Nên tiêm vắc - xin phòng ngừa cúm
Tại TP HCM, số ca viêm hô hấp ghi nhận quanh năm có xu hướng tăng vào các tháng cuối năm nhưng đã giảm trong 5 tuần đầu năm 2025.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm mùa và thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi đến khám, điều trị hoặc liên hệ công tác tại các cơ sở y tế. Sở Y tế cũng chỉ đạo tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Yêu cầu các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát các trường hợp cúm và nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn, kịp thời báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ và tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông để người dân chủ động phòng bệnh hiệu quả.
![Nhân viên cơ sở tiêm chủng hướng dẫn theo dõi sau tiêm vắc-xin cho khách hàng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_15_51430954/2544e942d30c3a52631d.jpg)
Nhân viên cơ sở tiêm chủng hướng dẫn theo dõi sau tiêm vắc-xin cho khách hàng
Theo BS Lê Thanh Khôi, Trưởng Hội đồng Y khoa Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, cúm gây các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh thông thường và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi. Cúm mùa là bệnh do virus cúm (Influenza virus) gây ra, các triệu chứng thường khởi phát đột ngột chỉ trong 1-2 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Các triệu chứng điển hình bao gồm: Sốt cao đột ngột kéo dài từ 2-4 ngày; đau nhức và mệt mỏi toàn thân; ho; đau họng; nghẹt mũi; đau đầu; mắt đỏ, chảy nước mắt; tiêu chảy, nôn ói. Cúm mùa sẽ tự khỏi trong 7-10 ngày đối với đa số bệnh nhân nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm xoang hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Những người dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc bệnh phổi… có nguy cơ cao trở nặng hơn.
BS Khôi lưu ý tiêm vắc-xin cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và các biến chứng nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc tiêm phòng vắc-xin cúm làm giảm tỉ lệ tử vong do cúm từ 70%-80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80%-90%. Riêng với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, tiêm vắc-xin có thể giảm 35% tỉ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân tim mạch, giảm 58% tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, giảm 70% tỉ lệ tử vong ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. "Để bảo vệ sức khỏe cá nhân, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, việc chủ động tiêm vắc-xin cúm là rất quan trọng và nên thực hiện càng sớm càng tốt" - BS Khôi nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nen-tiem-vac-xin-phong-ngua-cum-19625020819500044.htm