Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 12
Bài 12: Xây dựng hậu phương vững mạnh, góp phần chi viện cho cách mạng miền nam giành thắng lợi
Cuối năm 1972, những thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam, Bắc đã buộc chính phủ Mỹ phải trở lại cuộc đàm phán tại Hội nghị Pari. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Chính phủ Mỹ tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, miền Bắc trở lại hòa bình, tiếp tục đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.
Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cấp bách hàng đầu là củng cố, giữ vững và phát triển hợp tác xã, tập trung sản xuất cây lương thực, chú trọng nghề rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 1974, sản lượng lương thực đạt 125.000 tấn, năm 1975 sản lượng lương thực tăng lên, đạt 135.350 tấn, vượt mức sản lượng lương thực cao nhất trước đó của năm 1964. Chăn nuôi luôn được quan tâm phát triển, tổng đàn trâu có 69.000 con, bò 53.300 con và 1,3 vạn con lợn. Ngành lâm nghiệp chú trọng công tác trồng cây, bảo vệ và khai thác rừng. Trong hai năm 1974 - 1975, các lâm trường quốc doanh trồng được 761 ha rừng. Chăm sóc 2.037 ha rừng, tu bổ 1.089 ha rừng.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước thực hiện hạch toán kinh doanh gắn với thị trường tiêu thụ. Hợp nhất một số xí nghiệp phù hợp với trình độ sản xuất và mạnh dạn giải thể những xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Tăng cường vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp mũi nhọn và phát huy các ngành nghề thủ công truyền thống. Năm 1973, ngành xây dựng và hoàn thành một số công trình phục vụ cho sản xuất như: Nhà máy điện Điêden tại thị xã Cao Bằng, Nhà máy Xi măng Nguyên Bình, Nhà máy Giấy Kim Đồng, Nhà máy Đường Phục Hòa. Giá trị sản lượng công nghiệp của địa phương năm 1975 tăng 26,6% so với năm 1974, chủ yếu là các mặt hàng điện, đường kính, giấy, xi măng. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp cung cấp lượng lớn hàng hóa tiêu dùng trong nhân dân và đóng góp nghĩa vụ ngân sách cho địa phương.

Nhà máy đường Phục Hòa được xây dựng từ năm 1973.
Lĩnh vực giao thông - vân tải, các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh được tiếp tục quan tâm sửa chữa, nâng cấp. Phong trào làm đường phát triển. Các huyện: Bảo Lạc, Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh làm đường đến các xã, thôn, bản và cải tạo, tu bổ một số đoạn đường cũ đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi hơn. Phương tiện giao thông được tăng cường hơn trước. Năm 1974, ngành giao thông vận chuyển được 314.988 lượt người, tăng 17% so với năm 1973. Năm 1975, vận chuyển được 200.080 tấn hàng và 4.680.000 lượt người, tăng vượt mức so với năm 1974. Giao thông vận tải phát triển tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa thuận lợi. Khối lượng cung ứng hàng hóa và thu mua của ngành thương nghiệp nhiều hơn những năm trước đây, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Năm 1975, ngành thu mua được 5.573 tấn lương thực quy thóc, 1.616 tấn thịt hơi và 1.335 con trâu, bò.
Về sự nghiệp văn hóa, xã hội, hệ thống giáo dục phổ thông tiếp tục được củng cố và phát triển đáng kể, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao. Năm học 1973 - 1974, so với năm học trước, học sinh cấp I tăng 57%, cấp II tăng 16%, cấp III tăng 33,87%. Năm học 1974 - 1975, số lượng học sinh đến trường tiếp tục tăng so với năm học trước và mở được trường bổ túc văn hóa cấp II, III tại thị xã Cao Bằng. Số trường, lớp và giáo viên cũng tăng lên qua các năm học.
Công tác y tế có nhiều cố gắng trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Năm 1974, đã có 95% dân số của tỉnh được tiêm phòng, mạng lưới y tế phát triển đến các xã biên giới. Các loại dịch bệnh bị dập tắt ngay khi vừa phát sinh. Hoạt động văn hóa, thể thao những năm 1973 - 1975 trở thành phong trào quần chúng trên khắp các địa bàn trong tỉnh, nhất là các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp. Những bài ca cách mạng đi cùng năm tháng vang lên hào hùng, tạo nên động lực to lớn, thôi thúc toàn dân hăng hái lao động, sản xuất, tất cả vì miền Nam, cho trận đánh cuối cùng.
Thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng”, với khí thế hừng hực ra quân, con em các dân tộc Cao Bằng nô nức tình nguyện, xung phong đăng ký nhập ngũ để được tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Năm 1973, cả hai đợt tuyển quân đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Năm 1975, tỉnh tuyển được 2.685 quân, đạt 100% kế hoạch và giao quân đúng thời gian quy định, tăng gấp hai lần so với năm 1974.
Trên chiến trường, bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh với khí thế dũng mãnh, thần tốc, quân giải phóng nhanh chóng triển khai thành 5 mũi tiến công trong thế trận chiến đấu liên hoàn như gọng kìm ngày càng khép chặt vào sào huyệt kẻ thù. Ngày 26/4/1975, trong đội hình bao vây toàn tuyến, 20 tiểu đoàn pháo binh Quân Giải phóng bắt đầu khai hỏa làm rung chuyển cả Sài Gòn. Các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam nhất loạt ra quân, nhanh chóng đánh chiếm các vị trí trọng yếu quân sự, làm bàn đạp tấn công vào Sài Gòn. Kể từ chiến dịch Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Nam đã trải qua 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường để đến ngày toàn thắng.
Ước nguyện giải phóng miền Nam của cả dân tộc đã trở thành hiện thực, đúng 11h30’ ngày 30/4/1975, tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng quân giải phóng, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân 1975. Cả nước mừng vui tột cùng trước sự kiện vô cùng trọng đại này; khắp nơi cờ, hoa rợp trời, âm vang tưng bừng khải hoàn ca chiến thắng. Từ đây, nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, dân chủ, tự do, Tổ quốc thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Suốt 21 năm, với tinh thần ”Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ”Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Cao Bằng cùng cả nước đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn anh hùng. Chỉ tính riêng 10 năm (1965 - 1975), đã có 26.862 thanh niên Cao Bằng nhập ngũ, xung phong vào Nam chiến đấu, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, trong đó có 1.494 thương binh và 5.548 liệt sĩ, 9 đồng chí được Nhà nước phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang Cao Bằng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Hồ Chí Minh. Mỗi thắng lợi trên chiến trường đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của nhân dân cả nước, trong đó có đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Hòa chung không khí rạo rực, hân hoan ngày hội toàn thắng của non sông, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng vô cùng phấn khởi, tự hào đã góp phần xứng đáng vào thành quả cách mạng vĩ đại của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.