Áp dụng công nghệ tại Bảo tàng Báo chí

Nhờ áp dụng công nghệ số, khách tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thể chiêm ngưỡng 35.000 hiện vật và tiếp cận những câu chuyện nghề nghiệp của các thế hệ nhà báo lão thành, thông qua những cú chạm tay.

Nhờ công nghệ số, khách tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thể chiêm ngưỡng 35.000 hiện vật và tiếp cận những câu chuyện nghề nghiệp của các thế hệ nhà báo lão thành, thông qua những cú chạm tay.

Nằm tại tòa nhà của Hội Nhà báo Việt Nam trên đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội), Bảo tàng Báo chí Việt Nam có diện tích trưng bày gần 1.500m2 , được trang bị khá hiện đại trên 2 không gian chính, mỗi không gian trưng bày lại được đặt các màn hình chạm tương ứng để khách tham quan tra cứu. Các màn hình này có đăng tải các trang báo, câu chuyện, hình ảnh và phim liên quan đến báo chí Việt Nam phù hợp với các giai đoạn.

Với dung lượng lên tới 2TB và kết nối trực tuyến với máy chủ, các màn hình này giúp khách tham quan có thể tiếp cận lượng thông tin phong phú và cán bộ bảo tàng có thể dễ dàng đăng nhập để quản lý, cập nhật số hóa trưng bày liên tục ở bất kỳ đâu.

Bục kim cương tại gian trưng bày báo chí 1865 - 1925.

Bục kim cương tại gian trưng bày báo chí 1865 - 1925.

Bước vào bảo tàng, ngay tại gian khánh tiết và không gian trưng bày Báo chí Việt Nam các giai đoạn từ 1865 - 1975, khách tham quan được trải nghiệm với 14 màn hình cảm ứng; có thể tra cứu thông tin liên quan đến hiện vật được trưng bày và có loa định hướng âm thanh. Bước lên tầng 2, không gian trưng bày Báo chí Việt Nam từ 1975 đến nay, bảo tàng bố trí 58 màn hình chạm và trình chiếu. Khách tham quan có thể trải nghiệm hoạt động tra cứu, tìm hiểu về hoạt động báo chí tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam, tìm hiểu về 5 cơ quan báo chí lớn trong nước và 3 chủ đề báo chí chủ yếu. Đây là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí, khu tra cứu, phòng tổ chức sự kiện và vách tưởng niệm liệt sỹ.

“Việc đưa các màn hình tra cứu số hóa đã giúp bảo tàng đăng tải lượng thông tin phong phú trong điều kiện diện tích trưng bày còn khiêm tốn, đặc biệt là không gian báo chí 63 tỉnh, thành nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan”, Giám đốc Bảo tàng, nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho biết.
Nói về điểm đặc biệt của bảo tàng là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ: Là bảo tàng chuyên ngành báo chí - lĩnh vực đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác và thường xuyên đổi mới công nghệ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chủ trương tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong một hệ thống đồng bộ xuyên suốt từ việc sưu tầm, quản lý tài liệu hiện vật, đến công tác số hóa trưng bày bảo tàng tích hợp công nghệ quản lý trưng bày trực tuyến, công tác truyền thông thông qua các thiết bị công nghệ đa phương tiện.

Các phóng viên tác nghiệp tại Bảo tàng Báo chí.

Các phóng viên tác nghiệp tại Bảo tàng Báo chí.

Với phương pháp trưng bày số hóa, người tham quan bảo tàng chỉ cần chạm tay là được tiếp cận trực tiếp với các âm thanh, hình ảnh, thước phim, các chân dung nhà báo và những câu chuyện báo chí, khiến hiện vật trở nên hấp dẫn, sống động.

Hiện nay, kho cơ sở của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật quý hiếm. Trong đó, có rất nhiều hiện vật do các cán bộ bảo tàng lặn lội khắp 3 miền tìm kiếm được, và cũng có những hiện vật được các nhà báo, thân nhân nhà báo chủ động tìm đến Hội Nhà báo Việt Nam để hiến tặng, mỗi hiện vật lại là một câu chuyện nghề xúc động của người cầm bút.

Khi biết tin bảo tàng sắp được thành lập, nhà báo Việt Tùng đã mang đến tặng bảo tàng bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đánh máy chữ ở chiến khu Việt Bắc năm 1950. Đây là tấm ảnh độc bản, phía sau còn có bút tích và chữ ký của Bác. Một ngày khác, một kỹ sư âm thanh của tháp Eiffel, nguyên Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp mang từ Pháp về một chiếc máy chữ - hiện vật đồng thời với chiếc máy chữ Bác Hồ sử dụng những năm ở chiến khu Việt Bắc. Do biết Bảo tàng Báo chí Việt Nam sắp được thành lập, ông đã quyết định sưu tầm một máy chữ gần giống máy chữ mà Bác Hồ đã dùng để đem về tặng bảo tàng. “Đó là một hiện vật đồng thời rất ý nghĩa, giúp chúng ta hình dung vật dụng thân thiết gắn với hoạt động báo chí sôi nổi của nhà báo Nguyễn Ái Quốc thời trẻ tại Thủ đô nước Pháp”, nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho hay.

Nhiều hiện vận được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí.

Nhiều hiện vận được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí.

Trong hai năm (2013 - 2014), gia đình nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã hiến tặng nhiều kỷ vật cho Bảo tàng Báo chí, trong đó phải kể đến bộ bàn ghế mây ông sử dụng khi còn công tác, các cuốn sổ ghi chép và nhiều tư liệu báo chí khác. Tại một góc nhỏ của bảo tàng cũng trưng bày tấm bản đồ vẽ Sài Gòn của ông Nguyễn Thanh Bền, phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng. Khi công tác ở chiến khu tại Tây Ninh, ông Thanh Bền luôn nhớ về Sài Gòn và mong đến ngày giải phóng. Tấm bản đồ này nằm trong tư trang của ông cho đến năm 2015, khi cán bộ bảo tàng vào khai thác tư liệu thì ông đã tặng lại. Nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính cũng tặng bảo tàng một thùng đại liên và một bát sắt dùng để đựng phim ảnh và pha hóa chất để rửa phim ảnh khi ông làm nhiệm vụ tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Một kỷ vật đặc biệt nữa đang lưu giữ tại bảo tàng chính là bức ảnh ngày khai giảng và cuốn sổ lưu niệm ngày ra trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường được hình thành năm 1949, chỉ học trong 3 tháng với 42 học viên từ khắp các vùng miền, một ngôi trường giữa rừng xanh, nhà tranh mái nứa. Nơi đây đã quy tụ các giảng viên cũng như học viên nổi tiếng như bác Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng… Bác Hồ đã 2 lần gửi thư cho trường, trao đổi về nghề và dặn dò thầy trò nơi đây.

Không ít khách đến tham quan bảo tàng hiện nay đã rất bất ngờ trước gian trưng bày 30/38 số báo Le Paria (Người cùng khổ) mà nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm, kiêm chủ bút trong những năm tháng Người hoạt động cách mạng tại Pháp. Trong đó, có số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922 và số cuối cùng (số 38) xuất bản 1/4/1926.

Gian trưng bày báo Le Paria (Người cùng khổ).

Gian trưng bày báo Le Paria (Người cùng khổ).

Là một tờ báo xuất bản ở Pháp từ 1 thế kỷ trước, lại chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp thời đó nên việc tìm lại những tư liệu này là một trong những công đoạn vất vả nhất vì tài liệu, hiện vật về báo Le Paria rất ít. Do đó, việc tìm kiếm tài liệu về những tờ báo này không hề đơn giản. Các cán bộ bảo tàng đã phải gửi thư trao đổi với một số cơ quan lưu trữ ở Pháp như Thư viện quốc gia, Trung tâm lưu trữ quốc gia và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng nghiệp từ châu Âu, trong đó Thư viện quốc gia Pháp cung cấp 25 số báo. Tuy nhiên, qua liên hệ và tra cứu thì các cơ quan này không có tờ báo phát hành đầu tiên.

Sau đó, với sự giúp đỡ của cơ quan bạn, một bản số hóa chất lượng cao của Le Paria số đầu tiên này đã được chuyên gia người Pháp trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đáng nói, toàn bộ 30 số báo này đều được sưu tầm, tìm kiếm trong giai đoạn dịch COVID-19, điều này cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ bảo tàng.

Các gian trưng bày báo chí.

Các gian trưng bày báo chí.

Năm 2022, bảo tàng đã tổ chức trưng bày ấn tượng tại Hội báo toàn quốc và trên đường phố TP Hồ Chí Minh về sự kiện báo Le Paria nhân 100 năm thành lập, phát hành số đầu tiên. Điều đó giúp cho công chúng hiểu hơn về nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hiểu hơn về một bộ phận báo chí của Việt Nam ở nước ngoài trong những giai đoạn mà đất nước ta đang hướng tới độc lập dân tộc.
Mặc dù mở cửa trong bối cảnh nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19, những năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đón trên 37.000 lượt khách tham quan, trong đó có hàng nghìn lượt khách quốc tế. Bảo tàng đã tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa nhằm giới thiệu và phát huy giá trị di sản báo chí các thời kỳ được công luận, công chúng đón nhận và đánh giá cao.

“Rõ ràng lịch sử với nhiều rất nhiều cánh cửa, rất nhiều những giai đoạn khác nhau, sẽ còn có nhiều hiện vật, nhiều câu chuyện hay cần được đưa đến công chúng. Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ không chỉ là kể câu chuyện lịch sử mà tiếp tục kể câu chuyện về báo chí đương đại và những người làm báo hôm nay. Bởi hôm nay rồi sẽ trở thành lịch sử. Và lao động, nỗ lực của những người làm công tác bảo tàng sẽ góp phần viết nên những trang sử nghề báo một cách sống động và chân thực nhất thông qua những hiện vật gốc, những tư liệu báo chí “biết nói” và những tấm gương cống hiến, hy sinh không mệt mỏi của các thế hệ người làm báo cách mạng Việt Nam chúng ta”, nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đón rất nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đón rất nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế.

Bài: Thu Trang
Ảnh: Thu Trang, Bảo tàng Báo chí
Trình bày: Nguyễn Hà

21/06/2024 05:00

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/ap-dung-cong-nghe-tai-bao-tang-bao-chi-20240620101405616.htm