Áp lực giám sát hệ thống ngân hàng sau khi xóa bỏ hạn mức tín dụng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo hoàn thiện cơ chế quản lý tín dụng theo hướng xóa bỏ hạn mức tín dụng để chuyển sang bộ tiêu chí thân thiện với thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây là áp lực rất lớn xét về kỹ thuật cũng như điều kiện về nhân lực và công nghệ trong bối cảnh hệ thống giám sát của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu vẫn dựa vào báo cáo thủ công...

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu gấp gáp thả nổi tín dụng, thiếu lộ trình cùng các giải pháp kỹ thuật khả thi, có thể dẫn tới năng lực kiểm soát bị hạn chế, để lại bất ổn đối với hệ thống.

Tại tọa đàm “Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 25/7/2025, các chuyên gia đều cho rằng trong giai đoạn 2007-2010, hệ thống ngân hàng thiếu các quy định kiểm soát chặt chẽ về hệ số an toàn cũng như các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Hệ lụy là giai đoạn này tăng trưởng tín dụng ồ ạt, thiếu kiểm soát, góp phần gây ra siêu lạm phát và nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, năm 2011, Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng hạn mức tín dụng như một “van an toàn”, giúp kiểm soát lượng cung tiền, hạn chế tình trạng bơm vốn quá mức ra thị trường để kiềm chế lạm phát và ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng.

Việc áp dụng trần tín dụng song song với ban hành nhiều thông tư, đặc biệt là Thông tư số 41/2016/TT-NHNN triển khai Basel II, đã củng cố kỷ cương thị trường, qua đó góp phần quan trọng vào ổn định nền tảng vĩ mô trong hơn 10 năm qua.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHỐNG CHỊU TRƯỚC CÁC CÚ SỐC

Theo đánh giá của các chuyên gia, năng lực quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã có nhiều cải thiện vượt bậc so với trước đây, trong khi hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đã hoàn thiện đáng kể về nhiều mặt, nhất là vấn đề quản trị. Do đó, việc từng bước tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) được cho là phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện một cách thận trọng, không nóng vội. Trước hết, cần có các giải pháp thúc đẩy khối ngân hàng thương mại tăng cường củng cố các bộ đệm an toàn vốn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần trang bị đầy đủ các công cụ giám sát hiện đại, đủ mạnh để đảm bảo kiểm soát rủi ro hiệu quả khi cơ chế “room tín dụng” được dỡ bỏ.

Theo dữ liệu từ FiinGroup, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm 2024 đạt 12,63%, cho thấy xu hướng cải thiện nhẹ so với các năm trước (từ mức 11,32% năm 2020 và 11,88% năm 2023). Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, hệ số an toàn vốn của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể, chỉ đứng cuối bảng, trong khi Thái Lan, Malaysia và Philippines lần lượt đạt 20,42%, 17,83% và 16,50%. Điều này phản ánh bộ đệm an toàn tương đối mỏng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, làm gia tăng rủi ro trước các cú sốc kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu (NPLs) có xu hướng tăng và thị trường bất động sản đang đối mặt với áp lực thanh khoản.

Phân tích theo loại hình ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ghi nhận hệ số an toàn vốn lên đến 23,3%, vượt trội so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (12,2%) và ngân hàng thương mại nhà nước (chỉ 10,6%). Điều này cho thấy năng lực vốn và khả năng chống chịu rủi ro của khối ngân hàng nội địa còn yếu, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

Theo các chuyên gia, để tăng trưởng GDP đạt 9-10% trong những năm tới thì tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến lên tới 9 triệu tỷ đồng đến năm 2030, trong đó phần lớn vẫn dựa vào nguồn vốn tín dụng thì hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước, vốn đang nắm giữ thị phần tín dụng lớn, cần phải được nâng lên đáng kể.

Nếu không tăng cường năng lực vốn, các ngân hàng này sẽ khó đáp ứng được nhu cầu tín dụng ngày càng lớn của nền kinh tế. Thậm chí, nếu không cải thiện kịp thời, họ có thể dần đánh mất thị phần vào tay các ngân hàng thương mại cổ phần hoặc các định chế tài chính khác, vì xóa bỏ hạn mức tín dụng chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc đua tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia cho rằng việc tăng hệ số an toàn vốn cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước từ 10,6% lên 23-25%, tương đương nhóm ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, trong 3 năm tới là điều khó nhưng Chính phủ cần sớm giải bài toán này.

Các chuyên gia gợi mở cơ quan quản lý có thể dựa vào thị phần của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay và nhu cầu vốn tín dụng từ nay đến năm 2030 để tính toán xem hệ số an toàn vốn của những ngân hàng này phải ở mức bao nhiêu, từ đó đề xuất Chính phủ có phương án tăng vốn.

Giới phân tích khuyến nghị lộ trình bãi bỏ hạn mức tín dụng không nên thực hiện một cách vội vã mà cần được triển khai một cách thận trọng, theo từng bước rõ ràng. Trước hết, có thể xem xét dỡ bỏ hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại có năng lực quản trị tốt và nền tảng vốn lành mạnh. Việc này có thể bắt đầu với nhóm 10 ngân hàng hàng đầu, vốn đang chiếm khoảng 80% thị phần tín dụng tại Việt Nam.

Nên ưu tiên lựa chọn các ngân hàng có hệ thống quản trị minh bạch, quy mô đủ lớn và tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vốn – đây là nhóm có khả năng cạnh tranh lành mạnh và điều hành tín dụng hiệu quả ngay cả khi không còn hạn mức. Việc thí điểm theo cách này sẽ giúp quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống.

Đối với các ngân hàng còn lại, nếu muốn được bỏ hạn mức tín dụng, họ cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự như nhóm ngân hàng lớn, bao gồm các yêu cầu về quản trị rủi ro, minh bạch thông tin và năng lực tài chính. Trong thời gian chuyển tiếp, các ngân hàng chưa đáp ứng được tiêu chí này vẫn nên tiếp tục áp dụng trần tín dụng để tránh tình trạng tăng trưởng nóng và bảo đảm an toàn hệ thống.

Từ góc độ thành viên thị trường, đại diện một số quỹ đầu tư tỏ ra băn khoăn về bộ tiêu chí thay thế hạn mức tín dụng. Đó là: (i) Bộ tiêu chí này có đủ chặt chẽ để không tạo ra các kẽ hở mà các ngân hàng thương mại có thể lợi dụng để "lách" quy định hay không? (ii) Ngân hàng Nhà nước có thực sự tự tin vào khả năng triển khai và vận hành các công cụ này một cách hiệu quả, nhất quán và minh bạch hay không? (iii) Năng lực giám sát của Ngân hàng Nhà nước có đủ năng lực để đảm bảo các ngân hàng thương mại tuân thủ nghiêm túc theo bộ tiêu chí mới? (iv) Khi xảy ra vi phạm, cơ chế chế tài sẽ được áp dụng như thế nào và liệu các biện pháp xử lý đó có đủ mạnh để tạo ra tính răn đe?

GIÁM SÁT HỆ THỐNG BẰNG CÔNG NGHỆ

Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết từ cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-NHNN, yêu cầu các ngân hàng thương mại gửi báo cáo định kỳ theo mẫu thống nhất. Các báo cáo này cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động cấp tín dụng, tình hình vốn, nợ xấu, tài sản ngoại bảng và các công ty con, công ty liên kết. Dữ liệu được gửi hàng tuần hoặc hàng tháng, giúp Ngân hàng Nhà nước có đủ thông tin để theo dõi sát tình hình và kịp thời đưa ra chính sách kiểm soát rủi ro toàn hệ thống.

Ví dụ, một số biểu mẫu như 001-DBTK, 034-TTGS hay 035-DBTK giúp Ngân hàng Nhà nước phân tích dư nợ theo ngành kinh tế và mức độ đảm bảo. Nếu tín dụng vào bất động sản tăng đột biến, hệ thống sẽ tự động gửi cảnh báo đến Vụ Chính sách tiền tệ. Các mẫu khác như 016-TTGS hay 128.3-TTGS theo dõi nợ xấu, nợ cơ cấu, và yêu cầu ngân hàng báo cáo phương án xử lý khi nợ xấu vượt 3%.

“Dữ liệu cần được kết nối, số hóa hoàn toàn và thiết lập các ngưỡng cảnh báo cụ thể. Ví dụ, nếu nợ xấu vượt 3%, CAR xuống dưới 9%, hoặc vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn vượt 30%, ngân hàng phải nộp phương án ứng phó ngay”, ông Lê Hoài Ân, chuyên gia phân tích đầu tư tài chính, khuyến nghị.

Cách tiếp cận này giống như trụ cột 2 của chuẩn Basel (ICAAP): thay vì kiểm soát từng khoản vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá tổng thể năng lực quản lý rủi ro của từng ngân hàng. Khi các chỉ số vượt giới hạn, chúng sẽ được phản ánh trực tiếp vào tổng tài sản có rủi ro – làm tăng yêu cầu về vốn dự trữ của ngân hàng.

Cũng theo vị chuyên gia này, để tiến tới xóa bỏ hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng dashboard (bảng điều khiển) để theo dõi từng ngân hàng theo thời gian thực. Dữ liệu sẽ được kết nối trực tiếp từ ngân hàng thương mại về hệ thống trung tâm. Nếu có dấu hiệu bất thường như tín dụng tăng quá nóng, nợ xấu tăng bất thường,… hệ thống sẽ phát cảnh báo ngay lập tức, gửi email đến cả các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước lẫn bộ phận quản lý rủi ro của ngân hàng đó.

Cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 64/2024/TT-NHNN, hướng dẫn ngân hàng triển khai Open API để chia sẻ dữ liệu định danh giao dịch và trạng thái thanh toán với bên thứ ba. Điều này mở ra cơ hội tích hợp dữ liệu từ Thông tư 35 thành một hệ sinh thái dữ liệu thời gian thực. Qua đó, ngân hàng có thể theo dõi dòng chảy tín dụng và thông tin điểm tín dụng của khách hàng xuyên suốt hơn, vừa phục vụ giám sát, vừa nâng cao chất lượng quản trị rủi ro trong toàn hệ thống.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2025 phát hành ngày 28/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

Hoàng Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ap-luc-giam-sat-he-thong-ngan-hang-sau-khi-xoa-bo-han-muc-tin-dung.htm