Anh thông báo quỹ 200 triệu bảng đầu tư vào cầu cảng hậu Brexit
Anh đã chính thức rời EU từ tháng 1, với một quá trình chuyển tiếp kéo dài đến hết tháng 12 tới nhằm giảm bớt tác động của cuộc 'ly hôn' này.
Chính phủ Anh ngày 2/10 thông báo quỹ 200 triệu bảng Anh (250 triệu USD) để xây dựng hạ tầng cảng biển mới, trong một nỗ lực tăng cường chuẩn bị cho thời điểm Anh rời liên minh hải quan chung của Liên minh châu Âu (EU).
Anh đã chính thức rời EU từ tháng 1, với một quá trình chuyển tiếp kéo dài đến hết tháng 12 tới nhằm giảm bớt tác động của cuộc "ly hôn" này. Cả hai bên hiện đang bế tắc trong các cuộc đàm phán khó khăn nhằm đạt một thỏa thuận về quan hệ tương lai sau thời kỳ chuyển tiếp.
Ngày 1/10, EU đã khởi động thủ tục pháp lý chống lại Vương quốc Anh liên quan đến dự luật gây tranh cãi của nước này nhằm thay thế các điều khoản quy định trong Thỏa thuận rút lui.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Anh cho biết: "Hôm nay, chính phủ sẽ tăng cường công tác chuẩn bị cho thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp bằng việc khởi động một quỹ trị giá 200 triệu bảng đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tẩng cảng biển mới".
Các cảng biển có không gian để xây dựng hạ tầng mới, bao gồm kho bãi, các trạm kiểm soát, và hệ thống quản lý giao thông cũng sẽ được mời đăng ký nhận quỹ đầu tư này.
Chánh Văn phòng nội các Anh Michael Gove cho biết: "Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc giải đoạn chuyển tiếp, các doanh nghiệp cần chuẩn bị ngày từ bây giờ cho các thủ tục mới sẽ được áp dụng dù có đạt thỏa thuận thương mại với EU hay không, để chúng ta có thể nắm bắt các cơ hội lớn phía trước". Ông khẳng định việc khởi động quỹ trên sẽ giúp thực hiện điều này.
Vòng đàm phán thương mại thứ 9 và cũng là cuối cùng đã bắt đầu từ ngày 29/9. Trong 4 ngày, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những vướng mắc chính còn tồn tại như cạnh tranh công bằng hay đánh bắt cá. Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost cũng sẽ theo sát các cuộc thảo luận về những chủ đề khác như thương mại hàng hóa và dịch vụ, năng lượng và hợp tác tư pháp.
Dù có đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại và các biện pháp áp đặt tại biên giới cũng sẽ thay đổi đáng kể. Không có thỏa thuận thì các hoạt động thương mại sẽ được thực hiện theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với việc nhiều loại thuế mới sẽ đặt ra sức ép lớn đối với hạ tầng cảng biển./.