6 nhóm người có nguy cơ mắc ung thư vú cao, đây là 7 dấu hiệu cảnh báo bệnh, chị em cần cảnh giác
Ung thư vú không từ bất kể ai. Tuy nhiên phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với các nhóm tuổi khác.
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, với ước tính khoảng 2 triệu ca mắc mới và 600.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư vú là bệnh ung thư nguy hiểm nhất ảnh hưởng đến phụ nữ ở các nước phát triển và đang phát triển (chiếm 25% trong số các bệnh ung thư ở nữ). Ngày nay, do tuổi thọ tăng, đô thị hóa và áp dụng lối sống phương Tây càng mạnh mẽ nên tỷ lệ số người mắc bệnh càng gia tăng.
Ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn rất sớm, đa số người bệnh ung thư vú có thể chữa khỏi và sống gần như bình thường.

Ảnh minh họa
Ai có nguy cơ mắc ung thư vú?
Phụ nữ trên 40 tuổi
Ung thư vú không từ bất kể ai. Tuy nhiên phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Nguy cơ này tiếp tục tăng theo độ tuổi, đặc biệt là sau 50 tuổi. Vì vậy, việc tầm soát sớm ung thư vú ở chị em là rất quan trọng.
Tiền sử gia đình
Nguy cơ ung thư vú tăng gấp đôi nếu có người thân thế hệ thứ nhất (mẹ, chị gái) mắc bệnh. Người có đột biến gen di truyền BRCA1/BRCA2 có nguy cơ ung thư vú cao (60 - 80%).
Do yếu tố sinh sản
Việc trì hoãn có con đến ngoài 35 tuổi hoặc có kinh nguyệt trước 12 tuổi, bước vào thời kỳ mãn kinh muộn sau 55 tuổi, thì điều đó có nghĩa là bạn có thời gian tiếp xúc với estrogen lâu hơn so với những người phụ nữ khác. Từ đó nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Do lối sống
Thừa cân, béo phì, đặc biệt sau mãn kinh, ít vận động, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, rượu bia cũng là yếu tố nguy cơ khiến bạn có khả năng mắc ung thư vú cao hơn.
7 dấu hiệu cảnh báo ung thư vú
Đau tức ngực hoặc tuyến vú
Triệu chứng đau tức ngực, cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này xuất hiện trong cả những ngày bình thường và cơn đau kéo dài, tăng dần khi đến kỳ kinh nguyệt thì bạn nên đi khám, siêu âm và chiếu chụp cộng hưởng từ vú để kiểm tra tuyến vú của mình.
Nổi u cục ở tuyến vú
U vú có thể phát hiện tình cờ, tuy nhiên lời khuyên của các chuyên gia đó là tự khám vú hàng tháng sau khi hết kinh, bằng cách này bạn có thể sờ thấy một "khối lạ" ở tuyến vú của mình. Những u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính. Đây là bước rất quan trọng vì rất nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm qua việc tự khám vú hàng tháng và chụp vú, siêu âm vú kết hợp khi có nghi ngờ.
Nổi hạch nách
Khi khám vú bạn cũng có thể kiểm tra vùng hố nách nếu có khối bất thường bạn cũng nên khám chuyên gia ngay. Hạch nách có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú. Có khá nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán khi người bệnh phát hiện tình cờ hạch hố nách.

Ảnh minh họa
Tụt núm vú
Một số phụ nữ có thể gặp tình trạng tụt núm vú bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu núm vú của bạn đột ngột tụt hẳn vào trong, kèm theo các dấu hiệu như cứng và không thể kéo ra, vùng da quanh núm vú bị co rút, nhăn nheo, xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú hoặc chảy dịch bất thường… thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngứa ở ngực
Triệu chứng này thường liên quan đến ung thư vú dạng viêm nhưng thường dễ dàng bị bỏ qua. Những người mắc ung thư vú dạng viêm thường trải qua tình trạng ngứa ngáy, xuất hiện mẩn đỏ và có thể sần sùi như vỏ cam…
Đau ở vai, lưng trên hoặc cổ
Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, cơn đau có thể xuất hiện ở lưng hoặc vai thay vì ở ngực hoặc vú. Đau thường tập trung ở phần lưng trên hoặc giữa hai bả vai, nên rất dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng hoặc viêm xương khớp.
Tiết dịch núm vú bất thường
Dịch tiết từ núm vú có thể có nhiều màu sắc và kết cấu khác nhau. Nó có thể chảy ra mà không cần tác động vú hoặc chỉ xuất hiện ở một bên vú. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do sử dụng thuốc tránh thai, một số loại thuốc khác hoặc nhiễm trùng… Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư và cần phải được kiểm tra.
Hướng dẫn phòng ngừa ung thư vú theo độ tuổi
Cách phòng ngừa ung thư vú theo độ tuổi, như sau:
- Cho con bú đúng tư thế.
- Chụp nhũ ảnh hàng năm: người từ tuổi 40 tuổi trở lên.
- Khám vú lâm sàng: người từ 25 tuổi khám ít nhất 3 năm/lần và người từ 40 tuổi trở lên hãy khám hàng năm.
- Với người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú cần kiểm tra, tầm soát bệnh sớm.
- Hạn chế uống rượu, bia
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày.