Ai có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu? 3 nhóm người này cần tiêm vaccine bạch hầu càng sớm càng tốt

Bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng sẽ dẫn đến các biến chứng viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, dẫn truyền cơ tim, đột ngột trụy tim mạch và cuối cùng dẫn đến nguy cơ tử vong.

Bạch hầu là bệnh gì?

Bệnh bạch hầu là tình trạng nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do ngoại độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu cực kỳ mạnh, do đó bệnh bạch hầu được biết đến là một loại bệnh mang tính chất cấp tính đồng thời cũng mang tính chất cấp cứu.

Bệnh bạch hầu lây như thế nào?

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây bệnh phổ biến của bệnh.

Ngoài ra vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Triệu chứng của bệnh bạch hầu

Người bệnh bạch hầu sẽ có biểu hiện các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Quá trình mắc bệnh, sau 2-3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hành hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc của người bệnh dài, dễ chảy máu và dính. Có thể nói đây là dấu hiệu điển hình và quan trọng nhất để nhận biết bệnh bạch hầu.

Bên cạnh đó người bệnh có dấu hiệu khó nuốt, khó thở. Thời gian 6-10 ngày là thời điểm quan trọng để điều trị hoặc có thể khỏi hoặc trở nên trầm trọng, thậm chí là gây ra tử vong. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có các biểu hiện như sung to cổ, khó thở, rối loạn tim, khàn tiếng, liệt dần...

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?

Các trường hợp người bệnh mắc bệnh bạch hầu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng sẽ dẫn đến các biến chứng viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, dẫn truyền cơ tim, đột ngột trụy tim mạch và cuối cùng dẫn đến nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Người bệnh cũng có thể bị viêm cơ tim và van tim, sau thời gian sẽ chuyển thành bệnh tim mãn tính, suy tim. Ngoài ra, người bệnh bạch hầu cũng có thể bị thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy, vỏ thượng thận do bệnh bạch hầu biến chứng.

Ai có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh bạch hầu?

Bạch hầu là bệnh dễ bắt gặp ở mọi nhóm tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn chưa có kháng thể chống lại bệnh. Cụ thể:

- Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên dần bị mất kháng thể phòng bạch hầu thụ động từ mẹ nên cũng là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu, cần đi tiêm phòng sớm để phòng ngừa bệnh nguy hiểm này.

- Trẻ em dưới 15 tuổi cũng được đánh giá là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh do thường bỏ qua nhiều mũi nhắc quan trọng trong đời, rơi vào "khoảng trống miễn dịch". Điều này rất nguy hiểm bởi kháng thể trẻ nhận được do được tiêm vắc xin từ nhỏ theo thời gian đã giảm dần, không đủ để chống chọi lại bệnh bạch hầu nguy hiểm.

- Người già có nhiều bệnh nền mạn tính, biến chứng tim, thận,… hoặc người bệnh có sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong cơ thể như thay tim nhân tạo, đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch…

- Người đã nhiễm bệnh bạch hầu sẽ có miễn dịch cả đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch sẽ có tỷ lệ tái nhiễm bệnh vào khoảng 2 – 5%.

Hiệu quả vắc xin bạch hầu đạt khoảng 97%, miễn dịch có hiệu quả lên đến 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, nếu không tiêm mũi vắc xin nhắc lại sau mỗi 10 năm vẫn có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

3 nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine bạch hầu

Trẻ nhỏ

Mọi trẻ em đều cần được tiêm vaccine phòng ngừa bệnh bạch hầu. Vaccine phòng bệnh bạch hầu hiện có trong thành phần của vaccine phối hợp 6 trong 1 (loại vắc xin phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại việt, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib).

Đối với trẻ nhỏ, liệu trình tiêm loại vaccine này gồm 3 mũi cơ bản, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1 tháng và được tiêm khi trẻ được 2-3-4 tháng tuổi. Mũi thứ 4 là mũi tiêm nhắc lại, được tiêm lúc trẻ 18-24 tháng tuổi.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, việc tiêm phòng vaccine bạch hầu là biện pháp bảo vệ bản thân và bảo vệ trẻ trong giai đoạn sớm nhờ lượng kháng thể trong cơ thể mẹ truyền qua.

Vaccine được tiêm là loại 3 trong 1, sản xuất từ độc tố bạch hầu bất hoạt, độc tố uốn ván giảm độc lục và vô bào ho hà. Loại vaccine này không ảnh hưởng đến thai nhi. Vaccine được khuyến cáo tiêm trong thời gian thai được 27-36 tuần tuổi. Thai phụ đã tiêm vaccine trước tuần thai thứ 27 thì không cần tiêm lại trong khoảng thời gian trên.

Người cao tuổi, người chưa tiêm vaccine

Những người cao tuổi, người chưa từng tiêm vaccine bạch hầu cũng cần được tiêm vaccine phòng bệnh này. Đối với những người đã từng tiêm vaccine phòng bạch hậu, do miễn dịch bảo vệ thường kéo dài khoảng 10 năm và sau đó giảm dần nên việc tiêm nhắc lại là cần thiết.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ai-co-nguy-co-lay-nhiem-benh-bach-hau-3-nhom-nguoi-nay-can-tiem-vaccine-bach-hau-cang-som-cang-tot-172240709162057848.htm