Ba bộ cùng quản an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm vẫn nhiều

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm trên quy mô lớn xảy ra khiến dư luận hoang mang và đặt câu hỏi, vì sao có tới ba bộ ngành cùng quản lý lĩnh vực này mà tình trạng không cải thiện?

Vụ ngộ độc bánh mì ở TP.Long Khánh, Đồng Nai khiến 568 người phải nhập viện chưa lắng xuống thì tại Vĩnh Phúc hơn 300 công nhân phải nhập viện hay mới nhất là hơn 100 công nhân ở Đồng Nai cũng phải cấp cứu sau bữa ăn khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng. Vậy vì sao có đến 3 bộ quản lý về an toàn thực phẩm mà ngộ độc vẫn liên tục xảy ra?

Cần phối hợp liên ngành

Nói về tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, chia sẻ bên lề một cuộc họp về y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về vấn đề an toàn thực phẩm, theo Nghị định 15 của Chính phủ có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

Nhìn vào các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm của Hà Nội thời gian qua cho thấy, bài toán an toàn thực phẩm vẫn còn rất nan giải.

Nhìn vào các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm của Hà Nội thời gian qua cho thấy, bài toán an toàn thực phẩm vẫn còn rất nan giải.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15, các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức.

Trong đó, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, một nội dung không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mình, cho cộng đồng.

Tiếp đến, các cấp các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với bếp ăn tập thể, cơ sở thức ăn đường phố. Một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vừa qua là ở quán bán thức ăn đường phố và các bếp ăn tập thể.

"Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế, các bộ ngành đã có chỉ đạo, tuy nhiên giờ chúng ta phải kiểm tra giám sát việc này để làm sao các cơ sở thực hiện cho tốt từ khâu nuôi trồng đến thu hái, chế biến, sử dụng. Mục đích cuối cùng là làm sao đưa thực phẩm sạch cho người dân sử dụng", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Y tế, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành bởi lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ riêng của Bộ Y tế, mà các cấp các ngành đều phải vào cuộc vì nó liên quan đến vấn đề nuôi trồng, thu hái, lưu thông trên thị trường và cuối cùng chế biến, sử dụng, liên quan rất nhiều lĩnh vực.

Ví dụ nuôi trồng liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thu hái, chế biến lưu thông trên thị trường là Bộ Công Thương, vấn đề kiểm định cơ sở sản xuất chế biến có đảm bảo liên quan đến Bộ Y tế.

"Nếu chúng ta triển khai đồng bộ 3 giải pháp thì vấn đề an toàn thực phẩm sẽ từng bước được cải thiện", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, một nội khác quan trọng không kém theo Thứ trưởng Bộ Y tế là truyền thông làm sao nâng cao ý thức của người dân, ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố chưa đảm bảo vệ sinh.

Nhìn vào các vi phạm về an toàn thực phẩm tại Hà Nội thời gian qua cho thấy, bài toán an toàn thực phẩm vẫn còn rất nan giải. Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn thành phố đã thành lập 620 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành.

Tính từ ngày 15/4 đến 10/5, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 9.018 cơ sở, trong đó có 8.192 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 90,8%) và phát hiện, xử phạt 724 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.

Trước những vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng không chỉ diễn ra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ mà cần tiếp tục được các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã triển khai thường xuyên, liên tục tại tất cả các thời điểm trong năm, đặc biệt là trong mùa hè.

Sở dĩ như vậy là do đây là thời điểm thời tiết nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh nên dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Để tránh tái diễn vi phạm, cùng với việc xử lý nghiêm, tăng cường hậu kiểm, các đơn vị cần chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguyên liệu thực phẩm nhập vào phải bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, qua kiểm tra tại một số quận, huyện cho thấy, có nơi công tác lấy mẫu xét nghiệm nhanh thực phẩm, dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm còn thấp.

Do đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thời gian tới cần đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại labo để đánh giá chất lượng thực phẩm, từ đó sớm đưa ra cảnh báo đến người tiêu dùng.

Khó khăn do lực lượng mỏng?

Nói về khó khăn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế do lực lượng của chúng ta rất mỏng. Một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí chỉ là một phòng trong sở thực hiện nhiệm vụ.

Còn của ngành Y tế thì số lượng cán bộ cũng khiêm tốn, tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc khoảng 700.000 cơ sở lớn nhỏ. Với lực lượng như vậy khó mà đi kiểm soát hết được.

Cho nên ông Long cho rằng vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định; Kiểm tra để xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra ưu tiên.

Về chế tài xử lý, mức xử phạt hiện nay theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm không phải là thấp. Bởi vì những cơ sở nhỏ có khi bị phạt đến mấy chục triệu. Những vi phạm của doanh nghiệp lớn sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỉ đồng.

"Chế tài phạt không phải là không có tính chất răn đe, bởi phạt nhiều thì cơ sở kinh doanh có thể phá sản, không thể sản xuất được nữa. Tuy nhiên, thực tế trong xã hội luôn có những thành phần cố tình lách luật để làm những sản phẩm không đạt yêu để lưu thông kiếm lợi bất chính. Do đó, dù chế tài xử phạt đến đâu thì vẫn sẽ có những người vi phạm", ông Nguyễn Hùng Long lý giải.

Về trách nhiệm của các bộ ngành trong quản lý an toàn thực phẩm theo ông Long, việc phân công hiện nay đang chia ra 3 bộ là Y tế, Công thương và Nông nghiệp cùng kiểm tra, quản lý, còn theo Chỉ thị 17 của Ban Bí thư, sau này việc quản lý về an toàn thực phẩm sẽ về một đầu mối. Khi đó dù một đầu mối là bộ nào quản lý thì sự phối hợp liên ngành vẫn cần phải tiếp tục.

Chẳng hạn, ngành Nông nghiệp thì không bao giờ thoát khỏi trách nhiệm đảm bảo nuôi trồng, thu hái đánh bắt, sơ chế nông sản thực phẩm;

Ngành Công Thương cũng không thể thiếu vì họ quản lý thị trường, trách nhiệm quản lý về lưu thông trên thị trường. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… cơ quan truyền thông cũng vẫn phải tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng… Tất cả các ban ngành khác đều có vai trò nhất định.

“Việc cần thiết là phối kết hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ hơn thì sẽ đảm bảo tốt hơn về vấn đề an toàn thực phẩm”, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, từ kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục tổ chức kiểm tra theo các chuyên đề, kiểm tra định kỳ và đột xuất xuyên suốt từ nay đến cuối năm.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp…

Đối với ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Công Thương, Nông nghiệp tổ chức thực hiện công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra vụ ngộ độc lớn trên địa bàn Thủ đô.

Trong quý I/2024, toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 637 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 3 vụ, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ba-bo-cung-quan-an-toan-thuc-pham-ngo-doc-thuc-pham-van-nhieu-d215262.html