7 thói quen tưởng lành mạnh nhưng lại khiến bạn tăng cân
Những thói quen tưởng chừng như lành mạnh lại có thể phá hủy mục đích giảm cân và ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy đâu là nguyên nhân?
1. Uống nước ép quá mức có thể làm tăng cân
Mặc dù sinh tố và nước trái cây làm từ nguyên liệu thực vật, có thể là một sự bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn uống, nhưng điều quan trọng là không nên lạm dụng nếu bạn muốn giảm cân.
Điều này là do trái cây có chứa lượng đường tự nhiên, nếu uống nhiều có thể làm tăng lượng đường trong máu và gây ra cảm giác đói, thèm ăn nhiều đồ ăn có đường hơn. Nước ép trái cây cũng chứa calo, nếu uống nhiều có thể cung cấp nhiều calo cho cơ thể hơn. Khi ép trái cây và rau quả, cũng làm mất đi hàm lượng chất xơ - chất cần thiết để thúc đẩy cảm giác no và làm chậm quá trình tiêu hóa đường.
Do đó, nước trái cây không có tác dụng làm no như thực phẩm nguyên chất, khiến chúng ta có thể tiêu thụ nhiều calo hơn.
2. Ăn quá nhiều chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa, lành mạnh là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống cân bằng, giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và thường hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tăng cân do tiêu thụ quá nhiều những món này với số lượng lớn…
Mặc dù các chất béo trong quả bơ, các loại hạt và dầu ô liu đều bổ dưỡng nhưng chúng lại chứa nhiều calo. Tiêu thụ quá mức, ngay cả khi đó là chất béo lành mạnh, có thể góp phần tăng cân nếu bạn không tính đến lượng calo bổ sung.
3. Thường xuyên ăn vặt với những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng
Một sai lầm khác mà mọi người mắc phải khi cố gắng giảm cân là ăn vặt quá thường xuyên với những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.
Ăn trái cây, sữa chua hoặc các loại hạt suốt cả ngày có thể tốt cho sức khỏe nhưng cũng có thể dẫn đến tăng cân nếu bạn không chú ý đến khẩu phần ăn. Ăn đồ ăn nhẹ giàu chất dinh dưỡng có thể làm tăng lượng calo.
4. Ăn quá nhiều sản phẩm ít béo hoặc ăn kiêng
Cho dù mục tiêu của bạn là giảm cân hay cải thiện sức khỏe thông qua chế độ ăn kiêng, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là tránh thực phẩm đóng gói sẵn, bao gồm cả các thực phẩm "ít chất béo" hoặc những sản phẩm được cho là thân thiện với chế độ ăn kiêng.
Các sản phẩm dành cho người ăn kiêng hoặc ít chất béo đóng gói sẵn thường chứa thêm đường hoặc các thành phần nhân tạo để bù đắp cho hàm lượng chất béo đã giảm đi. Tiêu thụ những sản phẩm này quá mức có thể dẫn đến tăng lượng calo nạp vào và có khả năng tăng cân.
5. Tập thể dục mà không điều chỉnh chế độ ăn uống
Nếu bạn duy trì một chế độ ăn uống không lành mạnh, thì không có bài tập thể dục nào có thể khắc phục được tác hại đó.
Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nhưng một số người đánh giá quá cao số lượng calo đốt cháy trong quá trình tập luyện. Nếu bạn không điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp, tập thể dục quá mức có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều, từ đó phủ nhận nỗ lực giảm cân của bạn.
6. Thực hiện chế độ ăn kiêng theo mốt
Nghiên cứu đã cho thấy, khi mọi người thực hiện chế độ ăn kiêng theo mốt, họ có xu hướng không tuân thủ chế độ ăn kiêng đó lâu dài và sẽ bị tăng cân trở lại. Do đó, những người đang cố gắng giảm cân một cách lành mạnh và lâu dài hãy tìm những thực phẩm bạn yêu thích và tập thể dục (môn thể thao) mà bạn thích, thực hiện đều đặn; xây dựng bữa ăn xoay quanh protein, chất béo lành mạnh và chất xơ… giúp bạn no lâu hơn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
7. Cắt bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm
Một dấu hiệu cảnh báo phổ biến của chế độ ăn kiêng theo mốt là tìm cách loại bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm khỏi kế hoạch ăn uống, ví dụ một số người loại bỏ Carb trong khẩu phần ăn của mình. Mặc dù chiến lược này có thể có hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng nó có thể phản tác dụng, dẫn đến tăng cân.
Điều quan trọng là phải cân bằng bữa ăn và kiểm soát khẩu phần ăn của mình kết hợp với tập luyện đều đặn… mới là giải pháp giảm cân bền vững.