5 lý do bất ngờ có thể khiến điện thoại bị mất bảo hành
Khi mua một chiếc điện thoại, người dùng thường quan tâm đến cấu hình, tính năng, và ít để ý đến chính sách bảo hành. Dưới đây là 5 lý do bất ngờ có thể khiến điện thoại bị mất bảo hành.
Hầu hết các nhà sản xuất đều cung cấp dịch vụ bảo hành giới hạn từ 12-24 tháng (tùy sản phẩm), tuy nhiên, không phải lúc nào thiết bị của bạn cũng đủ điều kiện để được sửa chữa miễn phí.

Những việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đôi khi có thể khiến điện thoại bị mất bảo hành. Ảnh: Android Police
1. Bán hoặc tặng điện thoại cho người khác
Bạn vừa mua một chiếc điện thoại nhưng không ưng ý? Có thể bạn quyết định bán lại trên các nền tảng như Facebook Marketplace, Shopee hoặc tặng cho người thân. Tuy nhiên, điều ít ai biết là một số hãng sẽ không cho phép chuyển nhượng bảo hành.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn mua máy cũ, ngay cả khi người bán cung cấp hóa đơn gốc, rất có thể bạn vẫn không được hưởng chính sách bảo hành từ hãng.

2. Sử dụng điện thoại ở quốc gia khác
Giá smartphone tại Mỹ và một số nước phương Tây thường rẻ hơn so với các thị trường khác, khiến nhiều người chọn mua máy xách tay. Tuy nhiên, phần lớn các hãng chỉ bảo hành sản phẩm tại quốc gia bán ra.
Ví dụ, điện thoại Samsung, Motorola hoặc OnePlus mua tại Mỹ sẽ chỉ được bảo hành tại Mỹ. Một số khu vực như Liên minh châu Âu có chính sách linh hoạt hơn, cho phép bảo hành chéo giữa các nước trong cùng khu vực. Do đó, nếu mua máy từ nước ngoài, bạn vẫn nên kiểm tra kỹ chính sách bảo hành trước khi quyết định xuống tiền.

3. Hư hỏng do nước
Nhiều mẫu điện thoại cao cấp hiện nay đạt chuẩn chống nước IP68, nhưng điều đó không có nghĩa là những hư hỏng do nước sẽ được bảo hành. Các nhà sản xuất như Google đã khẳng định rõ, chống nước không đồng nghĩa với bảo hành chống nước.
Lý do là khả năng chống nước của điện thoại có thể suy giảm theo thời gian do hao mòn hoặc các tác động vật lý như rơi rớt, nứt màn hình. Nước biển, cát hoặc độ ẩm cao cũng có thể làm hỏng linh kiện bên trong, và các cảm biến độ ẩm tích hợp sẽ giúp hãng phát hiện ra điều này để từ chối bảo hành.

Một số mẫu điện thoại có chống nước nhưng vô nước sẽ không được bảo hành. Ảnh: OnePlus/Weibo
4. Hư hỏng do sử dụng phụ kiện không chính hãng
Cáp sạc rẻ tiền, quạt USB gắn ngoài hay các bộ sạc không rõ nguồn gốc có thể gây ra hư hỏng nghiêm trọng cho điện thoại. Nhiều trường hợp sạc kém chất lượng không cung cấp điện áp ổn định, gây quá nhiệt hoặc làm hư cổng sạc.
5. Root hoặc cài đặt Custom ROM
Root điện thoại cho phép người dùng trải nghiệm, “vọc vạch” được nhiều tính năng nâng cao, nhưng điều này cũng khiến điện thoại bị mất chế độ bảo hành.
Về lý thuyết, root không tự động làm mất bảo hành, nhưng nếu việc root hoặc can thiệp phần mềm làm hỏng thiết bị, bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, trên các thiết bị Samsung, việc root sẽ kích hoạt bộ đếm Knox, khiến một số tính năng như Samsung Pay hoặc bảo mật thiết bị vĩnh viễn bị vô hiệu hóa. Điều này không thể khôi phục ngay cả khi bạn cài lại ROM gốc.
Khi bạn bỏ ra nhiều tiền để mua một chiếc điện thoại, hãy đọc kĩ các điều khoản và điều kiện bảo hành. Nếu lo ngại các sự cố ngoài ý muốn, bạn có thể cân nhắc các gói bảo hành mở rộng hoặc bảo hiểm điện thoại.

Nguồn PLO: https://plo.vn/5-ly-do-bat-ngo-co-the-khien-dien-thoai-bi-mat-bao-hanh-post841046.html