ACBS: Nhập siêu quay lại có thể làm tăng áp lực tỷ giá, nhưng vẫn 'nên mừng hơn lo'
'Số liệu cho thấy, nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may. Do đó, việc nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực này', nhóm phân tích ACBS nhận định.
Sau gần 2 năm, nhập siêu quay trở lại trong tháng 5
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 4 và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 9,37 tỷ USD, tăng 13,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,44 tỷ USD, tăng 17,0%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng mạnh tới 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,81 tỷ USD, tăng 38,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,0 tỷ USD, tăng 25,3%.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao nhưng nhập khẩu tăng mạnh hơn, dẫn tới cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1 tỷ USD trong tháng 5.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 tăng mạnh trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế trong nước.
Cụ thể, về sản xuất, trong tháng 5, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23,0%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,4%; sản xuất trang phục tăng 9,4%.
Về tiêu dùng trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.
“Nhập siêu quay trở lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng, nhập siêu do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 nhập siêu, nhưng tính chung năm tháng đầu năm 2024, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy cán cân thương mại hàng hóa vẫn giữ xu hướng xuất siêu.
Tuy nhiên, mức tăng của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn lớn hơn mức tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, xu thế xuất siêu có dấu hiệu chậm lại. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức xuất siêu 10,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
ACBS: Nhập siêu tại thời điểm này đáng mừng hơn là lo
Báo cáo vĩ mô mới cập nhật của Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng nhập siêu của tháng 5 là tín hiệu đáng mừng hơn là đáng lo. Theo đó, mặc dù việc Việt Nam ghi nhận tháng nhập siêu đầu tiên trong gần 2 năm nhìn sơ qua có vẻ đây là tin buồn vì tăng thêm áp lực tỷ giá, nhưng khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, ACBS cho rằng đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
“Số liệu cho thấy, nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may. Do đó, việc nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực này”, nhóm phân tích ACBS nhận định.
Nhìn lại quá khứ, ACBS chỉ ra rằng tăng trưởng nhập khẩu chậm trong năm 2023 cũng kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu. Mặc dù thặng dư thương mại có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong năm 2023 nhưng đổi lại nền kinh tế cũng ảm đạm trong năm 2023. Vì vậy, nhập siêu ở thời điểm này tuy tạo áp lực tỷ giá trong ngắn hạn nhưng lại mở ra tín hiệu tích cực hơn cho giai đoạn hồi phục các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
Chi tiết hơn, báo cáo của ACBS chỉ ra rằng số liệu nhập khẩu bật tăng rõ nét bắt đầu từ đầu tháng 4, sau một chuỗi tăng trưởng ảm đạm. Các mặt hàng nhập khẩu tập trung vào các nguyên liệu then chốt cho sản xuất, ví dụ như: linh kiện điện tử, máy tính, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu dệt may, sắt thép.
Thực tế, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng đáng kể trong tháng 5 có thể kể tới các mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất: Điện thoại và linh kiện tăng 55,1%; sắt thép tăng 50,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39,3%; xăng dầu tăng 34,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày, dép tăng 33,7%; chất dẻo tăng 31,4%.
“Nhập khẩu linh kiện điện tử máy tính, máy móc thiết bị tăng từ 20-50% trong riêng tháng 5 dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy từ 20-30% xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024.
Tăng trưởng mạnh của nguyên vật liệu dệt may (tăng 33% trong tháng 5 và hơn 20% trong 5 tháng đầu năm) báo hiệu đơn hàng dệt may sẽ tăng tốt trong nửa cuối năm 2024.
Nhập khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép cũng tăng mạnh trong tháng 4 (tăng 16% so với cùng kỳ) và tháng 5 (tăng 47%), trong đó hơn 60% là đến từ Trung Quốc. Đây có thể coi là động thái tích trữ hàng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên, đồng thời đối phó với rủi ro về chính sách thuế”, báo cáo của ACBS phân tích.