Áp lực đồng trang lứa: Cô gái 23 tuổi kiếm lương 17 triệu/tháng vẫn thấy mình thua kém
Dẫu có mức lương khá ổn song cô nàng vẫn gặp nhiều áp lực khi so sánh bản thân với bạn bè.
Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nơi ai cũng có thể khoe một tấm hình check-in sang chảnh, một mức lương khủng, hay một căn nhà mới mua…, áp lực đồng trang lứa là cảm giác rất thật. Nhìn thấy bạn bè cùng tuổi đã có thu nhập cao, mua được xe, nhà hay lập gia đình, còn mình thì vẫn đang chật vật với mức lương 16-17 triệu/tháng dễ khiến nhiều người cảm thấy tự ti, thậm chí thất vọng về bản thân.
Nhưng điều đáng sợ không phải là việc bạn cảm thấy áp lực mà là để những áp lực ấy chi phối cuộc sống, cuốn bạn vào vòng xoáy so sánh, mệt mỏi và mất phương hướng.
Bạn không cô đơn trong cảm giác đó. Điều quan trọng là học cách kiểm soát và chuyển hóa áp lực thành động lực, thay vì để nó kéo bạn xuống.
Mới đây, một bài đăng trên mạng xã hội nhận được nhiều sự đồng cảm từ cộng đồng mạng, khi một cô gái trẻ chia sẻ về nỗi áp lực đồng trang lứa – thứ cảm xúc ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
Bài đăng chia sẻ: “Em đang bị áp lực đồng trang lứa. Em sinh năm 2002, đi làm nhân viên văn phòng, lương tháng hiện tại 16-17 triệu, nhưng em thấy bạn đồng trang lứa tháng làm ra tận 40-50 triệu khiến em thấy áp lực, cảm thấy bản thân chưa đủ nỗ lực. Mẹ em thì cứ bảo con người ta làm tháng 20-30 triệu đưa tiền bố mẹ giờ mua được cả đất.
Chia sẻ thêm thì hiện tại nhà em có nhà nhưng đang bị dính dự án, không biết lúc nào thì không được ở nữa nên mẹ cứ hối thúc em kiếm tiền về đưa mẹ để gom góp mua nhà đất, thật sự giờ em nhìn số tiền mua nhà đất rẻ cũng 2-3 tỷ em áp lực, em cảm giác mình không mua nổi, xong nhìn lại bạn bè toàn kiếm nhiều hơn mình đâm ra mệt mỏi quá ạ, nhưng em chưa có hướng đi nào tốt để bứt phá kiếm 20-30 triệu/tháng. Chỉ muốn chia sẻ tí cho nhẹ lòng vì em cũng không có ai để tâm sự.”

Cô gái 2k2 gặp áp lực đồng trang lứa vì bạn bè kiếm được 40-50 triệu/tháng. Ảnh minh họa
Dưới phần bình luận, nhiều người đã bày tỏ sự thấu hiểu, đồng cảm và cũng chia sẻ góc nhìn từ chính trải nghiệm của bản thân:
- “Em ơi, 16–17 triệu ở tuổi 23 là rất ổn rồi đó, đừng so sánh mình với người khác. Mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau. Quan trọng là mình tiến bộ từng chút một.”
- “Mẹ bạn có thể thương và lo, nhưng việc gây áp lực kiểu so sánh như vậy dễ khiến con cái kiệt sức. Hãy trao đổi thẳng thắn để bố mẹ hiểu, chứ không nên ôm hết vào lòng.”
-“Mình cũng từng áp lực vì bạn bè mua nhà, mua xe, mở công ty... trong khi mình vẫn đang từng bước học hỏi. Sau này mới nhận ra, nếu cứ nhìn người khác thì mãi mãi không thấy mình đủ.”
Làm sao để giảm bớt áp lực đồng trang lứa khi thu nhập không cao?
Áp lực đồng trang lứa không chỉ đến từ bạn bè, mạng xã hội mà đôi khi còn đến từ chính những người thân yêu nhất. Trong thời đại mà ai cũng dễ dàng chia sẻ "mặt tốt đẹp nhất" lên mạng, cảm giác thua kém là điều rất dễ xuất hiện – đặc biệt với người trẻ đang bắt đầu hành trình sự nghiệp.
Tuy nhiên, việc so sánh không đúng cách có thể khiến bạn rơi vào vòng xoáy tự trách, kiệt sức và mất định hướng. Dưới đây là một số cách giúp bạn cân bằng tâm lý và tạo lối đi riêng cho mình:
1. Hiểu rõ giá trị của bản thân và quá trình bạn đang đi
Thay vì chỉ nhìn vào con số lương, hãy nhìn lại toàn bộ hành trình:
- Bạn đã tốt nghiệp khi nào?
- Bạn làm đúng ngành mình học hay phải bắt đầu lại từ con số 0?
- Bạn có đang tự lập hay còn phụ thuộc tài chính từ gia đình?
Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Có người có hậu thuẫn lớn, có người phải gồng gánh cả gia đình từ rất sớm. So sánh bề nổi của người khác với toàn bộ hành trình của mình là điều rất thiếu công bằng và thường khiến ta thiệt thòi.

Hãy hiểu mỗi người có hoàn cảnh và câu chuyện tài chính khác nhau. Ảnh minh họa
2. Đặt lại kỳ vọng tài chính thực tế hơn
Mức thu nhập 16–17 triệu/tháng ở tuổi 23 là không thấp nếu bạn làm việc tại văn phòng ở những ngành phổ biến. Thay vì ép mình phải kiếm 30–50 triệu ngay lập tức, hãy tập trung vào mục tiêu gần:
- Làm sao tăng lên 20 triệu trong 6 tháng?
- Làm sao để tiết kiệm được 3 triệu/tháng một cách đều đặn?
- Học thêm kỹ năng nào để được thăng tiến hoặc nhảy việc?
Đặt mục tiêu vừa sức không chỉ giúp bạn bớt áp lực mà còn cảm thấy tự tin hơn khi thấy bản thân từng bước đạt được kết quả.
3. Giảm thời gian so sánh – tăng thời gian phát triển bản thân
Bạn không thể cấm người khác khoe thành công, nhưng bạn có thể chọn không nhìn vào đó quá nhiều. Thay vào đó, hãy đầu tư thời gian để học thêm kỹ năng, rèn luyện sức khỏe hoặc kết nối với những người cùng giá trị.
Đôi khi, chỉ cần dành 30 phút mỗi tối để học thêm một kỹ năng thực tế (như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, hoặc công cụ làm việc), bạn đã đi nhanh hơn người khác mà không cần phải ồn ào trên mạng.
4. Giao tiếp rõ ràng với gia đình về áp lực tài chính
Việc bố mẹ kỳ vọng con cái hỗ trợ tài chính là điều thường thấy, đặc biệt khi gia đình đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu không đặt ra giới hạn và trao đổi thẳng thắn, kỳ vọng đó có thể trở thành gánh nặng khiến bạn kiệt sức.
Hãy nói với mẹ về thực trạng tài chính, kế hoạch cá nhân và những gì bạn đang cố gắng thực hiện. Việc được lắng nghe và được thấu hiểu đôi khi đã giúp giảm đi 50% áp lực đang mang.
5. Thay vì nhìn lương người khác, hãy tính tài sản ròng của chính mình
Bạn có thể chưa kiếm được 40–50 triệu/tháng, nhưng bạn có khoản tiết kiệm đầu tiên, có bảo hiểm sức khỏe, không nợ nần, và vẫn còn dư để học thêm, chăm sóc bản thân. Đó là một vị trí tốt hơn rất nhiều người tưởng.
Tài sản ròng – bao gồm tiền mặt, tài khoản tiết kiệm, đầu tư nhỏ – là thứ nên quan tâm hơn là "lương tháng". Vì lương cao mà tiêu hết thì cũng như không. Còn người có kỷ luật tài chính, tích lũy bền vững thì sớm muộn gì cũng tạo ra nền tảng vững chắc hơn.