5 năm nữa Vietnam Airlines lại xin gia hạn trả nợ tiếp thì sao?

'Bây giờ Vietnam Airlines xin thời hạn 5 năm, 5 năm nữa Vietnam Airlines lại xin tiếp thì sao?' – đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đặt vấn đề và cho rằng, Vietnam Airlines nên có một phương án kinh doanh rõ ràng để đảm bảo cam kết mang tính khả thi…

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng chiều 25/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng chiều 25/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, chiều 25/6, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội (đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (VNA)).

Giúp VNA tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỉ đồng (theo Nghị quyết số 135/2020/QH14), trong giai đoạn 2020-2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã triển khai và hoàn thành Gói hỗ trợ về thanh khoản quy mô 12.000 tỉ đồng (vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỉ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỉ đồng).

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Nhờ vậy, VNA đã đạt được một số kết quả tích cực như: VNA thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản trong năm 2021; Đảm bảo vốn chủ sở hữu của VNA năm 2021 không bị âm; Giúp VNA đàm phán giãn hoãn thanh toán và cắt giảm chi phí; Duy trì hoạt động liên tục của VNA để xảy ra hệ lụy nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được VNA triển khai vào năm 2021 và từ tháng 7-12/2024 VNA phải trả khoản vay này. Tuy nhiên, theo Chính phủ, diễn biến dịch bệnh khó lường và tác động đến VNA nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng Nghị quyết Quốc hội.

Thêm vào đó, các giải pháp tái cơ cấu của VNA đến nay chưa hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc pháp lý, vì vậy, VNA cần được các cấp thẩm quyền cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn để hỗ trợ VNA có thời gian triển khai tái cơ cấu thành công, giúp VNA tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong năm 2024...

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, trường hợp VNA không được gia hạn khoản vay tái cấp vốn, VNA sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết của VNA với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ dẫn đến VNA có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác, phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: Các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các Tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả nợ thay cho VNA; Các ngân hàng thương mại trong nước không có khả năng thu hồi các khoản vay cho VNA vay; Hàng ngàn người lao động mất việc làm, gây bất ổn kinh tế xã hội…

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Trên cơ sở các nội dung báo cáo nêu trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội: Thông qua việc cho cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.

Việc gia hạn dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng được thực hiện sau khi các tổ chức tín dụng gia hạn thời hạn trả nợ đối với khoản vay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội.

Theo tính toán, chính sách này sẽ giúp VNA duy trì dòng tiền, cải thiện các cân đối tài chính, tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình VNA triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu tổng thể trong dài hạn, tăng lợi thế đàm phán với các chủ nợ, nhà cung cấp, các tổ chức tín dụng nước ngoài, tránh được các hệ lụy phát sinh…

Tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA – là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình Kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành hàng không, như giảm thuế đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa...

Do đó, cần bổ sung đánh giá về kết quả của những giải pháp này đối với tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và VNA nói riêng, những vấn đề còn phải tiếp tục tháo gỡ của ngành hàng không (gồm cả những doanh nghiệp hàng không khác) để có giải pháp tổng thể, phù hợp.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm về nhận định tại Tờ trình của Chính phủ khi cho rằng đây là giải pháp có tính khả thi và phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Ngoài giải pháp nêu tại Tờ trình, còn có giải pháp nào khác có thể triển khai, tháo gỡ khó khăn cho VNA?

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về phương án đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135.

Theo Ủy ban Kinh tế, trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho VNA. Xét về quan hệ tín dụng, VNA vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ, do vậy, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để VNA cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.

Để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA. Theo Phụ lục kèm Tờ trình Chính phủ, dòng tiền mới chỉ dự kiến trong năm 2024, chưa chứng minh được khả năng trả nợ phù hợp với thời gian đề nghị gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn. Đồng thời, dự báo về các rủi ro tiềm ẩn, các kịch bản ứng phó, kế hoạch giảm thiểu rủi ro tương ứng đối với hoạt động của VNA.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của VNA. Đề nghị báo cáo trường hợp chỉ có biện pháp gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn có giúp cho VNA cải thiện được tình hình tài chính và vượt qua khó khăn hay không; đánh giá về khả năng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có giải pháp hỗ trợ VNA trong thời gian tới.

Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.

Ngoài ra, theo Tờ trình của Chính phủ, để bảo đảm tính công khai, minh bạch giữa các cổ đông VNA và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không, chỉ xem xét khoản vay tái cấp vốn là khoản hỗ trợ tạm thời của nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VNA nghiên cứu xây dựng phương án xử lý mức chênh lệch chi phí lãi vay giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà VNA đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng, cần công khai lãi suất của các hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho VNA để bảo đảm tính minh bạch…

Đây là giải pháp ngắn hạn, chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt

 Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương, chiều 25/6 (ảnh: Vũ Cảnh).

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương, chiều 25/6 (ảnh: Vũ Cảnh).

Phát biểu thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương), đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, Vietnam Airlines nên có một phương án kinh doanh để đảm bảo làm sao sau 5 năm thì sẽ không xin gia hạn tái cấp vốn nữa.

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu thảo luận (ảnh: Vũ Cảnh).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu thảo luận (ảnh: Vũ Cảnh).

“Bây giờ VNA xin thời hạn 5 năm, 5 năm nữa VNA lại xin tiếp thì sao?” – đại biểu Nguyễn Quang Huân đặt vấn đề và cho rằng, VNA nên có một phương án kinh doanh rõ ràng để đảm bảo cam kết mang tính khả thi.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Quang Huân, phát biểu thảo luận tại Tổ 19, đại biểu Nguyễn Thanh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, phải xây dựng được phương án tái cấu trúc VNA sao cho hiệu quả.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu thảo luận (ảnh: Vũ Cảnh).

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu thảo luận (ảnh: Vũ Cảnh).

“Trong báo cáo, tờ trình của Chính phủ, từ năm 2021 đã xây dựng phương án tổng thể cho việc hoạt động, sản xuất kinh doanh của VNA. Tuy nhiên, qua 13 lần tiếp thu, do vướng một số cơ chế cho nên đến giờ phút này vẫn chưa có động thái gì để thay đổi được nên đúng như các vị ĐBQH nói, phải có một phương án tổng thể cho VNA thì mới đảm bảo” - đại biểu Nguyễn Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Nam, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, chiếm một phần rất nhỏ so với tổng nguồn kinh phí của VNA…

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/5-nam-nua-vietnam-airlines-lai-xin-gia-han-tra-no-tiep-thi-sao-160143.html