Áp lực từ thép giá rẻ Trung Quốc dần 'hạ nhiệt', giá nguyên liệu dự báo neo thấp

Chứng khoán Shinhan Vietnam đánh giá đây là 'thời điểm vàng' để các doanh nghiệp thép tích trữ nguyên vật liệu khi giá than cốc, quặng sắt dự kiến duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, xuất khẩu thép giá rẻ của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm dần.

Sản lượng thép toàn cầu suy giảm

Sản lượng thép trên toàn cầu trong năm 2024 đã suy giảm nhẹ so với năm 2023 khi loạt quốc gia sản xuất lớn thu hẹp sản lượng.

Sản lượng thép trên toàn cầu trong năm 2024 đã suy giảm nhẹ so với năm 2023 khi loạt quốc gia sản xuất lớn thu hẹp sản lượng.

Theo dữ liệu mới cập nhật của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), tổng sản lượng thép thô toàn cầu trong năm 2024 đạt 1,882 tỷ tấn, giảm 0,8% so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia có sản lượng thép thô lớn nhất thế giới, đạt xấp xỉ 1 tỷ tấn, giảm 1,7% so với năm 2023.

Ngoài Trung Quốc, loạt quốc gia sản xuất lớn cũng ghi nhận sự suy giảm sản lượng thép là Nhật Bản (giảm 3,4%), Hoa Kỳ (giảm 2,4%), Nga (giảm 7%), và Hàn Quốc (giảm 4,7%).

Sự thu hẹp sản xuất này phần nào được bù đắp bởi việc sản lượng thép tại một số nước tăng trưởng ấn tượng như Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 9,4%), Ấn Độ (tăng 6,3%), và Brazil (tăng 5,3%).

WSA đánh giá, nhìn chung năm 2024 vẫn là một năm khó khăn với ngành thép toàn cầu, khi sản lượng tiêu thụ thép tại nhiều quốc gia chủ lực, đặc biệt là Trung Quốc, suy giảm. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng yếu khi kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn với bất ổn địa chính trị gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Mặc dù trong tháng 9/2024, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách mới nhằm vực dậy thị trường bất động sản, các biện pháp này chỉ cải thiện tâm lý thị trường thép trong ngắn hạn. Thị trường bất động sản chiếm đến 33% nhu cầu thép tại Trung Quốc.

Diễn biến giá thép thanh, HRC, và quặng sắt (USD/tấn) trên thị trường quốc tế từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2024. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Shinhan Vietnam)

Diễn biến giá thép thanh, HRC, và quặng sắt (USD/tấn) trên thị trường quốc tế từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2024. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Shinhan Vietnam)

Giá thép cuộn cán nóng (HRC) và giá thép thanh tại Trung Quốc trong tháng 9/2024 đã tăng mạnh 20% so với tháng 8/2024. Nhưng mặt bằng giá thép tại nước này đã quay đầu giảm 10% trong tháng 10/2024 khi thực tế chưa hồi phục như kỳ vọng.

Thực tế, nhu cầu xây dựng tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu cải thiện khi mặt bằng chung giá nhà vẫn duy trì đà giảm kể từ giai đoạn suy thoái bất động sản đầu năm 2022. Đồng thời, sản lượng sản xuất thép thô tại Trung Quốc đã giảm xuống kể từ quý 3/2024 do tình trạng dư cung kéo dài.

Điều này dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu thép giá rẻ của Trung Quốc, gây ra làn sóng thuế chống bán phá giá trên toàn cầu. Trong năm 2024, nước này đã xuất khẩu tới 110,7 triệu tấn thép, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023, và đạt mức cao nhất kể từ năm 2015.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh

Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2025 được nhiều tổ chức dự báo sẽ giảm từ 3-5% so với năm 2024.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2025 được nhiều tổ chức dự báo sẽ giảm từ 3-5% so với năm 2024.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Shinhan Vietnam, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tạo đỉnh trong tháng 10/2024 và sẽ dần giảm xuống trong năm 2025 trong bối cảnh nhiều quốc gia đã bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng chậm lại cũng sẽ kìm hãm nhu cầu nhập khẩu thép. Ngoài ra, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang phải cắt giảm sản lượng theo yêu cầu của chính phủ nhằm kiểm soát tình trạng dư cung và ổn định thị trường nội địa.

Những yếu tố trên sẽ giảm áp lực đối với giá thép tại các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là tại Việt Nam.

Về nhu cầu thép trên toàn cầu, WSA dự báo nhu cầu thép toàn cầu năm 2025 sẽ tăng trưởng 1,2% so với năm 2024, tương ứng sản lượng khoảng 1,77 tỷ tấn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ thép tại một số quốc gia chủ lực có sự phân hóa đáng kể, như giảm 1% tại Trung Quốc nhưng tăng 8,5% tại Ấn Độ. Khu vực ASEAN được dự báo sẽ duy trì nhu cầu thép ổn định, tăng trưởng 3,5% so với năm 2024.

Thời điểm vàng để tích trữ nguyên vật liệu

Theo Chứng khoán Shinhan Vietnam, giá thép Trung Quốc đã tạo đáy từ tháng 8/2024 và đang trong quá trình dần phục hồi khi tình trạng dư cung đang được Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, giá thép nước này sẽ khó có thể bật tăng mạnh từ nay đến cuối năm 2025 và tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến thị trường bất động sản.

Diễn biến giá quặng sắt và than cốc (USD/tấn) từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2025. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Shinhan Vietnam)

Diễn biến giá quặng sắt và than cốc (USD/tấn) từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2025. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Shinhan Vietnam)

Về giá nguyên liệu đầu vào, Chứng khoán Shinhan Vietnam dự báo giá than cốc và giá quặng sắt sẽ tiếp tục neo ở mức thấp trong năm 2025, có thể đạt lần lượt 140 USD/tấn (giảm 4%) và 90 USD/tấn (giảm 5%) trong bối cảnh nguồn cung xuất khẩu từ Australia, Brazil dự kiến tăng lên, và sản xuất thép tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thép mở rộng biên lợi nhuận.

Chứng khoán Shinhan Vietnam đánh giá “Đây là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp thép tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới”.

Trong năm 2024, giá than luyện cốc đã giảm 50% so với năm 2023, còn 146 USD/tấn dưới tác động của loạt yếu tố, gồm tình trạng dư cung thép tại Trung Quốc khiến nhu cầu nguyên liệu đầu vào suy giảm, nguồn cung than tăng tại Australia, và chính sách điều tiết giá than của Trung Quốc. Tương tự, giá quặng sắt cũng đã giảm 23% trong năm ngoái, còn 95 USD/tấn do các nhà khai thác quặng sắt lớn như Vale (Brazil), Rio Tinto (Australia) gia tăng mạnh sản lượng.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ap-luc-tu-thep-gia-re-trung-quoc-dan--ha-nhiet---gia-nguyen-lieu-du-bao-neo-thap-132991.htm