ASEAN công bố Bảng phân loại tài chính bền vững phiên bản 2
Phiên bản 2 được xây dựng dựa trên tư duy khái niệm về khuôn khổ đa tầng được nêu trong phiên bản 1, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS).
Nhằm đáp ứng các cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ngày 30/3, Ủy ban bảng phân loại ASEAN (ATB) - đại diện các cơ quan tài chính khu vực - đã công bố Bảng phân loại tài chính bền vững ASEAN phiên bản 2, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ nhất năm 2023 diễn ra từ ngày 28-31/3 tại Bali, Indonesia.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong khi phiên bản đầu tiên đưa ra khuôn khổ chung về Bảng phân loại ASEAN, phiên bản 2 bao gồm Khung nền tảng hoàn chỉnh bao gồm các phương pháp chi tiết để đánh giá các hoạt động kinh tế; Tiêu chí sàng lọc kỹ thuật (TSC) cho lĩnh vực trọng tâm đầu tiên là cung cấp điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí (ngành năng lượng).
TSC cho các lĩnh vực trọng tâm khác sẽ được công bố trong các phiên bản tiếp theo của Bảng phân loại ASEAN.
Phiên bản 2 được xây dựng dựa trên tư duy khái niệm về khuôn khổ đa tầng được nêu trong phiên bản 1, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), trong đó thừa nhận sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế, khu vực tài chính và cơ sở hạ tầng.
Với việc phát hành phiên bản 2, ATB thể hiện cam kết cung cấp cho các bên liên quan một khuôn khổ chung dựa trên cơ sở khoa học, đồng thời mang tính bao trùm và phục vụ cho các giai đoạn phát triển khác nhau của các AMS.
Sau khi phát hành phiên bản 2, ATB sẽ tổ chức các cuộc tham vấn có mục tiêu với các bên liên quan về phương pháp đánh giá cũng như các chỉ số nhằm hoàn thiện TSC cho ngành năng lượng vào đầu năm 2024.
TSC cho 5 lĩnh vực trọng tâm còn lại dự kiến sẽ được phát hành từng bước với mục tiêu hoàn tất vào năm 2025.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố Bảng phân loại tài chính bền vững ASEAN phiên bản 2, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh rằng tài chính bền vững có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch diễn ra hợp lý và công bằng.
Bà Indrawati khẳng định các nước ASEAN, trong đó có Indonesia, cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Chính phủ Indonesia cũng đã công bố NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) nâng cấp, tăng mục tiêu giảm phát thải khí CO2 từ 29% lên 31,2% vào năm 2030 bằng nỗ lực quốc gia, và từ 41% lên 43,2% với sự hỗ trợ của quốc tế.
Với các nguồn năng lượng phong phú từ năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt và than đá) đến các nguồn năng lượng tái tạo (địa nhiệt, thủy điện, phong điện và điện Mặt Trời), cam kết của Indonesia tiếp tục được củng cố.
Về phần mình, Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) Mahendra Siregar cho hay một trong các nội dung của phiên bản 2 đã được các nước ASEAN thống nhất là thừa nhận việc sớm ngừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than như một chương trình hướng tới năng lượng sạch.
Theo ông Siregar, phiên bản 2 được thiết kế như một hệ thống toàn diện và đáng tin cậy nhằm phân loại các hoạt động kinh tế bền vững trong khu vực ASEAN.
Đây là sáng kiến chung được tạo ra bằng cách tập hợp quan điểm của các cơ quan quản lý thị trường vốn, bảo hiểm và ngân hàng.
Ông Siregar cho biết thêm rằng, với tư cách là một trong những thành viên đại diện Indonesia trong ATB, OJK đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng theo từng giai đoạn, đặc biệt là liên quan đến việc sớm ngừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than, song đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch OJK nhấn mạnh: “Bảng phân loại này được kỳ vọng sẽ giúp thu hút nhiều đầu tư trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển bền vững trong khu vực. Đây là một trong những ưu tiên của Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 đã đạt được và sẵn sàng thực hiện,” đồng thời khẳng định Indonesia và ASEAN cần là những hình mẫu trong việc thực hiện các cam kết tài trợ bền vững và biến điều này thành hiện thực qua các dự án thực tế./.