Áp dụng thành công kỹ thuật dung hòa miễn dịch trong ghép bất đồng nhóm máu tại Việt Nam
Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ghép tế bào gốc đồng loài bất đồng nhóm máu bằng kỹ thuật dung hòa miễn dịch, mở ra bước tiến mới trong điều trị bệnh huyết học trẻ em tại Việt Nam.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép.
Ngày 21/7, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ xuất viện cho 4 bệnh nhi đặc biệt, đánh dấu bước tiến quan trọng trong điều trị các bệnh lý huyết học ở trẻ em. Đáng chú ý có 2 trường hợp ghép bất đồng nhóm máu lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam bằng kỹ thuật dung hòa miễn dịch.
Hai ca ghép gồm bé N.H.H. (2 tuổi, Bắc Giang) và bé L.N.H. (10 tuổi, Đà Nẵng) được thực hiện bằng phương pháp truyền nhỏ giọt nhóm máu của người cho vào cơ thể người nhận, tăng dần theo ngày nhằm giảm hiệu giá kháng thể. Khi hiệu giá xuống dưới mức 1/32, việc gạn tách hồng cầu không còn cần thiết.
Kỹ thuật này giúp bảo toàn số lượng tế bào gốc và nâng cao tỷ lệ phục hồi sau ghép. Cả 2 bệnh nhi đều phục hồi ổn định tiểu cầu và bạch cầu.
Từ tháng 9/2024 đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công 10 ca ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia, cùng với 50 ca ghép tế bào gốc tự thân điều trị u đặc. Những thành công này đã giúp nhiều bệnh nhi chấm dứt lệ thuộc truyền máu, kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng sống rõ rệt.
Trên thế giới, kỹ thuật ghép tế bào gốc bất đồng nhóm máu (ABO-incompatible HSCT) được ghi nhận từ thập niên 1970, với khoảng 81 ca đầu tiên thực hiện thành công.
Đến năm 2008, phương pháp sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép (post-transplant cyclophosphamide) đã mở rộng đáng kể khả năng ghép giữa người cho và người nhận không khớp nhóm máu hoặc HLA, góp phần giảm biến chứng và tăng hiệu quả điều trị.
Việc Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật dung hòa miễn dịch trong ghép bất đồng nhóm máu vào tháng 7/2025 là bước đi tiên phong, khẳng định năng lực hội nhập kỹ thuật cao trong y học.
Thành quả này không chỉ tạo đột phá trong điều trị bệnh tan máu bẩm sinh, mà còn mở ra triển vọng điều trị hiệu quả các bệnh lý huyết học phức tạp khác như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và ung thư tái phát.