Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cũng không làm giảm được tình trạng thừa cân, béo phì?

Các chuyên gia cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế, chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường và calories cao khác trên thị trường.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đưa ra đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10% cho các sản phẩm có hàm lượng đường trên 5g/100 ml.

Bộ Tài chính ước tính thu thêm khoảng 2.400 tỷ đồng/năm, đồng thời giải thích việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải.

Tại hội thảo "Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi" tổ chức ngày 11/7, các chuyên gia dẫn chứng số liệu đáng lưu ý. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 30/6/2024, bên cạnh chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành sản xuất thực phẩm tăng 13,6%..., thì chỉ số tồn kho của ngành đồ uống (rượu, bia, nước giải khát) tăng tới gần 30%. Trong khi đó, lợi nhuận thuần của toàn ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống sau khoảng một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 đã giảm tới 67%.

Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10% sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác.

Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10% sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội rượu bia, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, mặc dù có những dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhờ những hỗ trợ về mặt vĩ mô của Chính phủ và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, nhưng công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80%.

Do đó, theo Tổng thư ký VBA, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường còn có thể tác động đáng kể tới các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Về góc độ sức khỏe, bà Vân Anh cũng cho rằng đồ uống có đường không phải là căn nguyên duy nhất gây thừa cân béo phì mà có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này như nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất...

Đồng thời, bà nhấn mạnh đến yếu tố nếu chỉ áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một loại sản phẩm chứa đường như nước giải khát trong khi loại trừ các sản phẩm cũng có yếu tố nguy cơ khác sẽ tạo nên chính sách phân biệt đối xử, không đảm bảo nguyên tắc công bằng của Nhà nước và không giải quyết được mục tiêu giảm thừa cân béo phì nếu người tiêu dùng vẫn tiếp tục tiêu thụ đường, chất béo, chất đạm từ các nguồn thực phẩm khác vượt nhu cầu khuyến nghị.

Ngoài ra, áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế, chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường và calories cao khác trên thị trường.

Bên cạnh các loại nước giải khát đóng chai, thị trường còn xuất hiện nhiều loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công. Đây là phân khúc khó thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm.

Một khảo sát thực hiện vào năm 2018 của Decision Lab cũng cho thấy nếu áp thuế lên nước giải khát thì sẽ có 49% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế.

Đồng tình, bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi), băn khoăn với công cụ thuế như đề xuất trong dự thảo có thực sự góp phần bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn bệnh không lây nhiễm như thừa cân béo phì, tiểu đường hay không.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà Hà cho biết giảm tiêu thụ đồ uống có đường không đồng nghĩa giảm bệnh không lây nhiễm, vì bệnh có nhiều nguyên nhân.

Các chuyên gia cho biết có nhiều quốc gia loại bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Đại diện AmCham đưa ví dụ Chính phủ Đan Mạch bỏ thuế đồ uống có đường, sau đó theo dõi mức độ thừa cân béo phì thì tỷ lệ này không tăng. Bởi khi áp thuế, người Đan Mạch sang thị trường khác ở châu Âu để mua nước giải khát với giá thấp hơn, dẫn đến giảm 5.000 việc làm tại Đan Mạch.

Hay Na Uy áp thuế này từ năm 1981 nhưng công cụ thuế không đem lại hiệu quả như mong muốn. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đến năm 2019 đã gia tăng gấp đôi, lên tới 15,5% với nam giới và 12,7% với nữ giới.

Ở góc độ của chuyên gia về thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, bày tỏ rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì...

Ông Phụng nêu, doanh nghiệp đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải... Các loại chi phí này sẽ gia tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang vật lộn với quá trình phục hồi sau đại dịch và sự khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

"Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế", ông Phụng nhấn mạnh.

Hầu hết, các chuyên gia bày tỏ sự nhất trí với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân khi ban hành chính sách thuế, song chính sách cần sửa đổi phù hợp. Chẳng hạn, cơ quan quản lý cần thiết kế với thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ sở tính thuế rõ ràng, cụ thể trong định nghĩa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Trong đó, trọng tâm là công bằng giữa các nhà sản xuất gắn với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và hiệu quả thu thuế.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/ap-thue-tieu-thu-dac-biet-len-nuoc-giai-khat-co-duong-cung-khong-lam-giam-duoc-tinh-trang-thua-can-beo-phi-1100986.html