Ánh sáng từ 'ban công của mẹ'

Từ tủ sách được gia đình truyền qua nhiều thế hệ, cùng mong muốn chia sẻ và cho đi, chị Nguyễn Thu Hương đã giữ gìn và phát triển thư viện sách miễn phí mang tên 'ban công của mẹ'.

Thư viện "ban công của mẹ" không chỉ phục vụ đọc sách tại chỗ mà cho mượn về miễn phí. Ảnh : Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Thư viện "ban công của mẹ" không chỉ phục vụ đọc sách tại chỗ mà cho mượn về miễn phí. Ảnh : Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Sách được chị Hương lưu giữ, chọn lọc và xếp ngay ngắn trên kệ. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Sách được chị Hương lưu giữ, chọn lọc và xếp ngay ngắn trên kệ. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Với hàng chục nghìn đầu sách từ tiếng Việt đến tiếng Anh, đủ các thể loại như khoa học, lịch sử, văn học…, thư viện sách này thu hút rất đông bạn nhỏ, gia đình đến đọc và mượn về.

Qua trò chuyện với chị Hương, chúng tôi được biết tên gọi “ban công của mẹ” cũng xuất phát từ gia đình, từ chính sự ủng hộ của mẹ chị Hương khi mở mô hình thư viện tư nhân tại nhà, ngay bên ban công của phòng khách của gia đình chị ở phố Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Chị Hương chia sẻ: “Ban công của mẹ” là nơi mình xây dựng cho các con mình thư viện gia đình để cùng đọc sách và học cách chia sẻ với các bạn nhỏ khác. "Mẹ" ở đây vừa có ý nghĩa là mẹ của mình, vừa mang ý nghĩa mình là mẹ của các con. Và, cái tên gắn với “mẹ” với mong muốn tạo cho bất cứ ai nghe thấy, nhất là những ai đã đến đây cảm giác thân thương, quen thuộc như luôn có mẹ cạnh bên”.

Thư viện sách "Ban công của mẹ" được ấp ủ từ năm 2019, đến bắt đầu hè năm 2023 hoạt động hiệu quả cho đến nay. Thư viện mở cửa 7 giờ đến 21 giờ các ngày trong tuần, với 2 tầng đọc sách mở rộng rãi và thoải mái, gồm tầng 1 chủ yếu là các đầu sách tiếng Anh, và tầng 2 là các đầu sách tiếng Việt, do chị Hương chọn lọc và xếp ngay ngắn trên kệ. Có những cuốn sách cũ được chị Hương lưu giữ từ thời ông cha, có những cuốn mới chị mua để đọc, cho các con đọc và học.

Bé Trần Khánh An (7 tuổi) lần đầu đến thư viện tỏ ra choáng ngợp trước các kệ sách trong thư viện này. “Thư viện sách này không chỉ nhiều sách tiếng Việt mà còn rất nhiều sách tiếng Anh với hình vẽ miêu tả sinh động nên con rất thích. Dù nhà ở xa nhưng con sẽ cố gắng học thật tốt để cuối tuần được mẹ thưởng đưa đến đây đọc sách. Con cũng sẽ rủ các bạn đi cùng nữa”, bé An hào hứng nói.

Thư viện mở cửa 7 giờ đến 21 giờ các ngày trong tuần, với 2 tầng đọc sách mở rộng rãi và thoải mái. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Thư viện mở cửa 7 giờ đến 21 giờ các ngày trong tuần, với 2 tầng đọc sách mở rộng rãi và thoải mái. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Bế Trần Khánh An chọn sách tại thư viện "Ban công của mẹ". Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Bế Trần Khánh An chọn sách tại thư viện "Ban công của mẹ". Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Tại thư viện sách "Ban công của mẹ", mọi người có thể đọc sách tại chỗ và mượn về miễn phí. “Nếu như ở hầu hết thư viện khác, mình chỉ mượn được tối đa 6 quyển sách mỗi lần cho 2 bạn nhỏ trong 1 tháng. Hết 1 tháng này phải mang sách đến tận nơi trả và mượn tiếp, thì ở thư viện Ban công của mẹ, mình có thể mượn hơn 40 quyển sách mỗi lần. Sách ở đây đa dạng và được giữ gìn nên rất mới, đẹp. Thậm chí mình có thể nhắn tin nhờ chị Hương hỗ trợ chọn sách và đặt ship để nhận và trả sách tại nhà”, chị Lê Hồng Phương, một bạn thân thiết của thư viện chia sẻ.

Chẳng vậy mà, hàng trăm gia đình ở xa thường xuyên đăng ký mượn và đổi sách tại thư viện "Ban công của mẹ". Hiện trang facebook “Ban công của mẹ” của thư viện này cũng có hơn 5 nghìn lượt thích và 6 nghìn lượt người theo dõi. Trên trang facebook, chị Hương cũng chia sẻ rất nhiều cuốn sách hay, câu chuyện thú vị, bài học cuộc sống…, giúp truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong mỗi gia đình và cho mỗi cá nhân.

Không gian đọc sách tầng 2 bên cạnh ban công là nơi bắt đầu ý tưởng thành lập thư viện sách của chị Nguyễn Thu Hương. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Không gian đọc sách tầng 2 bên cạnh ban công là nơi bắt đầu ý tưởng thành lập thư viện sách của chị Nguyễn Thu Hương. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Thư viện mở cửa 7 giờ đến 21 giờ các ngày trong tuần, với 2 tầng đọc sách mở rộng rãi và thoải mái. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Thư viện mở cửa 7 giờ đến 21 giờ các ngày trong tuần, với 2 tầng đọc sách mở rộng rãi và thoải mái. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Lúc này, thư viện sách "Ban công của mẹ" cũng chính là bài học thực tế về sự “chia sẻ là hạnh phúc”, “cho đi là còn mãi” và thông điệp sâu sắc về việc bảo vệ môi trường. “Nhiều quyển sách đã đọc xong rồi, để mãi trên tủ rất lãng phí trong khi nhiều người phải mua để đọc. Thư viện này ra đời vừa để cho mọi người có thể đến để đọc sách, trao đổi sách miễn phí, vừa tăng vòng đời của những cuốn sách, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Giá trị đọc lúc này sẽ nhận lên rất nhiều lần”, chị Hương thổ lộ.

Sách là kho tàng tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Sách là người thầy dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Sách là người bạn gần gũi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống bộn bề, đôi lúc chúng ta quên đi việc đọc sách và rồi thư viện sách "Ban công của mẹ" lại là sợi dây kết nối nhu cầu thiết yếu này của mỗi người, lan tỏa tình yêu sách đến nhiều thế hệ.

Không chỉ mang đến không gian đọc các bạn nhỏ, thư viện này còn là nơi bố mẹ khi đưa con đọc sách đến có thể giao lưu, trò chuyện cũng như chia sẻ về cách nuôi dạy con, về sở thích và thói quen đọc sách của các bạn nhỏ. Đó cũng là cách để các bố mẹ tìm hiểu và biết thêm về các bạn nhỏ, gắn kết tình cảm gia đình, giữa bố mẹ và con cái.

Vậy là khi không khí nhộn nhịp, hối hả của ngày Tết đã ngập tràn ngoài kia, những bạn nhỏ trong này vẫn say mê bên cuốn sách, như những ánh sáng thắp lên từ “ban công của mẹ”, vô cùng ấm áp và đong đầy yêu thương. Để từ đây tiếp tục hành trình nuôi dưỡng tâm hồn và tri thức cho các bạn nhỏ của chị Nguyễn Thu Hương cùng thư viện sách miễn phí này.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/anh-sang-tu-ban-cong-cua-me/361166.html