo, và cần phải quản lý chặt chẽ để các nhà cung cấp không được thu khoản phí này, nhằm giảm gánh nặng cho HKD.

Thứ tư, cần có giai đoạn chuyển đổi linh hoạt (2-3 năm). Thời gian chuyển đổi trong 6 tháng hay 1 năm là quá ngắn. Cần một giai đoạn đệm từ 2-3 năm để HKD thích nghi. Trong thời gian này, cần thực hiện hai nguyên tắc: không truy thu thuế quá khứ và không phạt các sai sót nhỏ, thay vào đó là hướng dẫn, nhắc nhở. Việc này sẽ giúp họ bớt lo sợ và tự tin hơn khi chuyển đổi.

Thứ năm, cân nhắc lại ngưỡng doanh thu chịu thuế một cách nhân văn. Đây là điểm cốt lõi bởi mức doanh thu 200 triệu đồng/năm không phải chịu thuế hiện nay là quá thấp và chưa công bằng nếu so với người làm công ăn lương.

Sự bất cập này chính là động cơ để HKD che giấu doanh thu. Do đó, cần nghiên cứu nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế cho HKD, có thể lên 2 tỷ đồng/năm, để tương xứng với mức giảm trừ gia cảnh của người làm công ăn lương. Khi chính sách hợp lý, HKD sẽ tự nguyện công khai và tuân thủ.

"Tóm lại, chính sách bãi bỏ thuế khoán là một bước tiến cần thiết. Nhưng để cuộc cách mạng này thành công và đi vào cuộc sống một cách bền vững, chúng ta phải vào cuộc với một tinh thần thấu hiểu, tôn trọng và kiến tạo, đặt lợi ích chính đáng của các HKD làm trọng tâm", ông Khánh nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/5-giai-phap-go-kho-cho-ho-kinh-doanh-khi-ap-dung-hoa-don-dien-tu/20250712050119769