Ăn 3 bữa lớn hay 6 bữa nhỏ tốt hơn cho sức khỏe?

Những người tin rằng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày có thể giúp giảm cân và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Vậy có nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn để tốt cho sức khỏe?

Lý do nên ăn nhiều bữa nhỏ

Chuyên gia dinh dưỡng Ekta Singhwal (Ấn Độ) cho biết ăn nhiều bữa nhỏ nghĩa là tiêu thụ nhiều phần thức ăn nhỏ hơn trong ngày thay vì ba bữa lớn như truyền thống.

Điều này thường có nghĩa là ăn năm đến sáu lần một ngày, với các bữa ăn cách nhau 2 đến 3 giờ một lần. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients năm 2019, ăn thường xuyên có thể cải thiện mức lipid (chất béo) trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, các bữa ăn nhỏ thường xuyên giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, giảm nguy cơ tăng đột biến, điều này đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Ăn thường xuyên hơn có thể ngăn ngừa tình trạng đói quá mức, giúp kiểm soát khẩu phần ăn dễ dàng hơn và tránh ăn quá nhiều.

Một số người cũng lựa chọn bữa ăn nhỏ hơn vì chúng có thể cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Về cơ bản, hệ tiêu hóa không bị choáng ngợp bởi lượng lớn thức ăn cùng một lúc.

Ăn ba bữa lớn

Khái niệm ăn ba bữa lớn - bữa sáng, bữa trưa và bữa tối - dựa trên cách tiếp cận có cấu trúc để ăn uống phù hợp với lịch trình truyền thống hàng ngày. Mô hình này cung cấp các bữa ăn lớn hơn, cách đều nhau nhằm giúp người ăn no cho đến bữa ăn tiếp theo.

Chuyên gia cho biết, bữa ăn lớn hơn mang lại cảm giác no hơn, có khả năng làm giảm sự cám dỗ ăn vặt bằng những thực phẩm không lành mạnh.

Một lịch trình bữa ăn có thể dự đoán được sẽ giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn và thúc đẩy sức khỏe tổng thể.

Nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ít bữa lớn?

Phần lớn những người theo đuổi chế độ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày vì tin rằng chế độ này giúp giảm cân. Tuy nhiên, theo nhà dinh dưỡng Lindsey DeSoto - nhà dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện Gulfport Memorial (Hoa Kỳ), các nghiên cứu về điều này vẫn còn chưa rõ ràng. Cụ thể, theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh, việc tăng tần suất bữa ăn không giúp giảm cân nhiều hơn.

Hơn nữa, theo báo cáo khoa học của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) của Ủy ban Tư vấn Hướng dẫn Chế độ ăn uống năm 2020, do có sự không nhất quán và hạn chế trong cơ sở bằng chứng hiện tại nên không có đủ bằng chứng để xác định mối quan hệ giữa tần suất bữa ăn và thành phần cơ thể với nguy cơ thừa cân, béo phì.

Vì vậy, mô hình ăn uống tốt nhất phụ thuộc vào sở thích cá nhân, tình trạng sức khỏe và lối sống. Những bữa ăn nhỏ có thể mang lại lợi ích cho những người cần lượng đường trong máu ổn định và năng lượng ổn định, trong khi những bữa ăn lớn có thể phù hợp với những người thích khẩu phần ăn lớn hơn và thời gian ăn uống có tổ chức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số điều cần lưu ý khi thực hiện các chế độ ăn

Mặc dù, ăn nhiều bữa nhỏ và ăn ba bữa lớn đều có những ưu điểm riêng nhưng mỗi người cần xem xét thể trạng của mình để lựa chọn chế độ ăn phù hợp. Chẳng hạn, những người có xu hướng ăn quá nhiều hoặc những người gặp khó khăn trong việc quản lý khẩu phần ăn có thể gặp khó khăn với việc ăn nhiều bữa vì điều đó dẫn đến tăng lượng calo nạp vào. Ngoài ra, những người có vấn đề về tiêu hóa cụ thể sẽ thấy việc ăn thường xuyên làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Trong khi đó, những người mắc một số bệnh lý nhất định, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, có thể nhận thấy bữa ăn lớn khiến lượng đường trong máu biến động đáng kể.

Phương Anh (Theo Healthshots)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/an-3-bua-lon-hay-6-bua-nho-tot-hon-cho-suc-khoe-d200119.html