Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ngân sách nhà nước sẽ thế nào?

Hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Năm 2024, nếu Việt Nam không áp Thuế tối thiểu toàn cầu, phần chênh lệch tiền thuế 12.000 tỷ đồng, các 'ông lớn' FDI sẽ phải nộp về chính quốc.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu - kinh nghiệm áp dụng của quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam do Bộ Tài chính tổ chức sáng 18/4.

Gần 30% vốn FDI tại Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hóa đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế xã hội của các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng. Nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Thống kê của Bộ Tài chính, có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

“Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn, quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ không còn nhiều tác dụng. Từ đó, đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam”, Bộ trưởng Phớc lo ngại.

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, đến nay, hầu hết nước thuộc Liên minh châu Âu; Thụy Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, HongKong, Úc… xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Minh cho biết, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó, chủ yếu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn Pegatron.... Tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Ứng phó như thế nào?

Lãnh đạo Tổng Cục Thuế thông tin, về số thu ngân sách nhà nước (NSNN), giai đoạn 2020-2022, tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khoảng 18-21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39-41% tổng số thu thuế TNDN.

"Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng", ông Minh nói.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, nếu áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN.

"Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó", ông Đặng Ngọc Minh lưu ý.

Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế TNDN từ những doanh nghiệp này, từ đó, tăng thu NSNN.

“Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12.000 – 20.000 tỷ đồng (theo số liệu quyết toán thuế năm 2022)”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin thêm.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó ban hành chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để các doanh nghiệp này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, có thể cân nhắc các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, các giải pháp phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu đồng thời phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế cũng như đảm bảo sự công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

“Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường”, ông Đặng Ngọc Minh đề xuất. Đồng thời, để thực hiện được chương trình hỗ trợ, “Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư”./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-ngan-sach-nha-nuoc-se-the-nao-post1014670.vov