Áo dài Việt Nam và góc nhìn phương xa

Khi mặc chiếc áo dài Việt Nam, nhiều khách nước ngoài không chỉ thích thú mà còn cảm nhận: Áo dài chính là biểu tượng sức mạnh đoàn kết văn hóa dân tộc và bản sắc rất riêng của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Ông Dang Vu - một du khách Mỹ nói với tôi: “Tôi và gia đình thường mặc áo dài truyền thống Việt Nam trong các buổi ngoại giao, đàm phán công việc cũng như giao lưu bạn bè. Nhiều đối tác, bạn bè của tôi rất thích chiếc áo dài Việt khiến tôi rất tự hào. Chỉ cần mặc chiếc áo dài là tôi có cảm giác đang chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt. Thật đáng tự hào khi Việt Nam có một di sản văn hóa áo dài rất uyển chuyển mà lại rất trang trọng, hiện đại”.

Đoàn khách Hồng Kông trải nghiệm mặc áo dài

Đoàn khách Hồng Kông trải nghiệm mặc áo dài

Mới đây, trong chuyến tham quan triển lãm văn hóa Việt Nam tại Đài Loan, tôi thật bất ngờ khi thấy tại triển lãm đã tái hiện một bức tranh khá đầy đủ về lịch sử và văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là từ thời triều Nguyễn với những mô hình trải nghiệm, góc tìm hiểu về văn hóa dân tộc cùng những hiện vật cổ xưa được lưu giữ với lời chú giải rõ ràng. Trong đó, ấn tượng nhất là gian hàng với chiếc áo dài ngũ thân được giới thiệu là trang phục truyền thống của người Kinh.

Sở dĩ áo dài ngũ thân có tên gọi như vậy là vì loại trang phục này được ghép bởi 5 thân (5 vạt) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất. Áo dài ngũ thân được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và hoàn thiện chiếc áo dài Việt Nam ở xứ Đàng Trong (để phân biệt với trang phục của những khách trú người Trung Hoa).

Chiếc áo dài ngũ thân chịu ảnh hưởng chung của tư tưởng Nho giáo: Tam cương ngũ thường đối với nam giới; Tam tòng, tứ đức với phụ nữ đã trở thành nền tảng đạo đức xã hội và luân lý. Áo dài có ngũ (năm) thân, tượng trưng phụ mẫu hai bên và chính người mang áo. Năm hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường: Nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, cho thấy người mang áo tôn trọng nghi lễ làm người trong xã hội.

Áo dài ngũ thân nữ có những bước phát triển rực rỡ sau cuộc cách tân của họa sĩ Cát Tường nhưng áo nam gần như biến mất khỏi sinh hoạt thường nhật kể từ sau năm 1945.

Mới đây, một đoàn du khách Hong Kong 29 người, đã thuê áo dài Năm Tuyền để trải nghiệm và mặc trong suốt những ngày du lịch tại Việt Nam. Họ chụp rất nhiều hình kỷ niệm tại các di tích và điểm du lịch tại TP.HCM. Sau khi chia sẻ những tấm ảnh mặc áo dài lên facebook, một vài người trong đoàn khách này đã hồ hởi khoe với tôi: “Bạn bè tôi xem hình, ai cũng ngạc nhiên và không thể ngờ, áo dài truyền thống của các bạn không chỉ đẹp, nền nã mà lại sử dụng được trong mọi hoàn cảnh của chuyến đi”. Và dĩ nhiên, một điều tự hào đi kèm chiếc áo dài mà những du khách này cho biết thêm, đó là những lời khen về thắng cảnh, các điểm di tích văn hóa, lịch sử của TP.HCM, nơi du khách đã check in chụp ảnh cùng chiếc áo dài Việt.

Không chỉ với du khách, hiện nay rất nhiều doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là nam doanh nhân cũng thích mặc áo dài thường xuyên hơn. Có nhiều doanh nhân nam không chỉ mặc trong dịp Lễ, Tết, họ còn mặc trong các sự kiện trọng đại của gia đình và công ty như kỷ niệm ngày thành lập, ksy kết hợp tác, đám cưới con cháu, đón tiếp đối tác bạn bè quốc tế…

Hơn 5 năm gần đây, phong trào mặc cổ phục, trong đó có áo dài ngũ thân, đã rộ lên, từ các bạn trẻ cũng như từ định hướng của Nhà nước như đề án Huế - Kinh đô áo dài của anh Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã được trình lên Quốc hội.

Từ cuộc trò chuyện với anh Hải, tôi bắt tay vào nghiên cứu áo dài ngũ thân nam và xác định rõ, làm áo dài ngũ thân là làm một sản phẩm văn hóa chứ không đơn thuần may mặc hay kinh doanh.

Đã có nhiều hội thảo, nhiều ý kiến đề cập việc đẩy mạnh quảng bá nhằm lan tỏa chiếc áo ngũ thân nói chung và áo ngũ thân nam nói riêng. Điều đó không sai nhưng cốt lõi, cần giải quyết được vấn đề: Mặc áo ngũ thân phải thích, phải thoải mái. Thứ đến, giá thành phải chấp nhận được. Nếu không bảo đảm được những yếu tố trên thì có khuyến khích, kêu gọi kiểu gì, áo vẫn nằm trên giấy.

Điều quan trọng nữa là người thiết kế phải đóng vai trò định hướng người mặc. Một khi đã tìm hiểu cặn kẽ về chiếc áo dài thì sáng tạo mới không bị mất gốc. Sáng tạo, cách tân áo dài phải dựa trên yếu tố cốt lõi. Nếu sáng tạo quá mức và không còn gì của áo dài lại nhân danh áo dài thì e là chưa phù hợp.

Cuối cùng, ngành thời trang chỉ phát triển với điều kiện gắn với công xưởng vì chỉ có công xưởng mới sản xuất ra sản phẩm cho công chúng mặc, gắn liền với thực tế. Nếu thời trang gắn liền với show diễn thì nó chỉ dừng ở đam mê và sản xuất nhỏ lẻ. Điều này rất khác ở các nước có ngành công nghiệp thời trang phát triển. Ngày nay, các thiết kế của một số thương hiệu cũng tiệm cận với việc biểu diễn và bán hàng. Tuy nhiên, về quy trình, công nghệ may mặc, các nước đã đi trước ta nhiều năm. Đã đến lúc cần ngồi lại, quy hoạch từng bước để đẩy mạnh, phát triển. Nếu tiếp tục bỏ lỡ, ta đang lãng phí nhiều sáng tạo, chất xám; về lâu dài sẽ bị bỏ lại phía sau.

(*) Sáng lập thương hiệu Áo dài Năm Tuyền

Phạm Văn Tuyền

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ao-dai-viet-nam-va-goc-nhin-phuong-xa-315863.html