Để chính sách thuế hữu hiệu hơn
LTS: Câu chuyện về thuế đối với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ nóng lên suốt thời gian qua và thực tế, thực thi một chính sách thuế mới minh bạch hơn, chi tiết hơn, văn minh hơn là việc bắt buộc phải làm nếu muốn xã hội Việt Nam phát triển. Nhưng làm theo cách nào, rất cần định lượng và cả sự thấu hiểu để người dân tâm phục, khẩu phục…
Điểm tựa cho chính sách
Quanh nhà tôi có đến 7-8 cửa hàng tạp hóa, và khi tự thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ, tôi mới biết rằng không ai trong số họ được phổ biến, hay tham khảo, hướng dẫn từ khi chính sách thuế mới đi từ bàn giấy đến lúc có hiệu lực.

Họ vừa hoang mang, nhưng có gì đó cũng thờ ơ: “Thay đổi suốt ấy mà, quen rồi, nhưng nhà cô bán hàng 30 năm nay rồi, rồi cũng quen” - Bà chủ tạp hóa quen đưa lại cho tôi bao thuốc và nói. Thật ra thì kể cả khi không phải nộp thuế theo đơn hàng, thì bà vẫn đôi khi đưa “đồng quà tấm bánh” cho quản lý thị trường và nhiều cơ quan khác liên quan đến các mặt hàng cửa tiệm có kinh doanh, để đổi lại là được “yên ổn làm ăn”.
Bà thậm chí còn không thường xuyên đọc báo, xem ti vi, và chỉ biết rằng sắp có cái chính sách thu thuế như vậy, phải chuẩn bị hóa đơn để hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước. “Để cô hỏi cái chú gì bên phường chuyên lo mấy chuyện này xem” - Bà quả quyết có thể tìm cách dàn xếp được, như nhiều chuyện khác đã phát sinh trong 30 năm lăn lộn với cửa hàng nhỏ này.
Dàn xếp được hay không thì chỉ có tương lai mới biết được, nhưng trong chuyện này bao hàm một tâm thế đã rất quen của những tiểu thương kiểu này: bao giờ chính sách mới xuất hiện thì những người bị ảnh hưởng nhiều nhất thường sẽ là người cuối cùng biết đến nó. Và cách giải quyết của họ, cũng quen thuộc như nhiều năm qua, là tìm một “người trung gian” giúp đỡ họ không chỉ ở việc diễn dịch lại chính sách mới, mà còn tìm một phương án khả thi để tiếp tục… chung sống mập mờ với nó. Thế là tốt nhất. Vì sòng phẳng ra thì lại rất khó.
Trong nhiều tuần qua, tôi đã nghe rất nhiều luồng quan điểm xung quanh chính sách thuế mới này. Người cho rằng nó diễn ra quá sốc và có thể triệt tiêu sinh kế của các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ. Người lại nói việc thu thuế là hợp lý, vì mô hình thuế khoán đã khiến nhà nước thất thu một nguồn thuế khổng lồ trong nhiều năm rồi.
Nhưng những lập luận này đều trở nên vô nghĩa, nếu bạn biết được rằng chính sách được đưa ra chỉ có điểm tựa bằng… lý luận. Những tiểu thương này đáng ra phải được biết đến chính sách thuế mới đầu tiên, kèm theo đó là những đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng thực sự của nó đến họ.
Trong một điều kiện lý tưởng, những người thiết kế chính sách sẽ tham khảo ý kiến, tìm hiểu xem thu nhập thực tế (chứ không phải doanh thu) của các hộ kinh doanh kiểu này là bao nhiêu. Họ sẽ đánh giá xem giữa chuyện thất thu thuế trong những năm qua và chuyện nhà nước không phải lo nhiều về an sinh việc làm cho những tiểu thương này, thì cái nào là lớn hơn. Rồi một lộ trình như thế nào là đủ an toàn và thực tế để chính sách đi vào đời sống của họ, thay vì một cú sốc đột ngột làm tất cả mất phương hướng.
Tóm lại, khi chính sách được thiết kế dựa trên đánh giá tác động chính xác tới nhóm người chịu ảnh hưởng nhất từ nó, tôi tạm cho rằng chính sách đó có một điểm tựa vững chắc. Chúng ta không thể ngồi nhà dùng lý luận để tưởng tượng ra những hệ quả thực tế của một chính sách, hay chính một con số nằm trong đó.
Tại sao lại có con số 100 triệu, hay 1 tỷ doanh thu mỗi năm để đóng thuế? Nó dựa trên công thức thực tế nào, hay nghe tròn tròn số thì… đẹp hơn? Tại sao việc thu thuế chỉ dựa trên doanh thu, mà không phải thu nhập thực tế? Có cách nào hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ kê khai chi phí đầu vào, để nắm được thu nhập thực tế và thu thuế cho hiệu quả?
Tất nhiên, trả lời hết các câu hỏi này sẽ khiến nhà nước đau đầu hơn, nhưng rốt cục thì nếu không trả lời được chừng đó trước khi ban hành chính sách, chúng ta sẽ phải thay đổi rất nhiều khi nó đi vào thực tế. Và nếu chính sách đi đến một ngưỡng bất khả thi nào đó, nó sẽ biến thành một khoảng mờ giữa lý luận và hiện thực.
Lúc khoảng mờ này xuất hiện là lúc bà cô tạp hóa sẽ dựa dẫm hoàn toàn vào “cái chú gì bên phường” để sống chung với nó, và khi đó chúng ta sẽ có một vấn đề mới phát sinh mà khuôn khổ bài viết này quá hẹp để bàn đến nó: tham nhũng vặt.
Phạm An
Miếng cơm của một gia đình
Khi khái niệm “hộ kinh doanh” dần bị loại bỏ khỏi các văn bản pháp lý, chúng ta cần định nghĩa lại nó, chứ không phải dẹp hoàn toàn ý niệm này: còn đó rất nhiều gia đình sống bằng kinh tế hộ.

Năm 2021 mở đầu bằng một sự kiện quan trọng: Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật là việc loại bỏ thuật ngữ “hộ kinh doanh”. Thuật ngữ này chính thức được sử dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam từ năm 2006, phản ánh một thực tiễn xã hội. Đó là những gia đình kinh doanh, chế biến nông sản, cho đến bán hàng ăn, tạp hóa. Các hộ kinh doanh này giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho đại bộ phận lao động phi chính thức, và đảm bảo an sinh xã hội. Con số gần nhất mà Bộ Tài chính đưa ra, Việt Nam có đến 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra khoảng 8-9 triệu việc làm.
Luật Doanh nghiệp 2020 không còn điều chỉnh “hộ kinh doanh”; nhưng nó vẫn tồn tại trong nghị định 01/2021/NĐ-CP. Nôm na, nó là một tổ chức kinh doanh được thành lập bởi “một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình”, do chủ hộ kinh doanh đại diện.
Gần đây nhất, trong năm 2025, ngành thuế tiếp tục đề xuất bỏ hẳn thuật ngữ “hộ kinh doanh”, chỉ dùng “cá nhân kinh doanh”, lấy số định danh cá nhân của người đại diện làm mã số thuế.
Thuật ngữ không chỉ phản ánh biện pháp điều chỉnh của pháp luật; thuật ngữ còn phản ánh thực tiễn xã hội. Với ngành thuế, gọi là “cá nhân kinh doanh” là quản lý được rồi. Nhưng trong thực tiễn xã hội, hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay không phải là câu chuyện của cá nhân: nó là bài toán chung của cả một gia đình.
Không cần giải thích điều này với một người Việt Nam. Chồng dọn bàn, con bê đồ, vợ đứng bếp. Con chở hàng, mẹ đứng bán, cháu nội chạy xe đạp điện đi giao đồ. Đó là hình ảnh của kinh tế hộ. Từ đầu, hộ kinh doanh chỉ có một người đại diện pháp lý, nên trước pháp luật gọi họ là “cá nhân kinh doanh” thì cũng vậy. Nhưng ở trong đó thường xuyên có miếng cơm manh áo của hơn một người trong độ tuổi lao động. Miếng cơm của một gia đình.
Khi loại bỏ thuật ngữ “hộ kinh doanh” và tiến tới thay thế nó bằng những thuật ngữ, phương pháp quản lý thuận tiện hơn, chúng ta buộc phải tính tới tất cả những yếu tố văn hóa này.
Một hộ kinh doanh có trung bình 1,7 lao động – theo con số Bộ Tài chính đưa ra. Vậy chúng ta có thể căn cứ vào đây, để xác định rằng 1,7 lao động này, sau khi trừ gia cảnh phụ thuộc (trung bình) sẽ phải có thu nhập tối thiểu bao nhiêu trước khi phải đóng thuế không? Bởi vì mô hình hộ kinh doanh là nơi tạo ra đến 9 triệu việc làm, đây rõ ràng là một bài toán mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể cho ý kiến. Mọi năm, Tổng Liên đoàn chỉ đứng ra bảo vệ cho mức lương tối thiểu của các lao động chính thức. Nhưng lao động trong các hộ kinh doanh cũng cần được đảm bảo một mức thu nhập tối thiểu chứ? Nó là bao nhiêu? Mức doanh thu 200 triệu (mức miễn thuế hiện nay) liệu đã đủ cho 1,7 lao động này và người phụ thuộc của họ tồn tại ở các thành phố?
Tái định nghĩa hộ kinh doanh không thể từ trên xuống: nó không thể đến từ những đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế. Nó phải được thực hiện từ dưới lên: đảm bảo quyền lợi của những người lao động này trước, rồi dùng thuật ngữ nào, biện pháp gì, khung thu thuế bao nhiêu mới có căn cứ để xác định.
Nếu chúng ta cương quyết quản lý hộ kinh doanh như thể chúng là các tổ chức; ta sẽ bỏ qua thực tế rằng đây thực chất chỉ là tập hợp của các lao động đang trú ẩn trong thành lũy kinh tế gần như là cuối cùng của họ: gia đình.
Đức Hoàng
Đừng sợ thất thu sẽ thu được nhiều hơn
Câu chuyện thuế nóng lên và để lại rất nhiều tranh luận ồn ào về chuyện đúng - sai. Thật sự dễ hiểu thôi, khi có một đề tài nào đó thu hút sự quan tâm, người ta ưa tranh cãi và ai cũng xem cái lý của mình là nhất. Chỉ tiếc là những người đưa ra phương thức thực hiện cho chuẩn, cho đúng, họ thấu tình, đạt lý lại quá ít. Khi có quá ít đóng góp, cơ quan quản lý lại càng dễ sa vào tình thế loay hoay hơn.

Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận với nhau một điều là tiến tới bỏ thuế khoán cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ là việc tuyệt đối cần làm, phải làm và đã hơi muộn khi thị trường Việt Nam phát triển như hiện nay mà tới giờ ta vẫn chưa thực hiện xóa bỏ hình thức đóng thuế ấy. Thêm vào đó, chuyện một cá nhân có phát sinh thu nhập và phải kê khai thuế để xem cuối năm mình có phải đóng thuế hay không cũng là việc tuyệt đối phải làm khác nữa. Thu thuế thu nhập cá nhân chính là dấu hiệu cho thấy một xã hội văn minh và không có người nghèo. Nói đúng ra, sẽ thật hãnh diện nếu đến một năm nào đó, 100% người dân Việt Nam đóng thuế thu nhập hàng năm bởi đó là khi mà toàn dân đều có thu nhập cao đồng thời có một ý thức tuân thủ pháp luật nghiêm túc.
Song, thu thuế không phải là một việc dễ thực hiện bởi nó đòi hỏi tính thuyết phục. Tính thuyết phục ấy phải đến từ sự dễ hiểu của sắc thuế, cách tính thuế, cách khai báo thuế và vượt trên hết, nó phải thấu tình để người dân sẵn lòng thực hiện nghĩa vụ của mình. Muốn tạo ra tính thuyết phục kể trên, những người hoạch định chính sách thuế cần phải “sống như người dân” hay nói đúng hơn là thấu hiểu đời sống chung của người dân cùng cách mà xã hội đang vận hành.
Dường như trong cách đưa ra các đề xuất thuế gần đây, ngành thuế mới chỉ nhìn vào bề nổi, tức các cá nhân kinh doanh online với số doanh thu khủng hoặc các tiểu thương giàu nứt đố đổ vách ở các chợ, trung tâm sầm uất. Trong khi đó, cả một nền kinh tế bán lẻ được vận hành bởi cả một đội ngũ đông đảo, đa dạng, nhiều lát cắt đời sống khác nhau nhưng lại rất chung nhau một điểm: họ kinh doanh để kiếm sống, giống y như một người đi làm thuê ở một cơ sở nào đó để nhận đồng lương ổn định hàng tháng. Cái gọi là doanh thu của cá nhân kinh doanh kia cũng trùng khớp hoàn toàn với thu nhập cá nhân để họ nuôi mình, nuôi gia đình. Hoạch định chính sách thuế phải nhìn vào chính yếu tố này đề đưa ra một chính sách phù hợp nhất.
Về cơ bản, luật luôn được thiết kế để phục vụ toàn bộ xã hội còn chính sách thường được thiết kế chủ yếu đặt trọng tâm vào một nhóm nào đó chứ khó có thể bao trùm được toàn bộ. Chính vì thế, xây dựng chính sách cần phải nhìn vào nhóm đối tượng, để cân nhắc và từ đó chính sách đưa ra vừa đạt hiệu quả vừa không có tác động ngược chiều trong xã hội.
Đại đa số những cá nhân kinh doanh hiện nay đều có một điểm chung là không hiểu biết sâu sắc về kế toán. Họ chỉ đơn giản tính toán theo cách mà cả ngàn năm nay những người kinh doanh cá thể vẫn làm, và cân đối lời lỗ cuối cùng cũng dựa trên tổng số. Họ không thể, và cũng không có thời gian để chi tiết hóa từng khoản mục. Tập quen cho họ một số chi tiết, như việc lưu giữ hóa đơn đầu vào, vốn đã cần thời gian rồi. Những chi tiết khó hơn, như sổ sách kế toán, có nên trở thành yêu cầu bắt buộc hay không? Nó có thể sẽ dễ dàng cho cán bộ thuế nhưng cản trở rất nhiều cho cá nhân kinh doanh. Vậy thì tại sao không khiến nó trở nên đơn giản hơn trong quy định, để từ đó người dân sẵn sàng chấp nhận chính sách mà không còn bất kỳ ấm ức nào.
Hãy thử hình dung như thế này, một gia đình 4 người có một quầy tạp hóa nhỏ, có thể mang lại cho gia đình ấy lợi nhuận khoảng 30 triệu/tháng để duy trì đời sống. Đứng trước các khó khăn trong việc tổ chức lại cho phù hợp với luật thuế, gia đình đó có thể cân nhắc tới việc ngưng kinh doanh và đi kiếm việc làm thuê. Để một người kiếm việc làm thuê có thể kiếm được 15 triệu đồng/tháng hiện nay là không quá khó, miễn là cá nhân ấy chịu khó. Và khi quầy tạp hóa ấy đóng cửa, một mắt xích trong thị trường bán lẻ đã không còn nữa. Nhưng một khi có nhiều mắt xích như vậy không còn tồn tại, tác động tiêu cực lên nền kinh tế lớn hơn khoản thất thu thuế (tạm tính) là rất nhiều.
Đa số các cá nhân kinh doanh hiện nay đều là vì mưu sinh độ nhật như vậy chứ không phải kinh doanh chuyên nghiệp như một cơ sở thương mại. Mưu sinh độ nhật thì thu nhập của họ cũng không khác thu nhập từ lương nếu họ đi làm thuê ở đâu đó. Vậy thì khoản thuế mà họ cần phải đóng nên chăng chính là khoản thuế thu nhập cá nhân, giống y như cách thức các chính phủ của các nước tiên tiến, phát triển đang thực hiện thu thuế với các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay, Thậm chí, việc hỗ trợ thuế (bằng cách khấu trừ chi phí đầu và cho các chi phí khó có thể hợp lệ hóa) cũng nên được cân nhắc. Đặc biệt, còn có rất nhiều gia đình hiện nay có tăng gia thêm và bản thân việc tăng gia đã cho thấy họ không phải những nhà sản xuất hay doanh nhân chuyên nghiệp rồi. Áp dụng chính sách chuyên nghiệp lên nghiệp dư là điều không nên làm, và chắc chắn nó sẽ mang lại tác dụng ngược.
Thêm vào đó, mức thu nhập tối thiểu để tính thuế cũng là điều vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chính sách. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới được Phó cục trưởng Cục thuế Mai Sơn đưa ra gần đây có nói đến 5 ngưỡng chịu thuế mà ngưỡng thấp nhất là dưới 200 triệu đồng/năm và ngưỡng thứ 2 là từ 200 triệu tới 1 tỷ đồng. Hãy thử tính toán với ngưỡng 1 tỷ, chúng ta sẽ nhận thấy mấy điểm bất cập như: đã tính toán đến chi phí đầu vào hay chưa và nếu khấu trừ chi phí đầu vào, lợi nhuận chia đều ra 12 tháng rồi chia tiếp cho số cá nhân cùng tham gia kinh doanh trong gia đình, thu nhập của họ đã ở mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay chưa?
Chúng ta không thể đưa ra con số theo cảm tính mà cần phải định lượng. Trong bối cảnh rất nhiều đầu vào của các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ không thể hợp lệ hóa chi phí, nên có cách khấu trừ trên tổng doanh thu. Nhiều nước trên thế giới áp dụng mức khấu trừ chi phí mặc định lên tới 50% cho các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Chính việc mở ra cái “hành lang thấu hiểu” ấy, ngành thuế sẽ có thể mở ra được sự sẵn lòng thực hiện nghĩa vụ của người dân.
Nhưng vượt trên hết, việc tính toán lại mức tối thiểu phải chịu thuế thu nhập cá nhân là việc cần phải làm trước tiên. Mức sống hiện nay là rất cao so với thời điểm luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi ở lần gần nhất. Hiện thời, ở các đô thị lớn, một cá nhân khó có thể cầm cự tốt nếu không có thu nhập tối thiểu 15 triệu đồng/tháng. Với 15 triệu đồng/tháng, cá nhân được xem là đang sống ở mức nghèo giữa đô thị. Nếu họ còn phải nuôi con, chắc chắn 15 triệu là không thể đủ. Trong khi đó, mức thu nhập tối thiểu để đóng thuế thu nhập cá nhân (độc thân, không giảm trừ gia cảnh) là 11 triệu đồng/tháng. Khi người nghèo, thu nhập còn chưa đủ sống mà phải đóng thuế, đó chính là một bất công lớn cần phải xóa bỏ.
Đừng sợ thất thu thì sẽ thu được nhiều hơn. Điều này nghe có vẻ phi lý nhưng lại đúng. Hãy hình dung thế này, nếu như mức tối thiểu phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam được điều chỉnh lên thành 30 triệu đồng/tháng (cho người không giảm trừ gia cảnh), điều gì sẽ xảy ra? Chi tiêu dùng sẽ tăng lên. Khi chi tiêu dùng tăng lên, khoản thuế thu được từ VAT, từ thuế thu nhập các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Khoản thu thuế ấy sẽ còn lớn hơn khoản thu thuế thu nhập cá nhân rất nhiều. Đó là còn chưa kể một lợi ích lớn lao hơn: dòng tiền luân chuyển liên tục, nền kinh tế sẽ phát triển.
Nếu hai vợ chồng với hai đứa con, một mẫu hình gia đình tiêu biểu phổ biến, với tổng thu nhập cả hai là 30 triệu, họ sẽ được giảm trừ 4,4 triệu cho mỗi đứa con. Như vậy, cả hai sẽ đều phải đóng thuế TNCN. Trừ đi các khoản sinh hoạt phí, tiền học cho con cái (miễn học phí nhưng các phụ phí khác ở trường học mới là chủ yếu), có lẽ, phần tiền còn lại của một gia đình như vậy không đủ để đóng thuế cuối năm. Vậy thì sắc thuế liệu còn có hiệu quả?
Nhà nước của chúng ta là của dân, do dân và vì dân nên do đó, chính sách thuế cũng phải đặt nhân dân làm trọng tâm. Thực tế đời sống của nhân dân thế nào, chính sách phải bám sát vào đó. Chỉ khi bám sát như thế, dân mới hiểu, mới sẵn sàng thực hiện mọi nghĩa vụ và từ đó tạo ra một xã hội văn minh thật sự.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/de-chinh-sach-thue-huu-hieu-hon-i774287/