69 chất gây ung thư trong 1 điếu thuốc

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.

Bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Tuy nhiên, con số này vẫn nằm ở mức cao nếu so sánh trên phạm vi toàn cầu. Đáng lo ngại hơn, sự bùng nổ của các loại thuốc lá điện tử khiến những nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá có nguy cơ bị phá hủy.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và hủy hoại môi trường sống của chúng ta thông qua rác thải nguy hại từ đầu mẩu thuốc lá, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người.

Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm.

Vẫn theo WHO, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, hơn 75% các ca tử vong hàng năm là do các bệnh không lây nhiễm trong đó sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính...

Không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người hút, khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hại hơn khói thuốc do người hút hít vào gấp 26 lần. Trên phạm vi toàn cầu mỗi năm có 1,2 triệu ca tử vong vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động. Trong đó có gần 760.000 phụ nữ và 180.000 trẻ em. Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động.

Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sẩy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới và viêm tai giữa, làm tăng các triệu chứng của bệnh hô hấp mãn tính như hen, làm giảm sự phát triển của phổi dẫn đến nguy cơ đột tử. Và trên thực tế đã chứng minh nhiều trường hợp trẻ em vì hít phải khói thuốc lá thụ động trong một thời gian dài đã dẫn đến mắc các bệnh nói trên, thường xuyên phải vào bệnh viện để điều trị.

Một trường hợp cụ thể, bé N.H.V. (3 tháng tuổi, ở Hưng Yên) phải nhập viện tới 2 lần vì viêm phổi. Thông tin từ người thân cho hay, trong gia đình có tới 3 người hút thuốc lá, đó là ông nội, bố và chú của cháu bé.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số trẻ nhập viện vì các bệnh hô hấp có bố, mẹ hút thuốc lá cao hơn rất nhiều với những đứa trẻ mà bố mẹ không hút thuốc lá.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, đối với thuốc lá điếu thông thường, tỉ lệ sử dụng ở nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm, từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, con số này vẫn nằm ở mức cao so với thế giới.

Trong khi đó, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng càng khiến tình hình thêm phức tạp. BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao. Tại Việt Nam, những thành tựu về phòng, chống tác hại thuốc lá có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tới sức khỏe của những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này không hề thua kém, thậm chí còn có phần nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống.

PGS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Bên cạnh việc gây ra các bệnh phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi, hen… thuốc lá điện tử còn gây ra các bệnh lý khác như đột quỵ não, tim mạch, các bệnh lý liên quan tới ung thư. Thuốc lá điện tử cũng giống thuốc lá truyền thống gây ảnh hưởng tới cả trẻ em, phụ nữ, những người hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá điện tử thụ động còn nguy hiểm hơn cả thuốc lá truyền thống vì nhà sản xuất chủ trương tạo ra các mùi thuốc lá điện tử hấp dẫn… không chỉ lôi kéo người hút chính mà ngay cả người hút thụ động cũng cảm thấy thích thú thậm chí là nghiện. Xu hướng hít mùi hương của con người nếu hương thơm sẽ hít rất sâu và vô tình hít nhiều mùi từ thuốc lá điện tử. Khói thuốc lá điện tử còn bám vào sofa, bám vào rèm, giường, chăn, chiếu, quần áo… lưu lại trên bề mặt và khi người người tiếp xúc thì nó thấm qua niêm mạc không tốt cho sức khỏe. Cá biệt, một trong những bệnh khác chưa từng xuất hiện ở thuốc lá truyền thống nhưng lại xuất hiện do thuốc lá điện tử đó là đã có những trường hợp bị liệt tứ chi không hồi phục.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam khẳng định: “Không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng giúp mọi người cai thuốc lá. Trên thực tế, điều ngược lại là các sản phẩm này đưa nicotine tới mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi - khiến họ bị lôi cuốn, bị nghiện nicotine”.

TS Angela Pratt cho biết thêm: WHO tin rằng, chỉ có lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm này mới có thể bảo vệ hiệu quả những người trẻ tuổi của Việt Nam khỏi tác hại của chúng. “Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp ban hành lệnh cấm hoàn toàn càng nhanh càng tốt đối với các sản phẩm này”.

Năm 2024, bằng việc chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, WHO kêu gọi, thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe vì có chất gây ung thư hoặc thành phần gây ung thư và có nicotine là chất gây nghiện. Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của các sản phẩm độc hại này, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/69-chat-gay-ung-thu-trong-1-dieu-thuoc-10282215.html