5 quyết tâm để phát triển vượt bậc

Nhìn lại năm 2023 vừa đi qua, một năm với đầy ắp những dấu ấn, sự kiện quan trọng, sôi động và nhiều cảm xúc. Trong bối cảnh bề bộn khó khăn vẫn còn, những kết quả đã đạt được là nguồn lực, tạo đà cho một năm mới bứt phá mạnh mẽ hơn trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh là Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 TP ngày 17/1/2024. Ảnh: Thủy Tiên

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh là Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 TP ngày 17/1/2024. Ảnh: Thủy Tiên

Điểm sáng trên nhiều lĩnh vực

Năm 2023 đánh dấu nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19; tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường… Nền kinh tế thế giới vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, lại thêm những diễn biến phức tạp trong quan hệ chính trị, quân sự; lạm phát, tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước bị suy giảm… Ở trong nước, ngoài khó khăn do dịch bệnh để lại, chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề, đòi hỏi mới trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, năm 2023, đã đạt được những thành công, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nhân dân trong nước và bạn bè thế giới công nhận Việt Nam là một trong những “điểm sáng” về phát triển.

Từ những con số cho thấy, dù một số chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra nhưng tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,05%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; nâng quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD (GDP bình quân đầu người đạt 4.284,5 USD, tăng 160,5 USD so với năm 2022). Thu ngân sách Nhà nước vượt 8,12% dự toán trong điều kiện thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng… Đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình được đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh hiện tại, đầu tư công là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết điểm nghẽn, làm bệ phóng tăng tốc cho kế hoạch 2026 - 2030. Cùng với đó, để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… cần tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Bên cạnh hạ tầng kinh tế, giao thông là hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Hơn nữa, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nhất là những TP đầu tàu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đặc biệt, năm 2023, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi ngoạn mục, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12 - 13 triệu lượt). Tổng thu từ du lịch ước đạt 678.000 tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023. Đặc biệt là những tín hiệu khởi sắc trong đầu năm 2024 là tiền đề để du lịch Việt Nam "bứt phá" và tạo thêm những sản phẩm du lịch mới, khai thác lợi thế, tạo thêm nguồn lực từ ngành công nghiệp không khói này...

Việt Nam cũng thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế khi khởi công đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, có tính lan tỏa cao… Bởi thế, năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892km. Đồng thời đang thi công khoảng 1.700km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000km cao tốc vào năm 2030….

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 26 Tổ công tác, các địa phương đã thành lập Tổ công tác đặc biệt trực tiếp tháo gỡ ngay các khó khăn ở địa phương. Chuyển đổi số quốc gia được tích cực thúc đẩy, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP. Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, DN. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc trên toàn cầu, tạo thêm những dấu ấn trong thu hút đầu tư.

Thúc đẩy tăng tốc sáng tạo

Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024, với 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường… Trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD… Như GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội) nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 thấp hơn nhiệm vụ đặt ra của nhiệm kỳ, nhưng đây cũng là mục tiêu cần phấn đấu mới có thể đạt được. Do đó cần tiếp tục tạo ra môi trường phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đón nhận các dòng đầu tư mới theo xu thế phát triển mới đang có nhiều cơ hội vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Nếu tận dụng tốt được cơ hội đó, có thể Việt Nam sẽ tạo ra làn sóng kêu gọi đầu tư và tạo ra niềm tin đầu tư, thúc đẩy nhà sản xuất, hoạt động dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng… Đây là tiền đề để phát triển và đạt mức tăng trưởng cao” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện tinh thần “quyết tâm cao nhất, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024”.

Tại cuộc triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần "5 quyết tâm": quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm người dân, DN được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, nhiều nghị quyết, chỉ thị về thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được triển khai. Tinh thần bắt tay ngay vào việc từ ngày đầu, tháng đầu năm cũng thể hiện rõ trong thực tiễn. Với những tiền đề đã có, mục tiêu, giải pháp, quyết tâm đã được xác định, đã tạo thêm kỳ vọng, niềm tin vào sự phát triển vượt bậc hơn nữa trong mọi lĩnh vực của cả nước trong năm mới Giáp Thìn 2024.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/5-quyet-tam-de-phat-trien-vuot-bac.html