Áp lực từ Tổng thống Donald Trump có thể chỉ khiến các quốc gia tránh xa đồng đô la

Áp lực từ Tổng thống Donald Trump đối với các quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ có thể đẩy nhanh động thái rời xa đồng tiền của Mỹ.

"Chúng ta muốn thuyết phục mọi người sử dụng một đồng tiền vì nó đáp ứng một số điều như cung cấp sự ổn định và phương tiện thanh toán… Và nếu bị gây sức ép, tôi cho rằng điều đó chỉ củng cố thêm động lực để cố gắng thúc đẩy sự đa dạng hóa", Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ vào thứ Ba (21/1).

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố vào tháng 11 rằng, ông yêu cầu các nước BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - phải cam kết không tạo ra một loại tiền tệ chung mới hoặc hỗ trợ bất kỳ tiền tệ nào khác để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ. Nếu như không làm như vậy, Mỹ sẽ trừng phạt bằng cách áp dụng mức thuế 100% đối với hàng hóa từ các quốc gia này.

“Không có cơ hội nào để BRICS thay thế đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế, và bất kỳ quốc gia nào cố gắng làm như vậy nên tạm biệt nước Mỹ”, ông Trump cho biết trên mạng xã hội Truth Social vào thời điểm đó.

Đồng đô la Mỹ đã là đồng tiền thống trị trong thương mại toàn cầu trong nhiều thập kỷ cũng như là đồng tiền dự trữ chính của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới. Nhưng vị thế của đồng tiền này đang ngày càng bị thách thức, khi các quốc gia như Trung Quốc thúc đẩy việc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la và quốc tế hóa đồng tiền của chính họ.

Xu hướng này đã tăng tốc kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, khi các lệnh trừng phạt kinh tế tàn khốc của Mỹ đối với Nga chứng minh khả năng cắt đứt một quốc gia khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Raghuram Rajan, giáo sư tài chính tại Đại học Chicago cho biết có khả năng ngày càng tăng của các tiền tệ được sử dụng làm vũ khí đã khiến các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới lo lắng.

Nhiều người đang tự hỏi "thị trường ổn định và thanh khoản nhất thế giới có quyền loại trừ một quốc gia nào đó và áp dụng các hình phạt lớn đến mức nào nếu như vi phạm một số khía cạnh hành vi phi tài chính khác?", giáo sư Raghuram Rajan cho biết.

Nhưng một loại tiền tệ chung của BRICS dường như không có khả năng xảy ra khi xét đến những căng thẳng địa chính trị giữa các thành viên của khối - bao gồm cả xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

"Tôi nghĩ rằng, Tổng thống Trump đang phản ứng quá sớm với điều gì đó sẽ không xảy ra", giáo sư Raghuram Rajan nói.

Jin Keyu, giáo sư tại Trường Kinh doanh và Quản lý thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết, nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm chậm chạp của đồng đô la Mỹ hơn là sự thay thế của nó như một loại tiền tệ toàn cầu thống trị trong những thập kỷ tới.

Mặc dù đồng nhân dân tệ vẫn còn một chặng đường dài để trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu, nhưng nó đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc lập hóa đơn thương mại và thanh toán quốc tế trong thập kỷ qua.

Theo Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), đồng nhân dân tệ là tiền tệ phổ biến thứ tư được sử dụng trong thanh toán liên ngân hàng trong suốt phần lớn năm 2024, với thị phần giao dịch toàn cầu trung bình hơn 4% - trong khi vào năm 2011 chỉ ở mức gần bằng 0.

Ngoài việc thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới, Trung Quốc cũng đã xây dựng một hệ thống thanh toán liên ngân hàng có thể đóng vai trò thay thế cho SWIFT, được gọi là Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS).

"Hiện tại, phương Tây đang phần nào bác bỏ, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ có những vết nứt xuất hiện làm suy giảm vị thế của đồng đô la”, giáo sư Jin Keyu cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ap-luc-tu-tong-thong-donald-trump-co-the-chi-khien-cac-quoc-gia-tranh-xa-dong-do-la-post362212.html