Những điều thú vị về trống đồng Ngọc Lũ
Đây là chiếc trống có hoa văn đẹp nhất so với tất cả những chiếc trống thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Trống đồng Ngọc Lũ có đường kính bề mặt 79,3 cm; đường kính chân 80 cm; cao 63 cm, nặng 86 kg, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đây là chiếc trống có hoa văn đẹp nhất so với tất cả những chiếc trống thuộc nền văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.000 - 2.500 năm trước.
Nguồn gốc từ Như Trác
Tên trống được gọi theo tên làng Ngọc Lũ, nơi người Pháp phát hiện ra chiếc trống này. Làng Ngọc Lũ còn có tên nôm là làng Chủ, trước năm 1945 gọi là "xã Ngọc Lũ" (xã chỉ có một làng), nằm cạnh bờ sông Châu Giang, thuộc tổng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Tên tuổi trống đồng Ngọc Lũ được các nhà nghiên cứu người Việt và người Pháp biết đến từ năm 1902 và vang danh thế giới vào nửa sau thế kỷ 20. Thế nhưng, xuất xứ của trống đồng Ngọc Lũ không phải ở làng Ngọc Lũ, mà là từ làng Như Trác quê tôi.
Làng Như Trác nằm bên bờ hữu ngạn sông Hồng. Thời Nguyễn, làng Như Trác được gọi là "xã Như Trác", thuộc tổng Thổ Ốc, huyện Nam Xương (sau đổi là huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Đê sông Hồng phía Hà Nam thời Nguyễn nhiều lần bị vỡ, gây lụt lội, dân tình vô cùng khổ sở. Người dân Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) giỏi nghề đào đất, nên được huy động đi đào đất đắp đê ở làng Như Trác. Theo lời kể của cụ Nguyễn Đăng Lập (nay đã mất), khoảng năm 1893, trong khi đào đất ở bãi cát bồi, một số người thợ làng Ngọc Lũ thấy ở dưới độ sâu 2 m lộ ra một trống đồng còn nguyên vẹn. Họ bí mật khiêng trống đồng băng qua sông Châu Giang về cúng vào đình làng Ngọc Lũ.
Khoảng năm 1901, một họa sĩ người Pháp đến vẽ phong cảnh tại đình Ngọc Lũ, thấy trống quý, liền báo cho quan Công sứ tỉnh Hà Nam. Chiếc trống đồng được đem tham dự cuộc đấu xảo ở Hà Nội ngày 15-11-1902. Viện Viễn Đông Bác cổ mua lại chiếc trống này với giá 550 đồng vào tháng 4-1903, lưu giữ ở Bảo tàng Louis Finot (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Năm 1958, bảo vật quốc gia trống đồng Ngọc Lũ được giao lại cho nhà nước Việt Nam.
Nguồn gốc của trống đồng Ngọc Lũ được cụ Biệt Lam Trần Huy Bá công bố vào năm 1965. Cụ Trần Huy Bá (quê ở thôn Nãi Văn, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục) là nhà khảo cổ học Việt Nam thế hệ đầu tiên. Trước năm 1945, cụ từng làm việc ở Viện Viễn Đông Bác cổ, là cộng tác viên đắc lực giúp các nhà sử học, khảo cổ học người Pháp nghiên cứu về Việt Nam. Thông tin về nguồn gốc trống đồng Ngọc Lũ được cụ đăng trong Nội san Quản lý văn vật (của Vụ Bảo tồn bảo tàng Việt Nam) ra tháng 12-1965.
Đã có hàng trăm công trình nghiên cứu về giá trị trống đồng Ngọc Lũ nên chúng tôi chỉ dẫn thêm lời nhà khảo cổ học quá cố Phạm Huy Thông: "Chẳng chút quá táo bạo khi từ vị trí của những người kế thừa văn minh trống đồng, chúng ta không tự ti trước những kẻ thừa hưởng văn minh kim tự tháp sông Nile, văn minh đỉnh vạc Ân Chu, hoặc nữa, văn minh thành cao Athinai, tượng đá Aphrodite". ("Trống đồng" - Phạm Huy Thông).
Trống đồng Ngọc Lũ được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 1 (Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1-10-2012).
Nhiều phiên bản
Nghề đúc trống đồng của người Việt cổ đã thất truyền từ lâu. Đầu năm 1975, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ngũ Xá (Hà Nội) đúc thành công phiên bản trống đồng Ngọc Lũ. Gọi là thành công, nhưng chất lượng còn thua xa nguyên bản. Tuy vậy, việc làm này đã khơi gợi các làng nghề trong cả nước mày mò nghiên cứu khôi phục lại nghề đúc trống đồng. Nhiều chiếc trống đồng được ra đời theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ nhưng chưa có chiếc nào đạt được chất lượng về kỹ thuật và mỹ thuật như trống đồng nguyên bản.
Hiện nay, tỉnh Hà Nam có 2 phiên bản trống đồng Ngọc Lũ. Một chiếc được giữ ở đình làng Ngọc Lũ (nơi phát hiện ra chiếc trống nguyên bản), một chiếc được trưng bày ở bảo tàng tỉnh. Hà Nam là cái nôi của người Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ, nên ngoài trống đồng Ngọc Lũ, tỉnh đã khai quật và lưu giữ được 21 chiếc trống đồng cùng niên đại với nền văn hóa Đông Sơn.
Một phiên bản nữa của trống đồng Ngọc Lũ theo tỉ lệ 1/1 được bày ở trụ sở Liên hợp quốc. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc (1945-1995), dẫn đầu đoàn Việt Nam sang Mỹ dự lễ là Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Chiều 25-10-1995, trước sự chứng kiến của đại diện các nước thành viên, Chủ tịch nước Lê Đức Anh chính thức trao phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Boutros B. Ghali. Chiếc trống đồng Ngọc Lũ phiên bản này được đặt ngay lối ra vào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoài các nghệ nhân đúc đồng ở Ngũ Xá (Hà Nội), các ông Thiều Quang Tùng (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), ông Nguyễn Bá Châu (làng Chè - Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là những nghệ nhân chế đồ đồng gia truyền, đã thành công phục chế trống đồng. Riêng ông Nguyễn Bá Châu đã có hơn 40 năm tuổi nghề, trải qua nhiều thất bại, vào năm 2000, đã đúc thành công phiên bản các hoa văn trống đồng Ngọc Lũ nhưng kích thước lớn gấp 3 lần - đường kính bề mặt 2,35 m, cao 1,87 m, nặng gần 4 tấn, tổng chi phí hết gần 2 tỉ đồng. Năm 2018, chiếc trống này đã được cấp chứng nhận kỷ lục "Phiên bản trống đồng Ngọc Lũ bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất Việt Nam". Hiện chiếc trống này được ông Châu bày tại tư gia để khách thập phương đến tham quan, nhằm vinh danh nghề truyền thống của gia đình và vinh danh nền văn hóa Đông Sơn của dân tộc.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-dieu-thu-vi-ve-trong-dong-ngoc-lu-196250114103819124.htm