Âu Lâu phát triển rau an toàn theo hướng bền vững
Xác định sản xuất rau là sinh kế của người dân và là thực phẩm thiết yếu của người tiêu dùng, thời gian qua, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển vùng rau an toàn đạt chất lượng cao, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh mang tính bền vững.
Được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn từ năm 2016, đến nay, các hộ dân trong Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã nắm bắt nhu cầu của thị trường, đưa nhiều cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như các loại rau, củ, quả gồm: su su, đỗ, cà chua, dưa hấu, dưa lê…
Hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái sơ chế theo đúng quy chuẩn. Bởi vậy, sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bước đầu tạo uy tín trên thị trường, trở thành hàng hóa phát triển bền vững, mang lại thu nhập kinh tế chủ yếu cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái cho biết: "Làm rau màu, nhất là rau màu vụ đông không quá khó. Chỉ cần gieo trồng đúng khung thời vụ, chăm sóc đúng quy trình là rau lên xanh tốt. Trồng rau vất vả hơn trồng lúa nhưng thu nhập lại cao hơn gấp hai, ba lần. Từ khi tham gia hợp tác xã, các sản phẩm rau đều được chứng nhận đủ điều kiện, được bao gói, có tem nhãn rõ ràng và được người tiêu dùng tin tưởng. Việc sản xuất rau an toàn đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân từ phương thức quảng canh sang thâm canh, từ thiếu an toàn sang an toàn, từ đơn lẻ sang liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.
Không chỉ những thành viên tham gia hợp tác xã mà hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã Âu Lâu đều nhận thức được việc phát triển vùng trồng rau an toàn là hướng đi hiệu quả bền vững.
Ông Nguyễn Quang Sáng ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu chia sẻ: "Phát huy lợi thế về đất đai màu mỡ, nguồn nhân lực dồi dào và được sự tuyên truyền, định hướng của chính quyền địa phương, nhiều năm nay, gia đình tôi đã duy trì hiệu quả trên 3.600 m vuông đất ruộng để trồng rau an toàn. Mùa nào thức ấy, gia đình tôi đều sẽ chủ động trồng các loại rau phù hợp để cung cấp cho các mối buôn cũng như thị trường người tiêu dùng. Thay vì sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ tràn lan, việc trồng rau luôn được ông tuân thủ theo đúng quy trình. Nhờ đó, những năm trở lại đây, trồng rau an toàn đã trở thành nguồn thu nhập kinh tế chính cho gia đình”.
Là một trong ba vùng sản xuất rau an toàn của thành phố Yên Bái, xã Âu Lâu đang duy trì và phát huy hiệu quả diện tích trên 1,7ha. Trên địa bàn xã có hai hợp tác xã sản xuất rau an toàn cho sản lượng rau tươi hàng năm đạt gần 90 tấn. Mới đây, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Âu Lâu đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái xác nhận cấp mã số vùng trồng.
Đây là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của các thị trường.
Việc thực hiện các yêu cầu của mã số vùng trồng đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.
Bà Đỗ Thị Ngân Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Âu Lâu cho biết: "Sản xuất rau xanh, rau an toàn, nhất là sản xuất vụ đông đối với người dân xã Âu Lâu đã và đang trở thành một nghề và cho thu nhập khá ổn định, với mức bình quân đạt gần 150 triệu đồng/ha. Vụ đông này, toàn xã đưa vào gieo trồng trên 60 ha cây trồng các loại, chủ yếu là cây rau đậu, ngô, phấn đấu sản lượng sản xuất cây vụ đông trên trên 100 tấn”.
Xuất phát từ hiệu quả thiết thực của việc sản xuất rau an toàn đem lại cho người dân, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó giúp thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức quảng canh sang thâm canh, từ đơn lẻ sang liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị rau thành phẩm cũng như phát triển vùng rau an toàn một cách bền vững.