Ấn tượng cuộc thi dệt thổ cẩm truyền thống

Trong khuôn khổ Lễ hội Trống đôi - cồng ba - chiêng năm diễn ra tại thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) năm 2025, lần đầu tiên xuất hiện nội dung thi dệt thổ cẩm truyền thống. Phần thi mới mẻ này đã tạo không khí tranh tài sôi nổi, hào hứng; đồng thời tạo cơ hội cho các nghệ nhân giao lưu, học hỏi và thể hiện được niềm đam mê đối với nghệ thuật dệt thổ cẩm.

Phụ nữ Ba Na hào hứng khoe tài dệt thổ cẩm. Ảnh: NGÔ XUÂN

Phụ nữ Ba Na hào hứng khoe tài dệt thổ cẩm. Ảnh: NGÔ XUÂN

Cơ hội khoe tài

Lần đầu tiên tham gia cuộc thi dệt thổ cẩm, chị So Thị Quý, thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh cho biết: Tôi chỉ vừa được truyền dạy nghề dệt thổ cẩm vài năm nay từ các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn. Vì là người mới, nên khi vừa bắt đầu cuộc thi, tôi khá hồi hộp và lo lắng. Về sau, khi được các nghệ nhân lớn tuổi cổ vũ, động viên, tôi dần quen và làm ngày càng tốt hơn. Tôi rất vui vì được thay mặt các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật dệt thổ cẩm của người dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại để nhiều người biết đến công việc độc đáo này. Đây là một trải nghiệm rất thú vị và hào hứng.

Mí Tư, nghệ nhân dệt thổ cẩm ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân cũng không khỏi hồi hộp, lo lắng khi so tài trong cuộc thi dệt thổ cẩm. Mí Tư cho biết: Tôi làm quen với nghề dệt thổ cẩm từ rất nhỏ, nhưng không dệt thường xuyên. Nhờ tham gia cuộc thi này, tôi được thể hiện niềm yêu thích với khung dệt. Đối với bản thân tôi cũng như rất nhiều người Ba Na ở xã Phú Mỡ, những hình ảnh, hoa văn được dệt trên tấm vải thổ cẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ, mà còn bày tỏ được tình yêu đối với thiên nhiên, núi rừng. Tôi rất vui vì được tranh tài với các nghệ nhân dệt thổ cẩm ở các địa phương khác.

Là người đại diện cho xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định tham gia cuộc thi, chị Sô Thị Khuê hào hứng cho biết: Nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời và là niềm tự hào của người dân tộc Ba Na tại Canh Hòa. Chúng tôi luôn tự hào vì đã sáng tạo được nhiều nét hoa văn rất riêng, rất đặc sắc và độc đáo. Tuy nhiên, người dân tộc Ba Na tại Canh Hòa chủ yếu dệt vải để sử dụng trong gia đình chứ chưa quen với việc làm thương mại. Do vậy, khi tham gia cuộc thi này, tôi rất hào hứng khoe tay nghề của mình. Đây cũng là dịp để chúng tôi được giao lưu, học hỏi về nghệ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người đồng bào Ba Na ở Phú Yên.

Theo UBND huyện Đồng Xuân, đối tượng được khuyến khích tham gia cuộc thi là các chị em mới được học nghề theo các chương trình truyền dạy, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của các địa phương. Hoạt động này sẽ là cơ hội cho họ được thể hiện niềm đam mê với dệt thổ cẩm truyền thống. Trong vòng 1 giờ, mặc dù không thể tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng thông qua cách lên khung dệt, thông qua những hoa văn, độ sắc nét, độ dài ngắn của sản phẩm, có thể đánh giá được tay nghề, đặc biệt là sự sáng tạo của chị em trong mỗi sản phẩm dự thi.

Các nghệ nhân giới thiệu về sản phẩm dệt thổ cẩm cho ban giám khảo. Ảnh: NGÔ XUÂN

Các nghệ nhân giới thiệu về sản phẩm dệt thổ cẩm cho ban giám khảo. Ảnh: NGÔ XUÂN

Giao lưu và học hỏi

Tại Lễ hội Trống đôi - cồng ba - chiêng năm thôn Xí Thoại, cuộc thi dệt thổ cẩm đã trở thành một điểm nhấn và nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nghệ nhân và người dân các địa phương. Bà La O Thị Tím, một nghệ nhân lớn tuổi ở thôn Xí Thoại, cho biết: Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách khuyến khích phôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các nghệ nhân của thôn Xí Thoại đã rất nỗ lực truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ. Rất nhiều người sau khi học nghề đã có thể tự tin dệt được các sản phẩm chất lượng cao, thậm chí có nguồn thu nhập ổn định từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Do vậy, cuộc thi này tạo cơ hội cho chị em được giao lưu, học hỏi với nghệ nhân của các địa phương khác; từ đó từng bước nâng cao tay nghề. Đây là điều rất nhiều nghệ nhân các thế hệ trước chưa có cơ hội thực hiện.

Cuộc thi dệt thổ cẩm được tổ chức với mong muốn quảng bá, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na. Đây cũng là nơi để các nghệ nhân được giới thiệu, quảng bá những sản phẩm thổ cẩm đặc sắc, phong phú của các địa phương; đồng thời tăng cường giao lưu học hỏi với nghệ nhân ở các làng nghề, các địa phương khác.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đồng Xuân

Chị Đoàn Thị Thu Thảo, cán bộ văn hóa xã hội xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nét văn hóa đặc sắc, mà còn là niềm tự hào của người đồng bào Ba Na trên địa bàn xã Canh Hòa. Những năm qua, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, chúng tôi cũng có nhiều nỗ lực truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho học sinh và các thế hệ trẻ trong làng nhằm duy trì nét văn hóa đặc sắc này. Là địa bàn giáp ranh, chúng tôi cũng được biết đến làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh của huyện Đồng Xuân. Do vậy, việc tham gia cuộc thi dệt thổ cẩm ở Xí Thoại là dịp để chúng tôi giao lưu, học hỏi về kỹ thuật cũng như tham khảo cách bảo tồn, tổ chức, duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na tại Phú Yên.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đồng Xuân cho biết: Ngay trong lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nghệ nhân thôn Xí Thoại nói riêng, và cộng đồng người đồng bào dân tộc Ba Na nói chung. “Những năm tiếp theo, địa phương sẽ tiếp tục duy trì hội thi dệt thổ cẩm; đồng thời sưu tầm thêm nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác để làm phong phú thêm Lễ hội Trống đôi - cồng ba - chiêng năm thôn Xí Thoại. Điều này cũng phù hợp với định hướng của huyện trong việc tăng cường quảng bá, giới thiệu làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với nghệ thuật trình diễn trống đôi - cồng ba - chiêng năm, một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân tộc Ba Na ở huyện Đồng Xuân”, ông Huỳnh Việt Hùng cho biết thêm.

NGÔ XUÂN - THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/dan-toc-mien-nui/202504/an-tuong-cuoc-thi-det-tho-cam-truyen-thong-22a0256/