Anh đề xuất hạ độ tuổi cử tri xuống 16

Chính phủ Vương quốc Anh vừa công bố đề xuất cải cách bầu cử hôm 17.7, trong đó có nội dung hạ độ tuổi bỏ phiếu từ 18 xuống 16. Đây được xem là nỗ lực nhằm 'bảo vệ tương lai' của nền dân chủ, theo lời giới chức nước này.

Độ tuổi bỏ phiếu sẽ được hạ xuống 16 như một phần của kế hoạch "hiện đại hóa" nền dân chủ Anh. Ảnh: Getty Images

Độ tuổi bỏ phiếu sẽ được hạ xuống 16 như một phần của kế hoạch "hiện đại hóa" nền dân chủ Anh. Ảnh: Getty Images

Trao quyền cho giới trẻ

Nếu được thông qua, Anh sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép công dân từ 16 tuổi tham gia bỏ phiếu trong tất cả các cuộc bầu cử quốc gia.

Nếu được quốc hội thông qua, cải cách mới sẽ đưa các cuộc bầu cử toàn quốc ở Anh ngang bằng với quy định hiện hành tại Scotland, Wales và Quần đảo Channel, nơi cử tri từ 16 tuổi đã được phép bỏ phiếu trong một số cuộc bầu cử cấp địa phương và khu vực.

Phát biểu trước Hạ viện, bà Rushanara Ali, Thứ trưởng phụ trách chính quyền địa phương, nhấn mạnh: “Người trẻ xứng đáng được tham gia và có tiếng nói trong tương lai nền dân chủ của chúng ta”.

Bà Rushanara Ali cũng cho biết chính phủ hiện tại đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp nhằm củng cố nền dân chủ và đảm bảo tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử, đúng như nội dung đã nêu trong tuyên ngôn tranh cử.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Darren Hughes, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Cải cách Bầu cử, cho rằng hạ độ tuổi bỏ phiếu sẽ giúp nhiều người trẻ hơn tiếp cận quyền bầu cử khi họ vẫn còn ở trường và có thể được hỗ trợ thông qua giáo dục công dân.

“Sự tham gia là dấu hiệu quan trọng cho thấy sức khỏe của nền dân chủ. Nếu ít người bỏ phiếu, nền dân chủ sẽ yếu đi”, ông Darren Hughes nói.

Tranh cãi trong nội bộ nước Anh

Đề xuất hạ độ tuổi bầu cử xuống 16 tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội Anh.

Nhiều người ủng hộ cho rằng đây là một bước đi cần thiết để gắn kết người trẻ với đời sống dân chủ từ sớm, trong khi không ít ý kiến lo ngại rằng 16 tuổi là quá trẻ để có thể đưa ra những quyết định có trách nhiệm.

Thủ tướng Anh Keir Starmer nêu rõ những người 16 và 17 tuổi đã đủ tuổi nộp thuế và do đó họ nên có tiếng nói trong việc điều hành đất nước.

Tuy nhiên, trong phiên họp Hạ viện hôm 17.7, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ, ông Paul Holmes đã chỉ trích đề xuất trên. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao chính phủ lại nghĩ rằng một người 16 tuổi có thể bỏ phiếu, nhưng lại không được mua vé số, đồ uống có cồn, kết hôn, ra trận, hay thậm chí là tranh cử trong cuộc bầu cử mà các em đang tham gia?”

Bên cạnh việc hạ độ tuổi cử tri, gói cải cách cũng mở rộng tiêu chuẩn nhận dạng cử tri.

Theo đó, các loại giấy tờ tùy thân dạng kỹ thuật số sẽ được chấp nhận, bao gồm giấy phép lái xe, thẻ cựu chiến binh lực lượng vũ trang, và thẻ ngân hàng do các tổ chức tài chính tại Anh phát hành.

Năm 2008, Áo là quốc gia châu Âu đầu tiên hạ độ tuổi bầu cử xuống 16. Malta áp dụng thay đổi tương tự vào năm 2018. Tại Nam Mỹ, các nước như Brazil, Nicaragua, Ecuador và Argentina đã cho phép công dân 16 tuổi đi bầu từ nhiều năm nay.

Tuy vậy, trên toàn cầu, 18 tuổi vẫn là ngưỡng tuổi phổ biến nhất để được phép bỏ phiếu. Một số nước ở châu Á như Indonesia và Đông Timor quy định độ tuổi này là 17.

Trong khi đó, Singapore, Lebanon và Oman yêu cầu công dân phải đủ 21 tuổi mới được tham gia bầu cử.

KHÁNH MY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/anh-de-xuat-ha-do-tuoi-cu-tri-xuong-16-153539.html