Anh chuyển hướng chính sách sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Anne-Marie Trevelyan cho biết Chính phủ Anh tiếp tục coi khu vực này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, gắn liền với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương như đã đề ra trong bản cập nhật 'Đánh giá toàn diện về chính sách an ninh và đối ngoại' tháng 3/2023.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Anne-Marie Trevelyan trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Phong Hà/TTXVN

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Anne-Marie Trevelyan trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Phong Hà/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu tại cuộc hội thảo của Hải quân Anh do Hội đồng địa chiến lược tổ chức về việc phát triển lực lượng hải quân của nước này trong tình hình mới, bà Trevelyan đã nhấn mạnh đến chính sách của Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bà cho biết trọng tâm của chương trình nghị sự là giải quyết thách thức và góp phần bảo vệ an ninh hàng hải ở khu vực, nơi chiếm 2/3 lưu lượng thương mại hàng hải toàn cầu.

Bà Trevelyan cho biết thêm Anh sẽ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua vai trò là Đối tác Đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA), cũng như Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương và các cuộc đối thoại hàng hải song phương với Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Maldives, Philippines và Việt Nam. Anh cũng sẽ phối hợp với Mỹ giúp Australia phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).

Bà Trevelyan cũng đã thông báo về một số kế hoạch lớn của hải quân Anh ở khu vực như Anh, Mỹ và Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự ba bên thường xuyên, trong đó triển khai liên tục tàu chiến HMS Spey và HMS Tamar ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay CSG25 với tàu sân bay HMS Prince of Wales tới khu vực, trong đó có chuyến thăm cảng Nhật Bản vào năm 2025.

Tại hội thảo, bà Trevelyan đã kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, coi đây là khuôn khổ pháp lý có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở khu vực bằng cách đảm bảo tất cả các bên đều tuân thủ một bộ quy tắc được xây dựng và thống nhất.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Emma Salisbury, nghiên cứu viên tại Hội đồng Địa chiến lược và thành viên của Trung tâm Phát triển, Khái niệm và Học thuyết thuộc Bộ Quốc phòng Anh, cho biết chính quyền Anh sẽ tiếp tục góp phần giải quyết những thách thức địa chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Salisbury cho rằng do Anh đang gặp khó khăn trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm trong nhiều năm (hiện đang tăng trở lại), nước này cần phải phối hợp với các nước đồng minh và đối tác, tăng cường đối thoại và hợp tác với các nước cùng chí hướng ở khu vực nhằm góp phần bảo vệ trật tự quốc tế.

Theo Tiến sĩ Salisbury, đối với Anh, Việt Nam là một đối tác có quan hệ hữu nghị, thân thiện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà nước này xác định cần tiếp tục phát triển quan hệ sâu sắc hơn. Anh hy vọng sẽ có đối thoại thường xuyên và cởi mở với Việt Nam.

Phong Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-chuyen-huong-chinh-sach-sang-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-20240531192606204.htm