Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vẫn còn nhiều tranh luận
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vẫn còn nhiều tranh luận, ví dụ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề, lao động.
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Góp ý vào dự thảo, nhiều chuyên gia tranh luận về việc mở rộng đối tượng chịu thuế, đặc biệt là việc bổ sung nước giải khát có đường. Nguyên nhân do hiệu quả của chính sách thuế này trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân chưa được chứng minh rõ ràng trong khi có thể gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Tranh luận xung quanh việc nước giải khát có đường có phải nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao mà cụ thể là việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu calories trong khi thiếu các vận động thể chất. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 và báo cáo của các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì. Bên cạnh nguyên nhân dinh dưỡng, thừa cân béo phì còn do thiếu hoạt động thể chất, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, tuổi tác, giới tính, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, hay các yếu về gen di truyền hoặc nội tiết tố.
Về chế độ dinh dưỡng, theo Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN (2021), tại Việt Nam hiện nay, đường chỉ đóng góp chưa tới 3,6% vào tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chủ yếu đến từ ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), rau và hoa quả (6,9%), các thực phẩm khác (22,6%).
Đại diện Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ: Nếu đường được coi là thủ phạm của các loại bệnh này thì việc chỉ áp thuế đối với một mặt hàng có chứa đường là nước giải khát sẽ không hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều đường và có hàm lượng calories cao hơn đang sẵn có trên thị trường như kẹo, bánh, kem, đồ ăn nhanh, sữa... Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hàm lượng đường và calorie chứa trong các loại thực phẩm khác như bánh, kẹo, kem cao hơn rất nhiều so với nước giải khát.
Khảo sát trên được thực hiện bởi Nielsen Việt Nam năm 2020 đã chỉ ra rằng các sản phẩm nước giải khát có đường với hương vị nguyên bản có chứa trung bình khoảng 11 gam đường trong mỗi 100ml. Với công thức quy đổi mỗi 01 gam đường cung cấp 4 calories năng lượng khi hấp thụ vào cơ thể theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, thì nước giải khát có đường sẽ cung cấp cho người tiêu dùng khoảng khoảng 44 kcal/ 100ml sản phẩm được tiêu thụ.
Cũng theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng về Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, tần suất và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam năm 2018 chỉ ra rằng học sinh tiêu thụ nhiều hơn các thực phẩm ngũ cốc, chất đạm, chất béo và sữa; tiếp theo đó là các thực phẩm có chứa đường khác (bánh kẹo, chè, …) và cuối cùng là các loại đồ uống khác nhau. Đặc biệt, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Đáng chú ý, so với nước ngọt, tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè ...) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn.
Trong khi đó, WHO và các chuyên gia y tế của khu vực Đông Nam Á đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu vận động là một nguyên nhân đáng lưu ý hàng đầu của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân, béo phì. Đặc biệt tại Việt Nam, 86,3% thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất. Cũng theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng nêu trên, hoạt động thể lực kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thừa cân béo phì ở lứa tuổi học đường tại Việt Nam. Ngoài ra, thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thừa cân béo phì ở học sinh THCS lên 1,154 lần. Tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh nơi có tỷ lệ học sinh béo phì gấp đôi cả nước, chỉ có 26,1% học sinh THPT tham gia vận động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày; Chỉ có 29,9% học sinh THPT tham gia các lớp học thể dục hằng ngày. Đối với học sinh THCS tại thành phố Hồ Chí Minh, lớp 6 có 30,7% HS; lớp 7 có 24,4%, lớp 8 là 30,9% và lớp 9 là 34,9% học sinh không vận động.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt có đường có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế
Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam chia sẻ quan điểm, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần...
Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% sẽ khiến doanh thu của ngành giảm 3.159,5 tỷ đồng trong khi thu ngân sách chỉ tăng thêm 2.279,1 tỷ đồng, dẫn tới tổng thiệt hại với nền kinh tế là 880,4 tỷ đồng. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ điều chỉnh chiến lược (ở cấp khu vực) để nhập khẩu thay vì sản xuất do chi phí trong nước cao. Đồng thời, với việc chênh lệch giá giữa giá chính thống và giá buôn lậu là 6% có thể khiến hoạt động buôn lậu gia tăng.
Bên cạnh đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường thiếu sự thống nhất với các chính sách mà Nhà nước đã và đang nỗ lực thực hiện để bảo hộ ngành đường trong nước và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân. Hiện, ngành mía đường đang được áp dụng chính sách ưu đãi thuế như thuế giá trị gia tăng đối với đường chỉ là 5%, đồng thời áp dụng chính sách hạn ngạch thuế quan, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu nhằm bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng mía. Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sản phẩm có chứa đường sẽ trực tiếp làm giảm tính hiệu quả của các chính sách này và dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.
Việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% sẽ khiến doanh thu của ngành giảm 3.159,5 tỷ đồng trong khi thu ngân sách chỉ tăng thêm 2.279,1 tỷ đồng, dẫn tới tổng thiệt hại với nền kinh tế là 880,4 tỷ đồng. Xét tổng thể, chính sách này khiến GDP giảm 0,115%, GVA giảm 0,135% thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, Đồng thời, với việc chênh lệch giá giữa giá chính thống và giá buôn lậu là 6% có thể khiến hoạt động buôn lậu gia tăng - VBA nêu kiến nghị.
Không thể phủ nhận, tình trạng "thừa cân, béo phì" đang là vấn đề mà nhiều nước trong khu vực và thế giới đã và đang phải đối mặt từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, có nước sau khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đã bãi bỏ vì không có hiệu quả; hoặc nhiều nước không áp dụng chính sách thuế này. Thay vào đó, họ lựa chọn cách tiếp cận theo hướng giáo dục về hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh cho cộng đồng từ tuổi còn rất nhỏ.
Thiết nghĩ các ý kiến nêu trên rất cần được cơ quan soạn thảo xem xét khoa học, thấu đáo trên nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội, bao gồm cả việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế.