Ăn nhiều đường có gây nghiện không?
Đường là một nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên ăn nhiều đường sẽ càng kích thích cơn thèm đồ ngọt và gây nghiện đường. Điều này thực sự nguy hại cho sức khỏe.
Nội dung
1. Vì sao thường xuyên ăn đường lại gây nghiện?2. Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang nghiện đường?3. Mẹo cắt giảm đường an toàn
1. Vì sao thường xuyên ăn đường lại gây nghiện?
Đường là một phần của chế độ dinh dưỡng cân bằng khi chúng ta ăn một cách điều độ. Nhưng nếu ăn quá nhiều đường, ăn thường xuyên có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và làm tăng nguy cơ béo phì và mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường và một số bệnh ung thư.
Ngoài ra tình trạng đau khớp, bệnh gout hay gan nhiễm mỡ là những biến chứng có thể xảy ra khi thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều đường.
Đặc biệt, nếu chúng ta càng ăn nhiều đường một cách thường xuyên, cơ thể sẽ càng thèm đường hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa các loại thực phẩm thông thường được tiêu thụ và sở thích của bạn đối với loại thực phẩm đó.
Khi ăn nhiều đường thường xuyên sẽ càng kích thích cơn thèm đồ ngọt và gây nghiện đường. Nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ các loại thực phẩm chứa đường làm tăng mức hormone serotonin trong não. Đây là là một chất dẫn truyền thần kinh não giúp tăng cường cảm giác hạnh phúc của bạn.
2. Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang nghiện đường?
Theo ThS. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, đường chính là chất gây nghiện. Não bộ xem đường là "phần thưởng ngọt ngào" và không chối từ. Vì thế, nếu bạn thường xuyên ăn nhiều đường sẽ càng kích thích cơn thèm ngọt, lâu dần có thể trở thành một thói quen khó bỏ.
Một người được coi là nghiện đường khi họ thường xuyên ở trong tình trạng cực kỳ thèm ngọt và không thể kiểm soát bản thân mà tiêu thụ liên tục.
Các triệu chứng tiêu biểu khi nghiện đường bao gồm:
Thèm ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế như khoai tây chiên, bánh, kẹo…
Cơ thể mệt mỏi, uể oải.
Thèm ăn đồ ngọt sau bữa chính
Buồn rầu hoặc đau đầu khi cố cai nghiện đường…
Khi bạn đã quen với việc ăn đường thường xuyên và đột ngột dừng lại, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và thèm ăn, một số người có thể thay đổi tâm trạng và giấc ngủ.
Các biểu hiện này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần phụ thuộc vào việc bạn giảm lượng tiêu thụ nhanh như thế nào và cơ thể bạn thích nghi với việc ăn ít đường ra sao.
Cắt giảm đường quá nhanh có thể dẫn đến bồn chồn, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu… Có người có cảm giác thèm ăn mãnh liệt đồ ngọt hoặc thực phẩm giàu carbohydrate.
Đối với những người thực hiện chế độ ăn kiêng rất ít carb có thể dẫn tới trạng thái trao đổi chất gọi là ketosis. Nó xảy ra khi cơ thể bạn bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng do lượng đường trong máu (glucose) bị hạn chế.
Glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể bạn. Không có nó, cơ thể bạn bắt đầu sử dụng chất béo thay vì carbohydrate làm nhiên liệu. Các triệu chứng ketosis được mô tả giống như cảm giác bị cúm.
3. Mẹo cắt giảm đường an toàn
Khi bạn có dấu hiệu nghiện ăn đường bạn cần phải thực hiện mục tiêu cắt giảm tiêu thụ đường, đặc biệt là lượng đường bổ sung. Mặc dù việc cắt bỏ hoàn toàn đường bổ sung ra khỏi chế độ ăn uống là không thực tế, nhưng bạn vẫn có thể thay thế bằng cách ưu tiên sử dụng đường tự nhiên và hạn chế các thực phẩm chứa đường bổ sung.
Đường tự nhiên thường có trong các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc… Đường bổ sung là thành phần chính trong các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt… Đường bổ sung cũng thường được thêm vào thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn như: ngũ cốc ăn liền, các loại nước sốt, soda, nước trái cây đóng hộp, trà và cà phê hòa tan…
Bạn có thể cắt giảm tiêu thụ đường bổ sung bằng cách:
- Hạn chế tối đa sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường và đồ uống có đường như: các loại bánh, kẹo, mứt, si rô, nước ngọt có gas, nước trái cây đóng hộp, trà và cà phê hòa tan… Thay vào đó nên chọn ăn trái cây tươi, rau củ, nước lọc, nước tinh khiết đóng chai, uống trà và cà phê không thêm đường…
- Khi nấu nướng nên hạn chế thêm đường vào đồ ăn.
- Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường. Chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô.
- Chọn sữa không đường, sữa chua nguyên chất thay vì sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa có đường.
- Hạn chế ăn các loại đồ ăn nhanh vì ngoài gia vị và chất béo chúng cũng được thêm rất nhiều đường.
- Khi mua sản phẩm nên đọc kỹ nhãn hiệu và thành phần dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường bổ sung ít hơn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-nhieu-duong-co-gay-nghien-khong-169230503232920429.htm