9 loại thảo mộc cải thiện sức khỏe gan

Hiện nay, nhiều người có xu hướng sử dụng các liệu pháp kết hợp thực phẩm bổ sung thảo dược với hy vọng cải thiện và bảo vệ sức khỏe gan.

Nội dung

1. Cây kế sữa (silymarin) thúc đẩy tái tạo tế bào gan

2. Đan sâm có tác dụng tích cực đối với sức khỏe gan

3. Nhân sâm chống viêm mạnh mẽ

4. Tỏi có nhiều thành phần chống oxy hóa

5. Cam thảo có lợi cho những người mắc một số bệnh về gan

6. Gừng giảm tích tụ mỡ trong gan

7. Nghệ có đặc tính chống viêm

8. Bạch quả cải thiện sức khỏe gan

9. Hoàng kỳ chống lại tình trạng gan nhiễm mỡ

Trên thế giới có nhiều người mắc các bệnh ảnh hưởng đến gan, bao gồm xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), bệnh gan do rượu, ung thư gan, suy gan và viêm gan. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gan bao gồm uống nhiều rượu, lượng đường trong máu cao, béo phì, tăng huyết áp, virus, nồng độ triglyceride và cholesterol cao,...

Bệnh gan được điều trị theo nhiều cách, bao gồm dùng thuốc, liệu pháp dinh dưỡng, liệu pháp miễn dịch, thay đổi lối sống, phẫu thuật và thậm chí là ghép gan ở giai đoạn cuối của bệnh gan.

Cùng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, nhiều người có xu hướng kết hợp các liệu pháp thay thế, bao gồm cả thực phẩm bổ sung thảo dược với hy vọng cải thiện và bảo vệ sức khỏe gan. Trên thực tế, khoảng 65% người mắc bệnh gan ở Hoa Kỳ và châu Âu sử dụng thực phẩm bổ sung thảo dược. Tham khảo 9 loại thảo mộc đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện sức khỏe gan.

1. Cây kế sữa (silymarin) thúc đẩy tái tạo tế bào gan

Cây kế sữa giúp giảm viêm và có lợi cho những người mắc bệnh gan.

Cây kế sữa giúp giảm viêm và có lợi cho những người mắc bệnh gan.

Silymarin, thường được gọi là cây kế sữa, chứa một nhóm hợp chất được chiết xuất từ hạt cây kế sữa (Silybum marianum), bao gồm silybin, silychristin và silydianin. Cây kế sữa đã được sử dụng trong hơn 2.000 năm để điều trị các bệnh về ống mật và gan, và nghiên cứu gần đây cho thấy nó cũng có đặc tính bảo vệ gan.

Người ta cho rằng silymarin có tác dụng chống oxy hóa mạnh và có thể giúp thúc đẩy tái tạo tế bào gan, giảm viêm và có lợi cho những người mắc bệnh gan. Tuy nhiên, kết quả từ các nghiên cứu trên người lại không đồng nhất. Ví dụ, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung silymarin có thể giúp bảo vệ chống lại sự tiến triển của bệnh gan, kéo dài tuổi thọ ở những người bị xơ gan do rượu và nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung ở những người mắc bệnh gan. Nhưng nghiên cứu nhỏ khác lại chỉ ra rằng silymarin không hiệu quả hơn các phương pháp điều trị bằng giả dược, điều này làm nổi bật nhu cầu cần có thêm nhiều nghiên cứu.

2. Đan sâm có tác dụng tích cực đối với sức khỏe gan

Đan sâm là một chất thường được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông. Đó là rễ khô của cây Salvia miltiorrhiza Bunge. Các nghiên cứu trên người và động vật đã chỉ ra rằng đan sâm có thể có tác dụng tích cực đối với sức khỏe gan.

Các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng đan sâm có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh gan liên quan đến rượu và thúc đẩy tái tạo mô gan, trong khi một số nghiên cứu trên người cho thấy tiêm đan sâm có thể giúp điều trị xơ gan khi sử dụng cùng với các phương pháp điều trị bằng thảo dược khác.

3. Nhân sâm chống viêm mạnh mẽ

Nhân sâm từ lâu đã được biết đến với đặc tính chống viêm mạnh mẽ.

Nhân sâm từ lâu đã được biết đến với đặc tính chống viêm mạnh mẽ.

Nhân sâm là một loại thực phẩm bổ sung thảo dược phổ biến được biết đến với đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Một số nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật đã chứng minh rằng nhân sâm có tác dụng chống oxy hóa và có thể giúp bảo vệ gan khỏi tổn thương do virus, độc tố và rượu gây ra. Thêm vào đó, nó có thể thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào gan sau phẫu thuật.

Hơn nữa, một số nghiên cứu trên người đã chỉ ra rằng điều trị bằng nhân sâm có thể cải thiện chức năng gan và giảm mệt mỏi cũng như tình trạng viêm ở những người mắc bệnh gan và rối loạn chức năng gan.

Khi sử dụng riêng, nhân sâm được cho là tương đối an toàn cho sức khỏe gan. Tuy nhiên, nhân sâm có khả năng phản ứng với thuốc, có thể dẫn đến tổn thương gan và các tác dụng phụ nguy hiểm khác.

4. Tỏi có nhiều thành phần chống oxy hóa

Tỏi là thành phần phổ biến của nhiều bài thuốc thảo dược theo kinh nghiệm chữa bệnh từ xa xưa. Tỏi chứa nhiều hợp chất thực vật chống oxy hóa và chống viêm mạnh, chẳng hạn như allicin, alliin và ajoene, có thể giúp tăng cường sức khỏe gan.

Một nghiên cứu năm 2020 trên 98 người mắc NAFLD cho thấy những người dùng 800 mg bột tỏi mỗi ngày trong 15 tuần đã giảm đáng kể nồng độ ALT, AST, LDL (cholesterol xấu) và triglyceride, so với nhóm dùng giả dược. Hơn nữa, 51% số người tham gia trong nhóm tỏi cho thấy mức độ tích tụ mỡ trong gan được cải thiện, so với chỉ 16% nhóm đối chứng.

Một nghiên cứu trên 24.000 người lớn cho thấy những người đàn ông ăn tỏi sống hơn 7 lần mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ giảm tới 29%. Mặc dù lượng tỏi sống tiêu thụ có liên quan nghịch đảo với NAFLD ở nam giới nhưng mối liên quan này không được thấy ở phụ nữ.

5. Cam thảo có lợi cho những người mắc một số bệnh về gan

Cam thảo có tác dụng chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan.

Cam thảo có tác dụng chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan.

Cam thảo (Glycyrrhiza glabra) là một loại thảo mộc có đặc tính dược liệu mạnh mẽ. Rễ cam thảo đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, kháng virus và bảo vệ gan trong các nghiên cứu khoa học. Thành phần hoạt chất chính trong rễ cam thảo là hợp chất saponin glycyrrhizin, thường được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông để điều trị nhiều bệnh, bao gồm cả bệnh gan. Một số nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng điều trị bằng chiết xuất cam thảo có thể có lợi cho những người mắc một số bệnh về gan.

6. Gừng giảm tích tụ mỡ trong gan

Củ gừng là một thành phần ẩm thực phổ biến và cũng thường được sử dụng như một phương pháp điều trị thuốc cho nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh gan.

Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở 46 người mắc NAFLD cho thấy bổ sung 1.500 mg bột gừng mỗi ngày làm giảm đáng kể ALT, cholesterol toàn phần và LDL (xấu), lượng đường trong máu lúc đói và protein phản ứng C (CRP) gây viêm, so với nhóm dùng giả dược.

Một nghiên cứu khác cũng quan sát thấy kết quả tương tự. Những người mắc NAFLD bổ sung 2 gam gừng trong 12 tuần đã giảm đáng kể ALT, GGT, các dấu hiệu gây viêm và tích tụ mỡ trong gan, so với nhóm dùng giả dược.

Gừng chứa các hợp chất mạnh, bao gồm gingerol và shogaol, giúp ức chế tình trạng viêm và bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, có thể giúp hỗ trợ sức khỏe gan. Thêm vào đó, gừng có thể giúp bảo vệ gan khỏi các chất độc như rượu.

Gừng thường được coi là an toàn, ngay cả đối với những người mắc bệnh gan. Tuy nhiên, bạn nên luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung các sản phẩm gừng liều cao.

7. Nghệ có đặc tính chống viêm

Curcumin có trong củ nghệ có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư mạnh mẽ.

Curcumin có trong củ nghệ có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư mạnh mẽ.

Nghệ và thành phần hoạt tính chính curcumin có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng. Có nhiều tài liệu ghi chép đáng tin cậy cho rằng nghệ có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và chống ung thư mạnh mẽ, khiến loại thảo mộc này trở thành lựa chọn phổ biến cho những người mắc bệnh gan.

Một nghiên cứu ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đã chứng minh rằng việc điều trị hàng ngày bằng 500 mg sản phẩm curcumin trong 8 tuần đã làm giảm đáng kể lượng mỡ trong gan và mức AST và ALT, so với nhóm dùng giả dược.

Một nghiên cứu khác ở 70 người mắc NAFLD cho thấy những người bổ sung 500 mg curcumin và 5 mg piperine mỗi ngày trong 12 tuần đã giảm đáng kể ALT, AST, cholesterol LDL (xấu) và các dấu hiệu viêm, so với nhóm dùng giả dược.

8. Bạch quả cải thiện sức khỏe gan

Bạch quả là một loại thực phẩm bổ sung thảo dược phổ biến có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe gan. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy tiêm bạch quả làm giảm xơ gan và tăng cường chức năng gan.

Mặc dù bạch quả có liên quan đến tác dụng phụ nhẹ nhưng chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy nó liên quan đến tổn thương gan.

9. Hoàng kỳ chống lại tình trạng gan nhiễm mỡ

Hoàng kỳ là một loại thảo mộc ăn được thường được sử dụng trong Đông y. Hoàng kỳ chứa nhiều hợp chất dược liệu, bao gồm saponin, isoflavonoid và polysaccharides, có đặc tính trị liệu mạnh mẽ.

Nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng hoàng kỳ có thể giúp bảo vệ chống lại tình trạng xơ hóa và gan nhiễm mỡ do chế độ ăn nhiều chất béo khi sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thảo mộc khác.

Mặc dù một số phương pháp điều trị bằng thảo dược có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh về gan nhưng không phải tất cả thảo mộc đều an toàn. Mọi người muốn tham khảo các phương pháp điều trị bằng thảo dược để cải thiện sức khỏe gan đều phải trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung thảo dược nào. Lý do là nhiều phương pháp điều trị bằng thảo dược đã được chứng minh là có độc với gan và có thể nguy hiểm khi sử dụng, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh gan hoặc các tình trạng bệnh lý khác.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-loai-thao-moc-cai-thien-suc-khoe-gan-169241220212611553.htm