5 giải pháp khắc phục điểm nghẽn đối với doanh nghiệp logistics

Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất 5 giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp logistics tại địa phương.

Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho rằng: Dù mới được thành lập từ năm 2021, nhưng Hiệp hội Logistics Hải Phòng đã có sự đồng hành, đóng góp vào tiến trình phát triển vào ngành logistics và tăng trưởng kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế chính trị hiện nay, trước những xu thế về công nghệ và yêu cầu phát triển bền vững, trước mục tiêu trở thành thành phố trung tâm dịch vụ logistics quốc gia và quốc tế, các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Hải Phòng luôn nhận thức rõ tầm quan trọng và tất yếu của chuyển đổi số, như động lực mới để tăng trưởng kinh tế.

Các nghiên cứu gần đây về chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chỉ ra rằng, có 5 nhân tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

Các nghiên cứu gần đây về chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chỉ ra rằng, có 5 nhân tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Minh Đức, chuyển đổi số không đơn thuần là số hóa dữ liệu thành các thông tin điện tử hay sử dụng các phần mềm, các giải pháp tự động hóa, mà là sự chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa trên các công nghệ số, từ đó tạo ra cơ hội, doanh thu và tạo ra giá trị mới cho xã hội. Chuyển đổi số là việc doanh nghiệp thay đổi một cách căn bản cách thức tận dụng các nguồn lực về công nghệ, con người, thông tin, quy trình vận hành.

"Các nghiên cứu gần đây về chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chỉ ra rằng, có 5 nhân tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm: Nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp; nhận thức và kỹ năng của nguồn nhân lực; hạ tầng công nghệ thông tin; tiềm lực tài chính của doanh nghiệp và cuối cùng là các dịch vụ hỗ trợ" - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logictics Hải Phòng khẳng định.

Cũng theo TS Nguyễn Minh Đức, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Hải Phòng mang đầy đủ đặc trưng mà Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã chỉ ra, đó là: Hơn 80% doanh nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô nhân lực, cơ sở vật chất và tiềm lực tài chính vô cùng hạn chế, hiện chủ yếu giới hạn ở các ứng dụng cơ bản như: Khai báo hải quan, quản lý vận tải, quản lý kho hàng, nguồn nhân lực chủ yếu được tự đào tạo tại doanh nghiệp, và mới chỉ đảm nhận khoảng 20% thị phần dịch vụ logistics trong nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam hiện cũng tham gia rất hạn chế vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu như LG, Samsung, Nike, … để có thể phát triển đồng bộ với những xu thế mới và tiên tiến của thế giới.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics, TS Nguyễn Minh Đức kiến nghị, cần tập trung vào 5 giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp logistisc, bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường công tác tập huấn, truyền thông, phát huy vai trò của mô hình hiệp hội trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, từng bước cải thiện nhận thức, kiến thức về thực hiện chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp.

"Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ không thể tách rời với chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất, thương mại sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp cảng biển, các cơ quan quản lý nhà nước, hải quan, các cơ quan quản lý chuyên ngành. Vì vậy, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia của toàn xã hội" - TS Nguyễn Minh Đức thông tin.

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ logistics

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ logistics

Thứ hai, tăng cường đầu tư cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực logistics ở các cấp bậc đại học, đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn. Thực tế cho thấy, các trường đào tạo về logistics tập trung tại hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường mới bắt đầu tuyển sinh từ 2018 đến nay. Đầu tư cho các đơn vị đào tạo về cơ sở vật chất thực hành, nguồn nhân lực giảng viên, ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tăng cường sự gắn kết hữu cơ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng là chiến lược đúng đắn, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa. Các cơ sở đào tạo không chỉ là nơi cung cấp nguồn nhân lực, mà còn là các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nơi ươm mầm cho các start-up, nếu được phát triển đúng mức, sẽ đảm bảo tiền đề quan trọng cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát huy vai trò dẫn dắt của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng các nền tảng số làm tiền đề cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển các hệ thống đồng bộ. Có thể kể đến việc tăng cường dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, dần xóa bỏ việc vừa thực hiện dịch vụ công điện tử vừa duy trì thủ tục giấy tờ. Quy định đồng bộ trong việc áp dụng chữ ký số để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Hay việc xây dựng các nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics kết nối các bên liên quan để chia sẻ dữ liệu, tăng hiệu quả khai thác, góp phần giảm chi phí logistics.

Thứ tư, phát huy vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong việc cung cấp các dịch vụ, các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, rất nhiều các giải pháp công nghệ của nước ngoài, khi vận hành tại Việt Nam thì nảy sinh sự không phù hợp. Vì vậy, các công nghệ hiện đại của thế giới, khi áp dụng tại thực tế trong nước, cần được điều chỉnh cho phù hợp, cũng như được cá thể hóa đáp ứng yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp. Vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp về công nghệ, cũng sẽ thể hiện rõ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong bảo mật thông tin, duy trì và bảo đảm sự ổn định, an toàn của hệ thống.

Thứ năm, có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp dịch vụ logistics chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong giai đoạn đầu chuyển đổi, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn về giảm năng suất, thậm chí một số doanh nghiệp gặp thất bại và từ bỏ. Do đó, các hình thức hỗ trợ, khuyến khích từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quý báu và cần thiết để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/5-giai-phap-khac-phuc-diem-nghen-doi-voi-doanh-nghiep-logistics-324196.html