90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu việc giảm thuế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đa số thuốc thông thường Việt Nam sản xuất được, bởi ngành công nghiệp dược của Việt Nam phát triển khá, nhưng 90% nguyên liệu để sản xuất thì phải nhập khẩu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu có chính sách bổ sung giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, chính sách này nhằm giảm giá thành thuốc.
Bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý
Chiều 16/4, tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách phát triển công nghiệp dược. Cụ thể, sửa đổi một số nội dung quy định nhằm khuyến khích, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất trong nước, khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam nguyên liệu làm thuốc, thuốc generic hoặc thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc xin, sinh phẩm, thuốc ứng dụng công nghệ cao, thuốc sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam và rút ngắn trình tự thủ tục cấp phép lưu hành đối với các thuốc này; mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ KHCN và Bộ NN&PTNT trong việc chủ trì áp dụng khoa học và công nghệ để phát triển ngành công nghiệp hóa dược và chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý các hoạt động chọn, tạo giống, nuôi trồng và thu hái dược liệu; phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, phòng, chống bệnh hại trên cây thuốc, động vật làm thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thông tin, về ý kiến tại cuộc họp thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội tại cuộc họp ngày 3/4/2024, trong đó, đề nghị làm rõ các quy định hiện hành liên quan đến ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đặc biệt và làm rõ định hướng sửa đổi pháp luật liên quan điều chỉnh vấn đề này; làm nổi bật nội hàm của “tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành” thông qua việc cụ thể hóa nội dung chính sách ưu tiên này ngay tại dự thảo Luật; các chính sách đưa ra cần có tính đột phá, đủ mạnh, đồng bộ về đầu tư, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, phát triển chuỗi giá trị, liên kết phát triển dược.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tiếp thu, xin đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại dự thảo Luật, với định hướng áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư/ưu đãi đầu tư đặc biệt, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của pháp luật về đầu tư, trong đó xác định rõ các hoạt động được ưu đãi đầu tư đặc biệt hoặc ưu đãi đầu tư; đồng thời sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu tiên trong quản lý chuyên ngành (cấp phép, mua sắm, giữ giá); Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung quy định chính sách ưu đãi/ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các đối tượng thuốc/hoạt động cụ thể: Ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc công nghệ cao; cũng như các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất thuốc; tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi đối với sản xuất thuốc thiết yếu…
Bổ sung việc sử dụng nguồn vốn từ Quỹ bảo hiểm y tế cho việc mua thuốc được khuyến khích sản xuất trong nước; bổ sung việc cập nhật Danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả đối với các thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc công nghệ sinh học được chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; bổ sung chính sách giữ giá đối với các thuốc này; thời gian cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở sản xuất các thuốc mới, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học; bổ sung Nhà nước hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dược, công nghiệp dược.
Cùng với đó, bổ sung quy định cắt giảm thời gian xem xét hồ sơ cấp Giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hiếm; vắc xin đã được WHO tiền thẩm định; thuốc đã được thử lâm sàng tại VN; vắc xin, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học đã được cấp Giấy đăng ký lưu hành và được chuyển giao công nghệ sản xuất tại VN.
Trình bày báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp dược còn chung chung và mang tính nguyên tắc, do đó, đề nghị Chính phủ cần làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sớm có giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, nhất là trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất dược liệu, sản xuất thuốc, vắc xin trong nước trong giai đoạn tới và cụ thể hóa hơn nữa chính sách “tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành”, “ưu tiên về trình tự, thủ tục” trong dự thảo Luật.
Luật hóa một số chính sách để thúc đẩy ngành dược phát triển
Cho ý kiến về nội dung nêu trên tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đa số thuốc thông thường Việt Nam sản xuất được, bởi ngành công nghiệp dược của Việt Nam phát triển khá, nhưng 90% nguyên liệu để sản xuất thì phải nhập khẩu. Trong khi đó, thuốc đặc trị, thiết yếu vẫn phải nhập khẩu. "Tiềm năng của Việt Nam rất lớn, ngành dược rất giỏi, hầu như sản xuất thuốc thông thường sản xuất được hết từ chủng loại, mẫu mã, giá cả cũng phải chăng nhưng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu", Chủ tịch Quốc hội nói.
Từ lý do nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội rà soát lại Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3/2021 về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để luật hóa một số chính sách để thúc đẩy ngành dược phát triển.
Trong đó, về nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng có chính sách ưu đãi đối với thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc? “Chính sách thuế thì quy định trong Luật Thuế nhưng sắp tới cũng sẽ sửa một số Luật. Biểu thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền Chính phủ nhiều. Trong khi 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, nếu giá nhập khẩu nguyên liệu cao thì giá thành thuốc sản xuất trong nước sẽ đắt, người dân sẽ phải mua đắt, khả năng cạnh tranh sẽ kém. Nên chăng có chính sách nghiên cứu bổ sung giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc. Có chính sách ưu đãi để giảm giá thành”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất dược công nghệ cao thông qua các quy định cho phép các thuốc này có lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỉ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển đối với các doanh nghiệp được được đầu và nghiên cứu phát triển thuốc mới; thúc đẩy liên doanh, hợp tác với nước ngoài thành lập chuỗi; đặc biệt là trong hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, cần rà soát Quyết định 376/QĐ-TTg để có cơ chế mua sắm thuốc phù hợp với thuốc phát minh sản xuất trong nước; chú trọng hơn áp dụng cơ chế tăng giá theo mức độ thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp với kịch bản, lộ trình giảm giá theo số lượng giá trị thuốc phát sinh tại Việt Nam. Cập nhật, bổ sung danh mục sản phẩm công nghệ cao đối với sản phẩm thuốc phát minh, vắc xin đa giá…
Từ Quyết định 376/QĐ-TTg cũng rà soát luật hóa một số chính sách ưu đãi đối với những sản phẩm đầu ra của những cơ sở sản xuất thuốc trong nước. Ví dụ như trong đấu thầu mua sắm, lựa chọn thuốc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế… Có quy định về khung để sau này Chính phủ có hướng dẫn.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nên có những trung tâm nghiên cứu và phát triển ngành dược theo quy mô quốc gia do ngành y tế làm chủ, chủ trì. Đây là thể hiện sự đầu tư của Nhà nước để tạo ra những phát minh, sáng chế cho ngành dược. Như vậy mới thể hiện hết Nghị quyết chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…